PGS.TS Trần Đình Thiên: Chống lãng phí phải đi đôi với cải cách thể chế, thông suốt các nguồn lực

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, chống lãng phí ngoài việc thông suốt nguồn lực, cần phải bảo đảm một cơ chế thông thoáng trong công tác quản lý...

Sáng 23/12 tại Hà Nội, Báo Công Thương tổ chức diễn đàn "Bộ Công Thương: Chống lãng phí, khơi thông nguồn lực phát triển".

Tại phiên thảo luận của diễn đàn với chủ đề: "Ngành Công Thương chống lãng phí và khơi thông nguồn lực phát triển để đột phá trong kỷ nguyên mới", các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến góp ý, đề xuất tập trung vào các vấn đề nhận diện lãng phí (thể chế, thủ tục hành chính, nguồn vốn, nhân lực…); chia sẻ kinh nghiệm thực tế, trong nước, quốc tế về công tác phòng chống lãng phí; đề xuất giải pháp chống lãng phí, khơi thông nguồn lực phát triển.

Diễn đàn "Bộ Công Thương: Chống lãng phí, khơi thông nguồn lực phát triển" - Ảnh: Cấn Dũng

Diễn đàn "Bộ Công Thương: Chống lãng phí, khơi thông nguồn lực phát triển" - Ảnh: Cấn Dũng

Trao đổi tại diễn đàn, các đại biểu cho rằng, công tác phòng chống lãng phí có nhiều nguyên nhân và cũng được chỉ ra. "Tuy nhiên, các chuyên gia có khuyến nghị về thể chế, cũng như công tác cải cách hành chính nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống lãng phí như Tổng Bí thư đã chỉ đạo?", đại diện Sở Công Thương Hà Nội nêu câu hỏi tới chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên - người có nhiều nghiên cứu về kinh tế.

Về vấn đề này, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, trong quá trình phát triển nền kinh tế, một yếu tố cực kỳ quan trọng là việc thông suốt các nguồn lực và điều kiện cần thiết để đảm bảo tiến độ công việc.

"Cần phải xác định rõ rằng, nền tảng để giảm thiểu lãng phí chính là việc duy trì sự thông suốt của các nguồn lực. Điều này thể hiện rõ trong phát biểu của tôi về kinh tế thị trường và công tác quản lý", ông Thiên nhấn mạnh.

Theo đó, nền kinh tế thị trường phải thông suốt, với các yếu tố then chốt, cụ thể:

Thứ nhất, thông suốt nguồn lực, bao gồm hàng hóa, tiền bạc và lao động. Nếu các yếu tố này không được thông suốt, thì hiệu quả kinh tế sẽ không đạt được. Cụ thể, phải đảm bảo hạ tầng giao thông và thị trường tài chính vận hành thông suốt. Đây là vấn đề căn bản mà các nhà quản lý cần phải chú trọng, vì nếu không giải quyết triệt để vấn đề này, nền kinh tế sẽ tiếp tục gặp phải tình trạng tắc nghẽn nghiêm trọng.

Chính phủ đã có những chuyển biến đáng kể trong việc xây dựng và phát triển hạ tầng kết nối, không chỉ ở các cấp quốc gia mà còn liên kết với khu vực và quốc tế. Việc xây dựng các cao tốc kết nối với các nước lân cận và nâng cao chất lượng logistics sẽ giúp nền kinh tế thông suốt hơn, mang lại những lợi ích lớn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế.

PGS.TS Trần Đình Thiên - Chuyên gia kinh tế trao đổi tại diễn đàn - Ảnh: Cấn Dũng

PGS.TS Trần Đình Thiên - Chuyên gia kinh tế trao đổi tại diễn đàn - Ảnh: Cấn Dũng

Tuy nhiên, ngoài việc thông suốt nguồn lực, còn cần phải bảo đảm một cơ chế thông thoáng trong công tác quản lý. Cơ chế này cần phải có khả năng gỡ bỏ những ách tắc, cải thiện quy trình và thủ tục hành chính.

"Đặc biệt, hiện nay bộ máy công chức vẫn còn nặng nề, chưa thực sự linh hoạt, dẫn đến tình trạng quá tải công việc và thiếu hiệu quả. Nếu không thay đổi, bộ máy và cơ chế này sẽ không thể đáp ứng được yêu cầu công việc, kéo dài tình trạng tắc nghẽn và gây lãng phí nguồn lực", vị chuyên gia khẳng định.

Theo đó, cùng với việc cải cách bộ máy, một yếu tố quan trọng không kém là việc quyết định lựa chọn con người và sắp xếp bộ máy quản lý. Việc này không chỉ giúp nâng cao hiệu quả công việc mà còn đảm bảo trách nhiệm cá nhân trong công tác quản lý. Các quyết định phải được đưa ra một cách rõ ràng, minh bạch và có tính toán kỹ lưỡng, không chỉ đáp ứng yêu cầu trước mắt mà còn phù hợp với chiến lược phát triển lâu dài.

Thực tế cho thấy, một hệ thống quản lý hiệu quả phải có các tiêu chuẩn và tiêu chí rõ ràng. Nếu không, mọi công việc sẽ bị trì hoãn, gây khó khăn trong việc triển khai. Các tiêu chuẩn và tiêu chí phải được xây dựng một cách minh bạch và công khai, giúp mọi công việc được thực hiện đúng hướng và đạt hiệu quả cao. Đây là một trong những yếu tố cốt lõi trong công tác quản lý.

Thứ ba, cần phải chú trọng cơ chế phân bổ nguồn lực. Việc chuyển sang cơ chế thị trường nhanh chóng và hiệu quả rất quan trọng.

"Chúng ta không thể tiếp tục duy trì cơ chế "xin - cho" lâu dài, mà cần phải áp dụng các cơ chế công khai, minh bạch, bảo đảm sự công bằng trong phân bổ nguồn lực. Cơ chế này phải dựa trên các tiêu chuẩn rõ ràng, có tính cạnh tranh và phù hợp với thực tế", chuyên gia nói và khẳng định: "Cạnh tranh công bằng và bình đẳng là yếu tố quyết định trong việc đảm bảo sự phát triển của nền kinh tế. Nếu không bảo vệ được các nguyên tắc này, nền kinh tế sẽ rơi vào tình trạng bế tắc, không thể phát triển bền vững".

Cuối cùng, một yếu tố quan trọng trong việc cải cách công tác quản lý là sự minh bạch. Khi công việc và các quyết định được minh bạch, rõ ràng, chúng ta sẽ không gặp phải sự bế tắc, trì hoãn. Trách nhiệm cá nhân và quyền lực của các cơ quan chức năng cũng cần phải được nâng cao, giúp công việc triển khai nhanh chóng và hiệu quả hơn.

"Nền tảng của mọi công tác quản lý là hệ thống tiêu chuẩn và quy trình. Chúng ta cần có một cách tiếp cận mới mẻ, đột phá để có thể tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ trong công tác quản lý. Chúng ta phải từ bỏ các phương thức cũ, áp dụng các phương pháp mới, nâng cao năng lực thực thi công việc. Nếu làm được như vậy, chúng ta sẽ không chỉ cải thiện được hiệu quả công việc mà còn tạo ra những giá trị lớn cho nền kinh tế", PGS.TS Trần Đình Thiên khẳng định.

Nguyên Thảo - Minh Trang

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/pgsts-tran-dinh-thien-chong-lang-phi-phai-di-doi-voi-cai-cach-the-che-thong-suot-cac-nguon-luc-365739.html
Zalo