Phải có cam kết cụ thể về tiến độ giải ngân nguồn vốn
Đó là một trong những chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Tổ trưởng Tổ công tác số 2 tại hội nghị trực tuyến với một số bộ, cơ quan, địa phương về việc kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 diễn ra ngày 30/8.
Dự hội nghị tại điểm cầu Phú Yên có đồng chí Đào Mỹ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành, địa phương trong tỉnh.
Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 được Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ giao cho 29 cơ quan thuộc phạm vi kiểm tra của Tổ công tác số 2 là hơn 231.665 tỉ đồng, trong đó đã phân bổ chi tiết hơn 228.566 tỉ đồng, đạt 98,7% kế hoạch. Có 18 cơ quan đã phân bổ hết kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao. Tổng số vốn đã giải ngân của 29 cơ quan hơn 87.072 tỉ đồng, đạt 37,6% kế hoạch, cao hơn mức bình quân chung của cả nước 34,7%. Một số đơn vị, địa phương có kết quả giải ngân cao là Bộ GTVT 30.127 tỉ đồng, tỉnh Thanh Hóa 7.081 tỉ đồng, tỉnh Nghệ An 4.583 tỉ đồng… 21/29 cơ quan có tỉ lệ giải ngân thấp hơn bình quân cả nước, đặc biệt còn 5 cơ quan giải ngân rất thấp, phải điều chỉnh kế hoạch vốn được giao.
Nguyên nhân giải ngân vốn chậm là do các dự án vướng giải phóng mặt bằng, tái định cư, nguồn cung vật liệu xây dựng; vướng mắc trong việc hoàn thiện thủ tục đầu tư, phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm...
Tại Phú Yên, tổng nguồn vốn đầu tư công năm 2024 do tỉnh quản lý hơn 4.533 tỉ đồng; trong đó kế hoạch đầu tư công phân bổ năm 2024 hơn 4.167 tỉ đồng, còn lại là kế hoạch vốn kéo dài năm 2023 sang năm 2024. Đến ngày 31/7, giá trị giải ngân vốn hơn 330 tỉ đồng, bằng 12,3% kế hoạch vốn.
Tại hội nghị, các đại biểu thảo luận, đánh giá những mặt tích cực và tồn tại, hạn chế; phân tích nguyên nhân của những vướng mắc; xác định các giải pháp, nhiệm vụ để thúc đẩy đầu tư công năm 2024.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Năm 2024 có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội XIII của Đảng và Kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2021-2025. Các bộ, ngành, địa phương cần rà soát, phân loại nguyên nhân chậm, trách nhiệm của từng dự án cụ thể; rà soát các quy định của pháp luật để kịp thời đề xuất tháo gỡ vướng mắc. Các chủ dự án phải có cam kết cụ thể về tiến độ giải ngân nguồn vốn. Đối với các đơn vị, địa phương giải ngân vốn chưa đạt kế hoạch đề ra cần tập trung bám sát tình hình thực hiện các dự án để kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thi công, đảm bảo tiến độ đã đề ra.