PGS.TS Trần Đức Minh: Nhớ cô giáo Đặng Bích Hà và những bài học sâu sắc theo suốt cuộc đời

Ngày 17/9/2024, đúng Tết Trung thu Bà Đặng Bích Hà, phu nhân Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từ trần. Sau 11 năm xa cách, nay bà đã trở về bên Đại tướng ở cõi vĩnh hằng! Sinh thời, bà được nhắc đến nhiều trên báo chí là một phu nhân đáng kính của Đại tướng, Tổng Tư lệnh QĐND Việt Nam - Võ Nguyên Giáp. Nhưng bà còn là một nhà khoa học, PGS sử học với một sự nghiệp không kém phần vẻ vang!

Nghe tin cô giáo cũ Đặng Bích Hà mất, PGS.TS. Trần Đức Minh, nguyên Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Nam Định; Ủy viên Ban chấp hành Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Nam Định, một sinh viên cũ của bà từ khóa học 1964-1968, rất buồn. Ở tuổi 80, ông rất buồn vì lí do sức khỏe, ông không thể trực tiếp đi Hà Nội để viếng và đưa tiễn cô giáo cũ về nơi an nghỉ cuối cùng. Ông đã giành cho Báo Nam Định những chia sẻ kỷ niệm về cô và những bài học đi theo suốt cuộc đời ông.

PGS.TS. Trần Đức Minh là sinh viên của cô giáo Đặng Bích Hà ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Khoa Lịch sử khóa 1964 – 1968. “Cô Hà dạy đâu ra đấy, vui lắm. Trong giờ cô dạy, sự đối thoại giữa cô giáo với sinh viên rất thoải mái và chúng tôi cảm thấy là giờ học lôi cuốn”, ông Trần Đức Minh nhớ lại.

Đúng như nhà văn Thanh Hương từng nhận xét: Là một “đại phu nhân” của thời bình, vợ một nhân vật lừng danh khắp năm châu bốn biển, Hà vẫn là người phụ nữ trí thức Việt Nam vô cùng chân thành và giản dị. Ông Trần Đức Minh cho biết: Ông được học cô giáo Đặng Bích Hà từ năm thứ hai, khi trường phải sơ tán lên Thái Nguyên trong cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của đế quốc Mỹ. Khi ấy, ông là cán sự lớp nên cùng các bạn giúp chuyển đồ cho giáo viên. Ông và một người bạn trực tiếp khiêng giúp các cô chiếc cối giò. “Hôm đó một cán bộ văn phòng khoa mới nói cho biết cô Hà là phu nhân Đại tướng thì chúng tôi mới biết vậy thôi. Chứ lên lớp cô vào dạy luôn, cũng không tự giới thiệu là vợ Đại tướng đâu; cô rất thân mật, gần gũi sinh viên.

Ấn tượng về cô trong ông và các bạn là “cô rất giản dị, ăn mặc cũng giản dị, nói năng cũng giản dị, không phân biệt là con người thế này hay thế khác đâu dù cô là con nhà dòng dõi, trâm anh thế phiệt. Khi họp ở khoa cũng vậy, cô cười nói rất thoải mái.”

Cô giáo Đặng Bích Hà và những bài học sâu sắc theo suốt cuộc đời.

Ở khoa tôi đặc biệt có ấn tượng với hai cô giáo là cô Ngô Thị Chính và cô Đặng Bích Hà, các cô rất tuyệt vời, nhất là cô Hà rất thoải mái, không có cách biệt gì. Cô giảng rất cần mẫn, nhiệt tình, rất giỏi. Cô dạy lịch sử cận đại, về các nền văn minh châu Âu, châu Á, Mỹ - Latinh, về các cuộc chiến tranh thời cận đại, sự hình thành của chủ nghĩa thực dân cũ, đặc biệt là chiến tranh Pháp - Nga năm 1912 ấy. Ấn tượng lắm… Vì thế mà tôi rất yêu lịch sử”.

Là trò cưng của cô Hà nhưng ông cũng chỉ có 1 lần đến thăm nhà cô, đó là trước khi ông đi nghiên cứu sinh tại Liên Xô (cũ). “Khi ấy tôi đang học lớp chuyên tu tiếng Nga ở Thanh Xuân để chuẩn bị đi, tôi gọi điện báo cho cô. Cô bảo “đến đây”. Khi đến gặp, cô vui lắm, cô ôm chầm lấy tôi. Tôi nói với cô “nửa tháng nữa con đi”, cô bảo “thế tốt rồi, cô không được suôn sẻ như em. Cố gắng mà học nhé”. Tôi có nói với cô lúc trước học tiếng trên này “nhưng con không dám gọi điện cho cô”, cô bảo “cái thằng này,…”; rồi cô trò cùng ôn lại bao nhiêu chuyện cũ. Nên giờ tôi cứ nhớ những chuyện ấy…”.

Cô giáo Đặng Bích Hà và những bài học sâu sắc theo suốt cuộc đời.

