Phải đồng bộ, quyết liệt
Những ngày qua, Hà Nội thường xuyên nằm trong danh sách những thành phố có chỉ số AQI cao nhất thế giới. Ô nhiễm không khí đang trở thành một vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe cộng đồng và chất lượng sống.
AQI (Air Quality Index - Chỉ số chất lượng không khí) là thước đo phản ánh chất lượng môi trường không khí phổ biến hiện nay với biên độ từ 0 - 500.
AQI được tính toán dựa trên nồng độ của các chất ô nhiễm trong không khí như bụi mịn (PM2.5 và PM10 - những hạt bụi siêu nhỏ có thể xâm nhập sâu vào phổi) và một số chất khí đều có hại với hệ hô hấp như Ozon (O3), lưu huỳnh điôxít (SO2), nitơ điôxít (NO2) và cacbon monoxit (CO).
Chỉ số AQI dưới 50 được coi là tốt, dưới 100 là chấp nhận được, trên 100 là có hại cho sức khỏe, từ 300 đến 500 là mức nguy hiểm.
Vào 14h ngày 23-12, trên ứng dụng IQAir (nhà cung cấp dữ liệu ô nhiễm không khí hàng đầu thế giới), với mức AQI 198, Hà Nội đứng vị trí thứ sáu trong bảng xếp hạng các thành phố lớn trên thế giới. Kết quả đo thực tế tại một số địa điểm ở Hà Nội cùng ngày hôm đó thậm chí còn cho thấy AQI cao hơn: Lúc 9h tại đường Giải Phóng (quận Hai Bà Trưng) là 252, trên đường Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên) là 218. Tối cùng ngày, Hà Nội thậm chí còn vọt lên vị trí thứ ba trên bảng xếp hạng.
Nguồn phát thải lớn nhất gây ô nhiễm không khí Hà Nội là từ các phương tiện giao thông. Theo Viện Khoa học và Công nghệ môi trường (Đại học Bách khoa Hà Nội), khí thải xăng và dầu diesel từ giao thông đóng góp 46% lượng bụi siêu mịn và các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi từ xe máy chiếm hơn 90% tổng mức phát thải từ giao thông. Lớn thứ hai là nguồn phát thải từ các hoạt động sản xuất công nghiệp ở Hà Nội và các tỉnh, thành phố lân cận. Thứ ba là nguồn đốt phụ phẩm nông nghiệp. Thứ tư là các nguồn như xây dựng, đốt rác, y tế và hoạt động dân sinh khác...
Vì thế, giải pháp giảm ô nhiễm không khí ở Hà Nội hàng đầu là tăng cường kiểm soát phương tiện giao thông. Việc thiết lập vùng phát thải thấp (LEZ) mà Thành phố đang triển khai là bước đi cần thiết, phù hợp với xu thế chung của thế giới. Giảm số lượng phương tiện cũ không đạt tiêu chuẩn khí thải là con đường tất yếu, nhưng cùng với đó là phải phát triển mạnh hệ thống giao thông công cộng. Hình thành được một hệ thống giao thông công cộng thuận tiện, giá cả hợp lý thì mới có khả năng thay thế dần phương tiện cá nhân. Đồng thời, nhà nước nên có chính sách ưu đãi chuyển đổi phương tiện xanh, như miễn thuế hoặc trợ giá.
Thành phố cũng cần kiểm soát chặt chẽ hoạt động xây dựng, yêu cầu các công trình xây dựng phải được che chắn, phun nước giảm bụi gắn với chế tài nghiêm khắc.
Song song với đó, phải thúc đẩy việc tái chế rác thải và chuyển đổi rơm rạ thành phân hữu cơ hoặc nguyên liệu sinh học; đẩy nhanh hơn việc đầu tư xây dựng thêm công viên, vườn hoa và hành lang xanh; bảo vệ ao, hồ, khắc phục ô nhiễm sông để cải thiện khả năng lọc bụi và điều hòa không khí. Tỉ lệ cây xanh trên đầu người hiện nay của Hà Nội mới đạt khoảng 2m2/người trong khi theo quy chuẩn thì phải đạt ít nhất từ 6 - 7m2/người.
Một giải pháp không kém phần quan trọng là tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nhân rộng lối sống xanh, giữ gìn môi trường, khuyến khích sử dụng phương tiện công cộng, đi xe đạp, đi bộ...
Rõ ràng, có bao nhiêu nguyên nhân thì cũng có bấy nhiêu giải pháp giảm ô nhiễm không khí. Nhưng, điều quan trọng là phải thực hiện các giải pháp một cách đồng bộ, bởi sự thiên lệch, khiên cưỡng, duy ý chí đều sẽ đem lại kết quả thiếu bền vững.
Đặc biệt, giảm ô nhiễm không khí tại Hà Nội là một nhiệm vụ ngày càng cấp bách thì thái độ vào cuộc, sự quyết liệt, kiên trì, bền bỉ trong cách làm và nguồn lực đầu tư cũng phải được nâng lên một cách tương xứng.