'Phải bảo tồn tốt kho tàng di sản văn hóa mà Cố đô Huế đang sở hữu'

Các đại biểu Quốc hội bày tỏ sự đồng tình với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương; nhấn mạnh rằng để TP Huế sau này phát triển bền vững thì cần giải quyết hài hòa bài toán bảo tồn và phát triển, từ đó giúp giữ gìn và phát huy các giá trị di sản Cố đô.

Chiều 21/11, tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương.

Giải quyết bài toán cốt lõi giữa bảo tồn và phát triển

Đại biểu Phạm Thị Kiều (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông). Ảnh: CTTĐT Quốc hội

Đại biểu Phạm Thị Kiều (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông). Ảnh: CTTĐT Quốc hội

Đại biểu Phạm Thị Kiều (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông) nhận định: “Việc thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương sẽ tạo ra sức bật mới không chỉ cho thành phố phát triển mà còn gìn giữ, bảo tồn tốt kho tàng di sản văn hóa phong phú mà Cố đô Huế đang sở hữu. Đó cũng là sự đóng góp thiết thực cho vùng kinh tế Trung - Trung bộ đến năm 2030 trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển phát triển thành trung tâm kinh tế biển mạnh, có tầm quốc tế hàng đầu ở Đông Nam Á”.

Tuy nhiên, đại biểu lưu ý rằng, khi thành lập TP trực thuộc Trung ương sẽ thúc đẩy quá trình đô thị hóa nhanh chóng, gắn với việc phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội và nhiều công việc khác như phải chuyển đổi mục đích sử dụng một diện tích không nhỏ đất nông – lâm nghiệp.

Vì vậy, đại biểu đề nghị quan tâm đến vấn đề biến đổi khí hậu, nắng hạn, thâm nhập mặn... hiện tượng này đang ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống. Đặc biệt, cần quan tâm việc bảo vệ đất rừng, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, vì đây là những nhóm rừng rất đặc biệt nên cần chặt chẽ khi phải chuyển đổi mục đích sử dụng đối với loại đất này.

Đại biểu Dương Văn Phước (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam). Ảnh: CTTĐT Quốc hội

Đại biểu Dương Văn Phước (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam). Ảnh: CTTĐT Quốc hội

Trong khi đó, đại biểu Dương Văn Phước (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam) cho rằng việc thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương sẽ giúp nơi đây có sự chuyển mình tích cực hơn trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, giữ gìn, phát huy các giá trị di sản văn hóa Cố đô.

Theo đại biểu, với tình hình tự nhiên xã hội và không gian hiện nay, dư địa cho TP Huế trực thuộc Trung ương là rất lớn, đây vừa là thuận lợi nhưng cũng là thách thức đối với địa phương trong quá trình phát triển.

Đại biểu cũng nhấn mạnh rằng để TP Huế sau này phát triển bền vững, thì việc giải quyết bài toán cốt lõi giữa bảo tồn và phát triển là rất khó. Ông thống nhất cao quan điểm bảo tồn là cốt lõi, trong đó TP Huế vốn đặc thù là đô thị di sản, là Cố đô với nhiều đặc trưng riêng.

Đại biểu Lê Trường Lưu - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên-Huế. Ảnh: CTTĐT Quốc hội

Đại biểu Lê Trường Lưu - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên-Huế. Ảnh: CTTĐT Quốc hội

Đại biểu Lê Trường Lưu - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên-Huế chia sẻ đến nay, việc xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên-Huế thành TP trực thuộc Trung ương là quá trình nỗ lực, phấn đấu lâu dài.

"Đến nay, việc thực hiện mục tiêu đã đạt nhiều thành quả hết sức quan trọng, trong đó xây dựng được mô hình đô thị theo hướng đô thị di sản, sinh thái, cảnh quan thân thiện môi trường. Đồng thời đã hình thành và phát triển đô thị Huế về văn hóa, du lịch, trung tâm giáo dục đa ngành, đa lĩnh vực, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị di sản. Kinh tế đạt mức tăng trưởng khá...,” đại biểu Lê Trường Lưu nói.

Đại biểu khẳng định việc thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương đạt các điều kiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và nghị quyết của Thường vụ Quốc hội; nhận được sự ủng hộ đồng thuận của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.

“Với mô hình tiêu chí lựa chọn là đô thị di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh, không phát triển dân cư, nhà cửa mật độ cao, đô thị nhánh, giải quyết hài hòa bài toán bảo tồn và phát triển, sẽ tạo điều kiện cho Huế bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị di sản đặc sắc của thế giới và cả nước,” ông Lưu nói.

Thành phố di sản văn hóa đầu tiên của Việt Nam

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: CTTĐT Quốc hội

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: CTTĐT Quốc hội

Phát biểu giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà chia sẻ: “Hôm nay Quốc hội thảo luận một nội dung có ý nghĩa lịch sử, một sự kiện mang tính lịch sử để đi đến xem xét và quyết định thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương, thành phố di sản văn hóa đầu tiên của Việt Nam”.

“TP Huế cũng sẽ là thành phố di sản văn hóa của thế giới, thành phố kết nối với 8 di sản thế giới (của Việt Nam) được UNESCO công nhận và vinh danh. Ý kiến của các đại biểu hôm nay cũng đầy cảm xúc vui, phấn khởi, tự hào về đất nước, về tương lai cho sự phát triển thành phố di sản văn hóa đầu tiên của Việt Nam,” Bộ trưởng Trà nói.

Bà cũng cho biết việc xây dựng đề án, dự thảo nghị quyết đã tham khảo kinh nghiệm quốc tế khi thành lập các đô thị di sản; nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản Cố đô, bản sắc văn hóa Huế, trong đó lấy bảo tồn làm cốt lõi. Xây dựng và phát triển TP Huế trực thuộc Trung ương với mục tiêu bảo tồn và phát huy di sản văn hóa tốt hơn, chất lượng, hiệu quả hơn, tạo động lực và nguồn lực cho sự phát triển, tạo sức lan tỏa cho Huế, cả vùng, và đất nước.

Bên cạnh đó, đổi mới tư duy cho phát triển đô thị Việt Nam, bảo đảm sự kế thừa, phát triển xanh, văn minh, bản sắc, đặt trong tổng thể màng lưới đô thị, màng lưới di sản của thế giới; tạo ra không gian đô thị của Việt Nam đa dạng, phong phú hơn, hiện đại, góp phần dẫn dắt phát triển đất nước. Cùng với việc thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương, phải thực hiện mục tiêu tinh gọn, sắp xếp lại 4 đơn vị hành chính cấp huyện, 21 đơn vị hành chính cấp xã của Thừa Thiên-Huế.

Đỗ Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/phai-bao-ton-tot-kho-tang-di-san-van-hoa-ma-co-do-hue-dang-so-huu-35854.html
Zalo