Cô Bích Hà rất khiêm tốn. Khi có xê-mi-na (thảo luận) cô đến dự và gợi ý cho sinh viên, tôi học được phong cách ấy của cô, mà bây giờ mình gọi là cách biến học sinh thành trung tâm, phát huy tính tích cực, độc lập của sinh viên trong nghiên cứu. Phải nghiên cứu, lúc bấy giờ sách vở hiếm. Cô nói gì sinh viên chúng tôi phải ghi tốc ký. Đến bây giờ “trong tàng thư của tôi, những ghi chép từ thời ấy vẫn còn. Sáng nay tôi vừa giờ ra xem, tôi còn ghi chú “viết ý kiến của mình” (để đánh giá về một nội dung gì đấy mà cô gợi ý trong buổi xê-mi-na đấy). Cô rất chăm chỉ, nghiêm túc, luôn lên lớp đúng giờ. Các thầy cô rất giỏi. Mình học tập được phương pháp luận của các thầy cô, học được phẩm chất cần mẫn, chỉn chu, yêu lịch sử. Quan hệ đối xử với sinh viên thì thực sự là bình đẳng, dân chủ, thương học trò. Cô cứ nói ra miệng ấy “thương quá” (như là trong lòng cô nghĩ mình có điều kiện, sung sướng hơn, còn chúng tôi con nhà nông dân rất vất vả). Tôi rất tự hào mình là con nhà nông dân nhưng đã được trở thành nhà khoa học như bây giờ.

Cái điều học tập ở cô nữa là khát vọng, cô luôn động viên “cố gắng học con nhé. Càng nghèo khổ càng phải cố gắng học”. Lúc bấy giờ nghe thấm thía lắm. Cho đến bây giờ tôi 80 tuổi, tôi vẫn thấy rằng, khi tôi sang Liên Xô học, tôi may mắn được tiếp thu một nền khoa học tiên tiến trên thế giới và có một nền tảng từ ở Việt Nam là tôi may mắn được học Khoa Sử Đại học Sư phạm Hà Nội với các thầy cô giáo rất giỏi, trong đó có cô Hà.

Trong đời thường thì cô rất giản dị, gần gũi. Ở nơi sơ tán, cô đi dép cao su, đến thăm sinh viên, hỏi thăm gia đình, chuyện học hành, cuộc sống, không có gì là cách biệt, không hề thể hiện mình là phu nhân của cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng. Cô luôn động viên sinh viên “cứ nói thoải mái đi” làm cho học trò thoải mái mở lòng. Làm thầy cô mà được sinh viên mở lòng với mình là quý lắm.

Chúng tôi hỏi “Ông học tập được gì từ các bài giảng của cô giáo Đặng Bích Hà cho sau này khi ông cũng trở thành thầy giáo dạy Lịch sử? Ông cho biết: đến bây giờ tôi 80 tuổi rồi, tôi vẫn nghĩ mình học được ở nhiều thầy cô, trong đó nhất là cô Hà, là khát vọng vươn lên, lòng biết ơn và trung thực.

Khi dạy lịch sử phải chính xác, không được ngụy tạo lịch sử, nhất là khi dạy lịch sử truyền thụ cho thế hệ trẻ là phải nói đúng, chứ không phải nâng cao tư tưởng gì đâu, mà phải nói đúng, mộ là một, hai là hai. Cái gì không hiểu rõ thì đừng nói… Cô đặt ra tinh thần luôn luôn cầu thị, suy nghĩ. Không những cô dạy mình lòng biết ơn, khát vọng, mà cách cô đối xử với mình như với một người đồng nghiệp để trao đổi những cái trong cuộc sống. Chuyên môn, tình cảm cũng như hiện thực cuộc sống của cô Bích Hà luôn luôn truyền cảm hứng để mình vững tin với nghề. Đến bây giờ tôi vẫn luôn yêu nghề. Cái tôi nghĩ là các thầy cô truyền lại ấn tượng cho mình, nhất là cô Bích Hà, đó là để lại mọi thứ bên ngoài lớp học, chỉ có sinh viên. Thứ hai là bài giảng của mình cho sinh viên.

Những ngày sơ tán ở Thái Nguyên, thầy cô và sinh viên đồng cam cộng khổ, cùng đi vác củi, ăn khoai, ăn sắn như nhau. Thầy Thái, thầy Hiển, người mảnh khảnh, gầy gò, đi tắm suối, vớt củi như chúng tôi ấy. Tất nhiên các cô thì không phải làm các việc vất vả ấy, nhưng không chỉ chia sẻ vật chất, mà cả những lời động viên, chia sẻ, dạy dỗ của thầy cô với chúng tôi rất chân thành thấm thía. Như lúc tôi đến chào cô trước khi đi Liên Xô, cô còn dạy tôi những “thủ thuật” cuộc sống khi mới sang, chẳng hạn như cách tiêu tiền như thế nào. “Em có 200 rúp, mới sang thì phải hỏi các anh chị đi trước xem tiêu như thế nào cho hiệu quả”…

Cô giáo Đặng Bích Hà và những bài học sâu sắc theo suốt cuộc đời.

Khi tôi nhận tin buồn Phu nhân Đại tướng, cô giáo dạy chúng tôi đã ra đi, tôi rất buồn. Sau đó bao nhiêu hình ảnh mấy chục năm trước diễn ra như một cuốn phim tràn ngập tình thương mến, kính trọng. Nhưng rồi tôi cũng thấy có điều an ủỉ là con người ta có cái quy luật “sinh, mệnh, lão, tử. Cô Đặng Bích Hà của chúng tôi về với tiên tổ khi người 97 tuổi, cũng là thượng thọ, đấy là điều đau xót, thương tiếc đối với gia tộc, với các con của người; còn với chúng tôi là học trò cũng vô cùng thương mến cô giáo. Mong cô đi sang bên kia cuộc đời vui vẻ, và hãy nhớ rằng dưới trần gian có học trò mãi không bao giờ quên được hình ảnh cô. Xin gửi lời chia buồn sâu sắc tới toàn thể gia đình, gia tộc cô!

Vân Anh – Viết Dư

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/xa-hoi/202409/co-giao-dang-bich-ha-va-nhung-bai-hoc-sau-sac-theo-suot-cuoc-doi-57e1f64/
Zalo