PGS.TS Trần Hoài Linh đạt chuẩn GS ngành Tự động hóa năm 2024
PGS.TS Trần Hoài Linh (Trường Điện - Điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội) đạt chuẩn giáo sư ngành Tự động hóa năm 2024.
Năm 2024, liên ngành Điện - Điện tử - Tự động hóa có 34 ứng viên được Hội đồng Giáo sư Nhà nước công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư. Trong đó, có 3 ứng viên giáo sư và 31 ứng viên phó giáo sư.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hoài Linh, Trưởng nhóm Lý thuyết mạch - trường điện từ, Trường Điện - Điện tử, Đại học Bách Khoa Hà Nội là ứng viên duy nhất đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư ngành Tự động hóa năm 2024.
Theo bản đăng ký xét công nhận chức danh giáo sư năm 2024, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hoài Linh tốt nghiệp đại học ngành Tin học, chuyên ngành Tin học ứng dụng tại Trường Đại học Bách Khoa Vác-sa-va (Cộng hòa Ba Lan) năm 1997.
Năm 2000, thầy nhận bằng tiến sĩ ngành Kỹ thuật điện tại Trường Đại học Bách Khoa Vác-sa-va (Cộng hòa Ba Lan).
Năm 2005, thầy được cấp bằng tiến sĩ khoa học ngành Kỹ thuật điện tại Trường Đại học Bách Khoa Vác-sa-va (Cộng hòa Ba Lan).
Năm 2007, thầy Linh được công nhận chức danh phó giáo sư ngành Điện.
Quá trình công tác của ứng viên giáo sư ngành Điện - Điện tử - Tự động hóa đến từ Đại học Bách khoa Hà Nội như sau:
Từ 6/2003 đến 12/2009, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hoài Linh là giảng viên tại Bộ môn Kỹ thuật đo và Tin học công nghiệp, Viện Điện, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội.
Từ 12/2009 đến 7/2016 thầy là giảng viên chính tại Bộ môn Kỹ thuật đo và Tin học công nghiệp, Viện Điện, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội.
Từ 7/2016 đến 8/2018 thầy là giảng viên cao cấp tại Bộ môn Kỹ thuật đo và Tin học công nghiệp, Viện Điện, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội.
Từ 8/2021 đến nay Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hoài Linh là giảng viên cao cấp tại Bộ môn Kỹ thuật đo và Tin học công nghiệp, Viện Điện, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội (nay là Khoa Tự động hóa, Trường Điện – Điện tử, Đại học Bách Khoa Hà Nội).
Hiện tại, thầy Linh đang giữ chức vụ Trưởng nhóm Lý thuyết mạch - trường điện từ, chức vụ cao nhất thầy đã đảm nhận là Phó Trưởng khoa Điện.
Tính đến thời điểm đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, tổng số năm thực hiện nhiệm vụ đào tạo của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hoài Linh là 16 năm 9 tháng.
Trong nghiên cứu khoa học, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hoài Linh tập trung chủ yếu vào 3 hướng nghiên cứu sau:
Thứ nhất, các mô hình trí tuệ nhân tạo mới trong xử lý tín hiệu.
Hướng nghiên cứu này tiếp tục cải tiến các mô hình trí tuệ nhân tạo kinh điển và phát triển các mô hình mới để có thể áp dụng hiệu quả hơn cho nhiều bài toán kỹ thuật.
Với hướng nghiên cứu này, thầy Linh đã công bố 21 công trình khoa học, trong đó là tác giả chính của 4 bài báo đăng trên các tạp chí uy tín; đã hướng dẫn chính 2 nghiên cứu sinh và hướng dẫn phụ 1 nghiên cứu sinh.
Thứ hai, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các thiết bị, hệ thống đo lường hiện đại.
Hướng nghiên cứu này nhằm phát triển và dần hoàn thiện các giải pháp để nâng cao chất lượng của các hệ thống, thiết bị đo lường nói chung và đo lường trong công nghiệp nói riêng.
Do các đối tượng công nghiệp có những đặc tính khác biệt, dẫn tới cần phải điều chỉnh thông số của các hệ đo lường và điều khiển sử dụng cho các đối tượng đó.
Các mô hình AI với đặc trưng có khả năng học theo số liệu mẫu sẽ có ưu thế trong những bài toán mà các hàm truyền đạt hay hàm tương quan của đối tượng chưa rõ, hoặc quá phức tạp để có thể xấp xỉ bằng các hàm kinh điển.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Hoài Linh đã công bố 48 công trình khoa học, trong đó là tác giả chính của 4 bài báo đăng trên các tạp chí uy tín; đã hướng dẫn chính 4 nghiên cứu sinh và hướng dẫn phụ 2 nghiên cứu sinh trong hướng nghiên cứu này.
Thứ ba, các giải pháp đo lường, xử lý tín hiệu mới cho ứng dụng trong y tế và điện tử y sinh.
Các giải pháp tự động hóa trong chẩn đoán và xử lý thông tin y tế là hướng nghiên cứu tương đối đặc thù với các yêu cầu về chất lượng kết quả đầu ra bắt buộc rất cao (do liên quan trực tiếp tới công tác chẩn đoán và điều trị bệnh nhân) trong khi các tín hiệu đầu vào thường khó thu thập, nhiều nhiễu (ví dụ như tín hiệu điện tim, tín hiệu điện não) hoặc quá phức tạp, chưa có nhiều thuật toán xử lý tự động (ví dụ như các bài toán phân tích gen).
Với hướng nghiên cứu này, thầy Linh đã công bố 18 công trình khoa học, trong đó là tác giả chính của 1 bài báo đăng trên các tạp chí uy tín; đã hướng dẫn chính 1 nghiên cứu sinh và hướng dẫn phụ 2 nghiên cứu sinh.
Bên cạnh đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hoài Linh còn hoàn thành 2 đề tài nghiên cứu khoa học từ cấp cơ sở trở lên gồm 1 đề tài NAFOSTED (Đề tài “Xây dựng hệ thống thông minh phối hợp các mạng nơ-rôn nhân tạo để nhận dạng tín hiệu điện tim”) và 1 đề tài cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo (Đề tài “Thiết kế, chế tạo các thiết bị thế hệ mới đo và kiểm tra môi trường”).
Đồng thời, thầy Linh đã công bố 125 bài báo khoa học, là tác giả chính của 9 bài báo khoa học đăng trên tạp chí quốc tế có uy tín (sau khi được công nhận chức danh Phó Giáo sư). Vị Phó Giáo sư, Tiến sĩ cũng có 7 cuốn sách và 1 chương sách đã xuất bản, thuộc nhà xuất bản có uy tín.
Bên cạnh đó, thầy Linh còn tham gia xây dựng, phát triển 6 chương trình đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học đã được đưa vào áp dụng thực tế như Hội đồng xây dựng chương trình đào tạo thạc sĩ năm 2009 theo học chế tín chỉ, chuyên ngành Đo lường và Các hệ thống điều khiển của Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội; Hội đồng thẩm định chương trình khung đào tạo thạc sĩ chuyên ngành Kỹ thuật y sinh của Học viện Kỹ thuật quân sự; Hội đồng rà soát, điều chỉnh chương trình đào tạo trình độ đại học của Trường Đại học Sao Đỏ...
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hoài Linh đạt nhiều thành tích xuất sắc trong quá trình công tác như nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giải thưởng “Sao tháng Giêng” của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh...
Xem chi tiết hồ sơ ứng viên TẠI ĐÂY.