Phác họa thành phố trực thuộc Thủ đô Hà Nội trong tương lai gần

Mở rộng cả về quy mô diện tích đất đai lẫn quy mô dân số là xu hướng chung của các đô thị hiện nay, nhất là các nước đang phát triển. Với hơn 8,5 triệu dân, Hà Nội không phải ngoại lệ. Hà Nội hội tụ đầy đủ yếu tố để phát triển mô hình Thành phố trong thành phố, đã thành công ở nhiều nước trên thế giới.

UBND TP. Hà Nội phối hợp Hội Quy hoạch phát triển đô Thị Việt Nam và Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội vừa tổ chức Hội thảo khoa học Thủ đô Hà Nội – 70 năm sự nghiệp Quy hoạch – Kiến trúc và Phát triển đô thị (1954-2024).

Hội thảo đã điểm lại những thành tựu, hạn chế trong quy hoạch, xây dựng Thủ đô trong suốt 70 năm qua. Qua đó, hướng tới những giải pháp phát triển Thủ đô theo hướng bền vững, song song với đó là bảo tồn được bản sắc truyền thống trong bối cảnh mới.

Toàn cảnh Hội thảo Thủ đô Hà Nội – 70 năm sự nghiệp Quy hoạch – Kiến trúc và Phát triển Đô thị (1954-2024). Ảnh: Đoan Túc

Toàn cảnh Hội thảo Thủ đô Hà Nội – 70 năm sự nghiệp Quy hoạch – Kiến trúc và Phát triển Đô thị (1954-2024). Ảnh: Đoan Túc

Trong hội thảo, ThS- KTS. Nguyễn Trọng Kỳ Anh, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, cho biết căn cứ Nghị Quyết số 15-NQ/TW ngày 5.5.2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 định hướng: “Nghiên cứu tăng tỉ lệ đất phát triển đô thị; xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây (vùng Hòa Lạc, Xuân Mai); Quy hoạch xây dựng khu vực nông thôn hài hòa, gắn với phát triển đô thị, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, kết nối đồng bộ với quy hoạch khu vực đô thị; khai thác hiệu quả cảnh quan thiên nhiên vùng nông thôn kết hợp với phát triển du lịch xanh”.

Theo nghiên cứu tại đồ án Quy hoạch chung Thủ đô, hệ thống đô thị của thành phố Hà Nội được đề xuất phát triển theo mô hình chùm đô thị, đa cực, đa trung tâm, bao gồm: đô thị trung tâm (đô thị phía Nam sông Hồng; đô thị Long Biên, Gia Lâm), thành phố phía Bắc (các huyện Đông Anh, Mê Linh và Sóc Sơn), thành phố phía Tây (đô thị Hòa Lạc, Xuân Mai), cùng các đô thị vệ tinh Sơn Tây, Phú Xuyên và thị trấn sinh thái,…

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030 tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: TL

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030 tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: TL

Thấy gì từ những thành phố trong thành phố

Phát triển mô hình Thành phố trong thành phố là xu hướng chung trên thế giới, theo TS-KTS. Trương Văn Quảng, Phó Tổng thư ký Hội Quy hoạch phát triển Đô thị Việt Nam. Nhìn vào trường hợp các quốc gia đang phát triển ở châu Á, sự thành công khi phát triển mô hình thành phố Gangnam (Seoul, Hàn Quốc), Phố Đông (Thượng Hải, Trung Quốc) cho thấy chiến lược đúng đắn của các quốc gia này khi áp dụng mô hình Thành phố trong thành phố, hướng tới cấu trúc đa trung tâm, hay tạo ra cực phát triển mới linh hoạt hơn, có sức sống và có sự cạnh tranh cao hơn.

Gangnam tọa lạc ở phía nam của thủ đô Seoul. Ảnh: TL

Gangnam tọa lạc ở phía nam của thủ đô Seoul. Ảnh: TL

Ông Quảng cho biết, vào những năm 1960-1970, để giải quyết vấn đề bất cập của Seoul như dân số, việc làm, Hàn Quốc đã tạo phát triển khu vực phía Nam thành phố. Trong đó, lấy Gangnam làm trung tâm và trở thành khu xúc tiến phát triển. Cùng với cơ chế chính sách, Hàn Quốc đề ra chương trình dầu tư tổng thể về phát triển hạ tầng, kế hoạch di dời trụ sở chính quyền như: Hội đồng thành phố, Tòa án tới thành phố mới. Qua thời gian, nơi đây đã trở thành trụ sở của các “ông lớn” như Google, IBM, Toyota,…

