Phác thảo bức tranh kinh tế năm 2025
Những nét vẽ đầu tiên của Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư phác thảo. Theo đó, trong năm cuối thực hiện Kế hoạch 5 năm, tăng trưởng kinh tế dự kiến đạt khoảng 6,5-7%.
Đề xuất chọn kịch bản tăng trưởng 6,5-7%
Tháng 9 thường là thời điểm để bắt đầu đề xuất các nội dung cơ bản của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm sau. Năm nay cũng vậy, những nét vẽ đầu tiên của Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư phác thảo. Theo đó, có hai kịch bản tăng trưởng và lạm phát năm 2025 được Ban Cán sự Đảng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ trong cuộc họp mới đây.
Cụ thể, kịch bản 1, dự báo tốc độ tăng trưởng GDP năm 2025 khoảng 6,5-7%, lạm phát khoảng 4-4,5%. Dự báo này được đưa ra dựa trên cơ sở tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn ở mức thấp; môi trường vĩ mô toàn cầu đối mặt với nhiều rủi ro. Với kịch bản này, nếu tăng trưởng GDP của năm cuối cùng thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 ở mức 6,5-7%, thì bình quân 5 năm, tăng trưởng GDP sẽ ở mức 5,8-6%.
Trong khi đó, ở kịch bản 2, dự báo tốc độ tăng trưởng GDP năm 2025 khoảng 7-7,5%, lạm phát khoảng 4,5%. Đây là mức tăng trưởng khá cao và chỉ có thể đạt được với dự kiến tình hình thế giới, các nền kinh tế lớn, đối tác thương mại, đầu tư chủ yếu của Việt Nam chuyển biến tích cực hơn so với dự báo; sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp của Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ hơn. Với kịch bản này, tăng trưởng GDP bình quân 5 năm sẽ đạt khoảng 5,9-6,1%.
Đưa ra hai kịch bản, song Ban Cán sự Đảng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị lựa chọn mục tiêu tăng trưởng khoảng 6,5-7%, lạm phát bình quân khoảng 4-4,5% trong năm 2025; đồng thời phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn (7-7,5%) khi bối cảnh, tình hình thuận lợi hơn để phấn đấu tăng trưởng bình quân 5 năm khoảng trên 6%.
Kịch bản tăng trưởng 6,5-7% được cho là phù hợp trong bối cảnh tình hình thế giới được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi và cơ hội. Kinh tế trong nước cũng vậy, vẫn đang chịu những tác động từ những diễn biến bất lợi từ bên ngoài, cũng như những vấn đề nội tại đã tích tụ từ lâu, khó có thể cải thiện ngay trong ngắn hạn…
Tuy vậy, xu hướng chung là tích cực. Các dự báo gần đây của các định chế quốc tế đều cho rằng, năm 2025, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ đạt mức cao hơn năm 2024. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) là một ví dụ. Theo ngân hàng này, kinh tế Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 6% trong năm nay, sau đó tăng lên 6,2% trong năm 2025.
Ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc Quốc gia ADB của Việt Nam cho rằng, sự phục hồi mạnh mẽ của lĩnh vực thương mại, cũng như khu vực sản xuất và thu hút đầu tư nước ngoài đã mang lại nhiều tín hiệu sáng cho kinh tế Việt Nam.
Tương tự, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,1% trong năm 2024 và tăng lên 6,5% trong hai năm 2025-2026. WB cũng đánh giá cao sức chống chịu của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh thách thức ngày càng gia tăng trên toàn cầu.
Bứt phá để về đích
Đầu năm nay, khi trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng, năm 2024 chính là năm “bứt phá để về đích” và do đó, cần tận dụng mọi cơ hội và dồn mọi nguồn lực để “thúc” tăng trưởng kinh tế.
Cần đẩy mạnh đầu tư công để vừa kích cầu ngắn hạn, vừa góp phần giải quyết vấn đề thiếu hụt hạ tầng, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng, giao thông và logistics - vốn đang là những nút thắt cản trở tăng trưởng.
- Ông Sebastian Eckardt, Trưởng ban Kinh tế vĩ mô, Thương mại và Đầu tư khu vực Đông Á - Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới
Dù con số cuối cùng phải tới cuối năm mới chính thức được công bố, song nhiều dự báo cho thấy, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2024 có thể đạt 6,8-7% và đang phấn đấu đạt mức cao hơn 7%. Đây chính là nền tảng quan trọng để Việt Nam có thể tiếp tục bứt phá và về đích vào năm 2025, năm có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.
Trong kỳ Kế hoạch 5 năm này, kinh tế Việt Nam đã chịu những ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, sau đó là biến động địa chính trị toàn cầu, đứt gãy chuỗi cung ứng... Do đó, tăng trưởng GDP của 3 năm 2021-2023 lần lượt đạt mức 2,58%; 8,12% và 5,05%. Năm 2024, dự kiến đạt 6,8-7%, phấn đấu đạt cao hơn. Còn năm 2025, mục tiêu dự kiến đặt ra là 6,5-7%. Với các kết quả này, mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,5-7% của Kế hoạch 5 năm khó có thể đạt được.
Dẫu vậy, trong các chỉ đạo gần đây của Chính phủ, việc làm sao đạt kết quả cao nhất có thể luôn được khẳng định. Trong dự kiến Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất mục tiêu tổng quát là: “Lấy phát triển để ổn định, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế…”.
Câu hỏi đặt ra là, làm sao để kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 6,8-7% trong năm nay, phấn đấu đạt cao hơn, cũng như đạt mức tăng trưởng 6,5-7%, phấn đấu đạt mức cao hơn trong năm tới?
Có 12 nhóm chính sách đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất, trong đó có ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thu hút đầu tư nước ngoài, các nguồn lực xã hội; nâng cao vai trò và phát huy hiệu quả hơn nữa nguồn lực của các tập đoàn, tổng công ty doanh nghiệp nhà nước…
Cùng với đó là đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, làm mới lại các động lực tăng trưởng truyền thống; đẩy mạnh phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn...; tập trung rà soát, tháo gỡ triệt để các khó khăn, vướng mắc, nhất là về pháp lý của tất cả dự án để giải phóng tối đa các nguồn lực còn đang tồn đọng cho tăng trưởng và phát triển…
Liên quan đến khả năng tăng trưởng của kinh tế Việt Nam, các chuyên gia của WB cho rằng, sự phục hồi xuất khẩu các mặt hàng chế tạo, chế biến, cũng như sự phục hồi trong du lịch, tiêu dùng và đầu tư sẽ là những yếu tố quan trọng.
Tuy vậy, trong dài hạn, ông Sebastian Eckardt, Trưởng ban Kinh tế vĩ mô, Thương mại và Đầu tư khu vực Đông Á - Thái Bình Dương của WB cho rằng, việc phát triển các thị trường vốn sẽ tạo ra nguồn vốn dài hạn quan trọng cho nền kinh tế, giúp Việt Nam đạt mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.
Để thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ hơn, việc thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp tiên phong, như bán dẫn, AI… cũng được cho là một chìa khóa quan trọng. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhiều lần khẳng định, đây chính là một trong những yếu tố quan trọng để Việt Nam có thể “bắt kịp, tiến cùng và vượt lên” trong cuộc chơi toàn cầu.