Phải có giải pháp đồng bộ để thu đủ thuế từ các 'ông lớn' trên sàn thương mại điện tử

Chiều 23-9, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm với chủ đề 'Tăng cường hiệu quả quản lý thuế đối với thương mại điện tử' nhằm thảo luận về những giải pháp nâng cao hiệu quả trong lĩnh vực này.

Các đại biểu dự tọa đàm về tăng cường hiệu quả quản lý thuế đối với thương mại điện tử

Các đại biểu dự tọa đàm về tăng cường hiệu quả quản lý thuế đối với thương mại điện tử

Thông tin tại tọa đàm cho thấy, doanh thu thuế từ thương mại điện tử (TMĐT) tăng đều qua các năm: 83.000 tỷ đồng (năm 2022), 97.000 tỷ đồng (năm 2023) và chỉ trong 7 tháng đầu năm 2024 đã đạt hơn 78.000 tỷ đồng. Sự gia tăng mạnh mẽ này không chỉ đến từ các doanh nghiệp trong nước, mà còn từ các nền tảng quốc tế như Google, Facebook và Amazon.

Tuy nhiên, TMĐT với tính linh hoạt và giao dịch xuyên biên giới vẫn đặt ra những thách thức mới, đòi hỏi phải tối ưu hóa giải pháp quản lý thuế và thúc đẩy sự phát triển bền vững của TMĐT.

Tại tọa đàm, bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công thương) cho biết, TMĐT Việt Nam phát triển rất nhanh trong vòng 10-15 năm qua, đặc biệt 5 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng duy trì từ 20-25%/năm. Cách đây khoảng 10 năm, quy mô thị trường TMĐT bán lẻ của Việt Nam đạt khoảng 2,2 tỷ USD, nhưng đến năm 2023, quy mô thị trường TMĐT bán lẻ đã đạt mức 20,5 tỷ USD, chiếm 8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng toàn quốc; tỷ lệ này đang được dự đoán đạt 10% vào năm 2025. Có thể nói, TMĐT phát triển nhanh và mạnh đã đóng góp rất tích cực cho việc phát triển mô hình thương mại khá hiện đại trong những năm qua.

 Bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số, Bộ Công thương

Bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số, Bộ Công thương

Tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng nhanh như vậy, đặt ra bài toán phải phát triển bền vững. Đó là bảo đảm được sự cạnh tranh lành mạnh cũng như bảo đảm việc tuân thủ pháp luật của chủ thể tham gia thị trường, trong đó có việc tuân thủ nghĩa vụ về thuế. Theo bà Lại Việt Anh, để nâng cao hiệu quả quản lý thuế, một trong những mấu chốt là việc xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý một cách toàn diện và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý.

Hiện, Bộ Công thương là cơ quan quản lý đối với chủ thể sở hữu các website và nền tảng TMĐT. Bộ đã chia sẻ dữ liệu đó với cơ quan quản lý nhà nước về công thương ở tất cả các địa phương và hiện nay đang thực hiện việc kết nối, chia sẻ với Tổng cục Thuế. Bộ đã chia sẻ dữ liệu về hơn 1.000 chủ thể sở hữu nền tảng TMĐT ở dạng website hay dạng ứng dụng; tiến tới chia sẻ dữ liệu của khoảng 50.000 chủ thể sở hữu website TMĐT bán hàng. “Thông tin chia sẻ, kết nối, tiến tới đồng bộ hóa dữ liệu giữa các cơ quan quản lý nhà nước có thể tăng hiệu quả công tác quản lý, giúp giảm thời gian cho doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục với nhiều cơ quan khác nhau”, bà Lại Việt Anh cho biết.

 Ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và xã hội số, Bộ TT-TT

Ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và xã hội số, Bộ TT-TT

Nêu ý kiến tại tọa đàm, ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và xã hội số (Bộ TT-TT) nhấn mạnh đến công tác thanh tra, kiểm tra, bảo đảm dữ liệu luôn luôn đúng, đủ, sạch, sống. Đó là trách nhiệm của Bộ TT-TT trong việc xây dựng tiêu chuẩn như: bảo đảm kết nối liên thông các cơ sở dữ liệu phục vụ cho hoạt động TMĐT. Theo ông, sự phối hợp đồng bộ của các bộ, ngành có liên quan: Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Ngân hàng Nhà nước, Bộ TT-TT, Bộ Công an sẽ tạo thành bức tranh tổng thể để có thể quản lý đúng và đủ trong lĩnh vực này.

Trước quan điểm cho rằng chúng ta vẫn còn thất thu lớn từ những "ông lớn" như: Google, Facebook, YouTube… khi số thu thuế nhà thầu thông qua các tổ chức tại Việt Nam khai thay, nộp thay chỉ quanh ngưỡng 1.000 tỷ đồng, trong khi doanh thu của những doanh nghiệp này là hàng tỷ USD mỗi năm, chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh đồng tình, doanh thu từ những “ông lớn” này ở trên thị trường Việt Nam là rất lớn, nhưng lượng thuế họ nộp chưa tương xứng. Do đó, cần phải có cơ sở thống kê dữ liệu, các kho dữ liệu lớn và các phương pháp quản lý để từ đó chúng ta có bằng chứng để có thể thu đúng, thu đủ từ các “ông lớn” này.

Theo PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, hàng hóa nhỏ di chuyển qua biên giới theo thống kê từ tháng 1 đến tháng 6-2024, mỗi tháng có từ khoảng 1,3 tỷ - 1,9 tỷ USD hàng hóa nhỏ qua biên giới không phải đóng thuế. “Những hàng hóa này rõ ràng khi đóng thuế đã là một con số rất lớn. Bình quân một ngày khoảng 50 triệu USD vào, ra thị trường Việt Nam, nhưng chúng ta hoàn toàn miễn, cơ chế chính sách như vậy là không phù hợp”, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh nêu.

Trong khi đó, không ít quốc gia đánh thuế đồng bộ tất cả hàng hóa ra - vào quốc gia, nên nếu mỗi ngày chúng ta có 4-5 triệu đơn qua biên giới thì con số thất thoát thuế rất lớn. Do đó, theo ông, hoàn chỉnh các cơ chế chính sách là việc cần làm ngay. “Cơ chế chính sách của chúng ta phải phù hợp với từng điều kiện và theo đúng thông lệ. Năm 2010, Chính phủ không thu thuế đối với những khoản thu nhỏ dưới 1 triệu đồng để giải tỏa vấn đề thông quan và kiểm tra hải quan. Nhưng bây giờ thời đại khác rồi, kinh tế số chỉ cần 1 giây là đã có đầy đủ, chúng ta không phải miễn cái đó”, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh nêu quan điểm.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cũng đề nghị phải xây dựng cơ sở dữ liệu lớn, kho dữ liệu về TMĐT, không chỉ phục vụ cho cơ quan thuế để thu đúng, thu đủ, mà còn phục vụ cho việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như việc bảo vệ an sinh xã hội; tiếp theo là việc ứng dụng công nghệ, phải dùng chính công nghệ mới và công nghệ số để quản lý hoạt động TMĐT. Chỉ có như thế chúng ta mới quản lý phù hợp và chặt chẽ.

PHAN THẢO

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/phai-co-giai-phap-dong-bo-de-thu-du-thue-tu-cac-ong-lon-tren-san-thuong-mai-dien-tu-post760335.html
Zalo