Về trường hợp Phố Đông (Thượng Hải, Trung Quốc), ông Kỳ Anh đánh giá, đây là một điển hình về mô hình này ở Trung Quốc. Thành phố này được xây dựng ở bờ phía Đông sông Hoàng Phố, đối diện với bờ phía Tây là thành phố cũ. Do được quy hoạch riêng biệt và chức năng gần như độc lập so với khu vực trung tâm cũ của Thượng Hải, Phố Đông phát triển như một khu vực kinh tế đặc biệt, trung tâm tài chính của Trung Quốc. Ông Quảng còn nêu thêm, để tạo nên thế mạnh tổng hợp, Phố Đông còn được quy hoạch đầy đủ các khu chức năng như khu thương mại, tài chính, khu chế xuất, công viên khoa học kỹ thuật cao, sân bay, cảng biển quốc tế,…

Phố Đông (góc trên bên trái) chụp năm 1980, khi đó còn là một vùng đất canh tác. Ảnh: TL

Phố Đông (góc trên bên trái) chụp năm 1980, khi đó còn là một vùng đất canh tác. Ảnh: TL

Ngay ở Việt Nam, TP.HCM cũng đã triển khai mô hình thành phố trong thành phố. Theo đó, thành phố Thủ Đức được thành lập trên cơ sở sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức. Nằm ở vị trí chiến lược trong "tam giác vàng" TP.HCM – Bình Dương – Đồng Nai, thành phố Thủ Đức đóng vai trò trọng yếu trong việc kết nối TP.HCM với các tỉnh lân cận về mặt giao thông, các hoạt động dịch vụ, thương mại. Cho nên, “khu kinh tế đặc biệt” thúc đẩy sự phát triển không chỉ của TP.HCM, mà còn của cả vùng.

Vị trí “vàng” để hiện thực hóa giấc mơ thành phố trong thành phố

Ông Quảng nhận định, việc lựa chọn khu vực phía Bắc Sông Hồng (gồm các huyện Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn) và phía Tây Hà Nội (Hòa Lạc – Xuân Mai) để phát triển mô hình Thành phố trong thành phố như quy hoạch đã được ông Kỳ Anh nêu ở trên, là hoàn toàn có cơ sở khoa học và thực tiễn. Theo đó, thành phố phía Bắc có tiềm năng trở thành trung tâm tài chính, ngân hàng, cửa ngõ kết nối logistic của Hà Nội.

Cụ thể, ông Quảng tiếp tục chỉ ra, thành phố phía Bắc có vị trí địa lý thuận lợi, nằm trên hành lang kinh tế - đô thị Côn Minh (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) – Hà Nội – Hải Phòng, cao tốc Hà Nội kết nối với các tỉnh Lào Cai, Thái Nguyên, Lạng Sơn. Khu vực này còn kết nối hạ tầng khung quốc gia thuận tiện, gần cảng hàng không quốc tế Nội Bài (Hà Nội), cảng biển quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng). Đồng thời, liền kề các khu vực phát triển năng động như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh. Nơi đây có tiềm năng phát triển thành trung tâm dịch vụ tài chính, ngân hàng, cửa ngõ logistic, trung tâm công nghệ và đổi mới sáng tạo của thành phố.

3 huyện được xác định xây dựng thành phố phía Bắc Sông Hồng. Ảnh: TL

3 huyện được xác định xây dựng thành phố phía Bắc Sông Hồng. Ảnh: TL

Đối với khu vực phía Tây thành phố, do nằm trên trục Láng – Hòa Lạc, trục kết nối Đông – Tây (kết nối với đô thị trung tâm), nơi đây đã được lựa chọn để xây dựng các công trình trọng điểm Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Đại học Quốc gia Hà Nội và trở thành đô thị khoa học – công nghệ, giáo dục – đào tạo của Thủ đô.

Cùng với sân bay quân sự Hòa Lạc, ông Quảng cho rằng, có thể nâng cấp để khai thác cho mục đích dân sự.

Bản đồ quy hoạch thành phố phía Tây. Ảnh: Hanoi.gov

Bản đồ quy hoạch thành phố phía Tây. Ảnh: Hanoi.gov

Ngoài ra, cả hai khu vực này đều có đủ quỹ đất, cảnh quan môi trường, giàu truyền thống văn hóa – lịch sử. Vì vậy, nếu có quy hoạch tốt, chiến lược phát triển đủ tầm, quyết tâm cao, các khu vực này sẽ phát triển đột phá, mang lại hình ảnh khởi sắc tương đương với Gangnam hay Phố Đông như đã nêu trên.

Hài hòa giữa phát triển đô thị và nông thôn trong lòng thành phố

Như đã đề cập, Hà Nội được đề ra phương hướng quy hoạch xây dựng khu vực nông thôn hài hòa, gắn với phát triển đô thị. Vì vậy, TS. Nguyễn Quang, nguyên Giám đốc UN-Habitat Việt Nam, nhấn mạnh trong quy hoạch, cần phải xác định, đô thị, nông thôn và vùng thủ đô là một thực thể không thể tách rời. Bởi theo ông Quang, mối liên kết đô thị, nông thôn và vùng thủ đô phản ánh sự kết nối 2 chiều: các dòng chảy hàng hóa nông nghiệp, dịch vụ và hàng hóa khác từ nhà sản xuất, chủ sở hữu nhỏ ở nông thôn đến thị trường đô thị; theo chiều ngược lại, hàng hóa và dịch vụ được cung cấp từ thành thị tới các khu định cư nông thôn.

Phác họa Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Ảnh: TL

Phác họa Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Ảnh: TL

Hà Nội hiện có gần 59% đất nông nghiệp, với tổng diện tích xấp xỉ 198.000 ha. Tuy nhiên, ông Quang nhận thấy, quá trình đô thị hóa thiếu bền vững, sử dụng đất thiếu hiệu quả, khiến tình trạng các dự án đô thị phát triển rời rạc, có nơi đất trong tình trạng không sử dụng. Điều này ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường sống và sự phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Xung đột lợi ích phát triển và môi trường thường xảy ra ở khu vực ven đô, nơi có hệ thống quy hoạch, quản lý và kiểm soát phát triển đô thị chưa được hoàn thiện đầy đủ. Chính vì vậy, ông Quang đề xuất, Hà Nội nên phát triển nông thôn và kinh doanh nông nghiệp theo hướng thị trường, tạo ra liên kết đô thị - nông thôn và liên kết vùng.

Hệ thống làng mạc trong đô thị hóa cần được phân loại phù hợp theo nhu cầu chiến lược của nông thôn mới. Chẳng hạn như làng cần bảo tồn di sản văn hóa, làng nghề cần nâng cấp hạ tầng, chỉnh trang theo hướng môi trường bền vững,... Cần liên kết khu đô thị mới với sự cải tạo, chỉnh trang của các làng lân cận, tạo ra mối liên kết kinh tế - xã hội bền vững.

Việc củng cố các thành phố nằm trong Thủ đô không chỉ tạo dòng chảy liên kết giữa thành thị và nông thôn, mà còn tăng cường năng lực của các trung tâm dịch vụ nông thôn, cũng như thị trấn nhỏ và trung gian. Từ đó, cải thiện khả năng tiếp cận của dân cư nông thôn và ven đô với các dịch vụ cơ bản đô thị bền vững, bao gồm nước, vệ sinh, cơ sở y tế, dịch vụ, tài chính, giao thông, năng lượng, thực phẩm, để có thể thu hút dân cư và quá trình đô thị hóa diễn ra bền vững.

TS. Nguyễn Quang, nguyên Giám đốc UN-Habitat Việt Nam, trình bày tham luận tại hội thảo. Ảnh: Đoan Túc

TS. Nguyễn Quang, nguyên Giám đốc UN-Habitat Việt Nam, trình bày tham luận tại hội thảo. Ảnh: Đoan Túc

Sự gắn kết của các thị trấn và thành phố trung gian thành một thể liên tục đa trung tâm, đòi hỏi sự phát triển đầu tư cân bằng, quy hoạch tổng hợp vùng và lãnh thổ, các hành lang và cụm phát triển, cũng như các liên kết và trao đổi liên vùng ở nhiều cấp độ (hành lang đô thị, vùng liên huyện, tỉnh).

Ông Quang cũng cho rằng, có thể học hỏi kinh nghiệm phát triển vùng Bắc Kinh – Thiên Tân – Hà Bắc (Trung Quốc), khi tích hợp sự can thiệp của nhà nước với sự điều tiết của thị trường. Sự hợp tác xuyên ranh giới lãnh thổ với sự thúc đẩy của chính quyền trung ương đảm bảo sự hợp tác trong khu vực lâu dài, ổn định. Bằng cách kết hợp từ trên xuống, lập kế hoạch và hợp tác được thúc đẩy bởi lợi ích chung và của từng địa phương, các mục tiêu quy hoạch được thực hiện phù hợp với môi trường thể chế của Trung Quốc. Trong đó, sức mạnh của thị trường được sử dụng trong việc kích thích sự hợp tác, định hình lại nhu cầu của khu vực và củng cố lợi ích các khu vực địa phương.

Trung Quốc khuyến khích địa phương, chuyên gia, doanh nhân, người dân tham gia đóng góp vào việc hợp tác liên kết vùng. Ngoài ra, các vấn đề liên vùng ưu tiên như bảo vệ sinh thái và môi trường, cơ sở hạ tầng giao thông xây dựng, phát triển chung về du lịch và phát triển thị trường chung được sử dụng như chất xúc tác để kích hoạt sự hợp tác trong khu vực.

Tóm lại, “mô hình phát triển thành phố trong Thủ đô là hướng đi khả thi và hợp lý cho Hà Nội, nhằm giảm tải áp lực đô thị hóa, và phát huy tiềm năng của các khu vực lân cận. Với mô hình này, Hà Nội có thể đạt được sự phát triển bền vững, cân đối giữa bảo tồn và hiện đại hóa”, ông Kỳ Anh kết luận.

Đoan Túc

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/phac-hoa-thanh-pho-truc-thuoc-thu-do-ha-noi-trong-tuong-lai-gan-45554.html
Zalo