PGS.TS. NGƯT Nguyễn Phương Liên: 'Làm nhà giáo, chỉ tâm huyết là chưa đủ'

Với PGS.TS Nguyễn Phương Liên - Trưởng Khoa Địa lý (Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên), việc được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú là phần thưởng cao quý sau ngót 30 năm miệt mài cống hiến cho giáo dục địa lý của nước nhà.

Duyên nợ với khoa học địa lý

Tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc năm 1995; bảo vệ Thạc sĩ năm 1998, bảo vệ Tiến sĩ năm 2009 và được phong chức danh PGS năm 2016, PGS.TS Nguyễn Phương Liên - Trưởng Khoa Địa lý (Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên) đã có hành trình dài nghiên cứu về khoa học địa lý và phương pháp dạy học địa lý.

PGS.TS Nguyễn Phương Liên (áo đỏ) đang hướng dẫn sinh viên.

PGS.TS Nguyễn Phương Liên (áo đỏ) đang hướng dẫn sinh viên.

Trong gần 30 năm công tác, bà là tác giả của hàng trăm công trình, bài báo khoa học được đăng trên tạp chí khoa học uy tín trong và ngoài nước. Trong công tác nghiên cứu khoa học, lĩnh vực nghiên cứu PGS.TS Nguyễn Phương Liên theo đuổi là lý luận và phương pháp dạy học địa lý. Các đề tài, công trình, sản phẩm nghiên cứu của bà hướng đến 3 đối tượng: sinh viên, giáo viên và học sinh phổ thông. Bà chủ trì nhiều công trình nghiên cứu khoa học các cấp, được giới chuyên môn đánh giá cao. Cùng với đó, những giáo trình, sách, tài liệu về khoa học địa lý của bà được sinh viên, học sinh, giáo viên nhiệt tình đón nhận.

Ngoài biên soạn giáo trình, sách chuyên khảo dùng trong đào tạo đại học, sau đại học; sách bài tập địa lý, sách tham khảo cho giáo viên địa lý ở trường phổ thông, PGS.TS Nguyễn Phương Liên còn là chủ biên, đồng chủ biên, tác giả tài liệu Giáo dục địa phương cho nhiều tỉnh, thành như: Thái Nguyên, Lai Châu, Thái Bình, Lạng Sơn, Hà Giang, Yên Bái, Quảng Bình,...

Hai yếu tố cần và đủ của giáo viên

Chia sẻ về môn địa lý, PGS.TS Nguyễn Phương Liên cho biết: địa lý là môn học mang tính tổng hợp, vừa thuộc lĩnh vực khoa học xã hội, vừa thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên. Để học tốt môn này, người học phải có tư duy logic, tường minh, mạch lạc chứ không chỉ học thuộc lòng.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được xây dựng theo hướng mở, ngoài những nội dung cốt lõi, bắt buộc thì các địa phương, nhà trường được chủ động trong việc lựa chọn, bổ sung một số nội dung và triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp. Đa phần các giờ học địa lý được thiết kế dưới dạng hoạt động cả trong và ngoài không gian lớp học. Đây là cơ hội để giáo viên thỏa sức sáng tạo với từng nội dung bài học.

PGS.TS Nguyễn Phương Liên (đứng giữa, áo đỏ) tham gia tập huấn cho giáo viên phổ thông nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.

PGS.TS Nguyễn Phương Liên (đứng giữa, áo đỏ) tham gia tập huấn cho giáo viên phổ thông nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.

PGS.TS Nguyễn Phương Liên phấn khởi khi thấy rằng, ở cấp THPT, môn địa lý đã được nhiều học sinh lựa chọn; đa số các em đã có nhận thức đúng đắn về vai trò, vị trí của môn địa lý trong nhà trường và đối với việc định hướng nghề nghiệp. Các nội dung, yêu cầu cần đạt của chương trình giáo dục phổ thông môn địa lý đã được triển khai tập huấn đầy đủ, giúp giáo viên chủ động trong việc thực hiện chương trình.

“Trong quá trình công tác, tôi từng dự nhiều giờ dạy của giáo viên phổ thông và thấy rằng, hầu hết thầy cô, nhất là đội ngũ giáo viên trẻ có kiến thức và kỹ năng sư phạm rất tốt. Các thầy cô tâm huyết, sáng tạo, say mê với từng tiết học; thiết kế nhiều hoạt động bổ ích, tạo sức hấp dẫn cho môn học, thu hút học sinh tích cực tham gia”, PGS.TS Nguyễn Phương Liên chia sẻ.

Từ thực tế đó, Trưởng khoa Địa lý, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên) cho rằng: làm nhà giáo, chỉ tâm huyết là chưa đủ mà cần có kiến thức chuyên môn vững chắc, chuyên sâu; như vậy mới có thể thiết kế các hoạt động dạy học hấp dẫn.

PGS.TS Nguyễn Phương Liên lạc quan cho rằng, đa số sinh viên hiện nay có định hướng nghề nghiệp rõ ràng nên khi quyết định xét tuyển/thi tuyển vào Khoa Địa lý - Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên), phần lớn các em đều học tập chăm chỉ, rèn luyện đạo đức, kỹ năng, kiến thức, cho kết quả đào tạo rất tốt. Cũng có số ít sinh viên đến với ngành Sư phạm Địa lý, ban đầu là do trúng tuyển nguyện vọng 2 nhưng chỉ sau khoảng nửa kỳ học, các em đã bắt nhịp và yêu thích chương trình.

Thừa ủy quyền Chủ tịch nước, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT trao tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú cho PGS.TS Nguyễn Phương Liên.

Thừa ủy quyền Chủ tịch nước, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT trao tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú cho PGS.TS Nguyễn Phương Liên.

Với những cống hiến nổi bật với giáo dục địa lý, PGS.TS Nguyễn Phương Liên vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú (NGƯT). Tại buổi khen thưởng, trao tặng danh hiệu cao quý vào dịp kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2024), Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn bày tỏ sự ghi nhận, đánh giá rất cao đối với đóng góp của các thầy cô, trong đó có PGS.TS.NGƯT Nguyễn Phương Liên cho ngành giáo dục, cũng như cho sự nghiệp khoa học và đổi mới sáng tạo của đất nước suốt thời gian qua.

“Kính mong các thầy cô tiếp tục tự học, tự đổi mới mình, vượt qua các giới hạn của bản thân để phát huy tốt nhất sự ưu tú mình. Các thầy cô là những người ưu tú, cần làm hạt nhân cho việc giải quyết những vấn đề mới, vấn đề khó của ngành. Ưu tú không đợi phải phân công, không đợi phải yêu cầu, mà sự ưu tú ấy cần được thể hiện qua tinh thần dấn thân, gánh vác, chủ động, tích cực với những việc đã làm, đang làm và cần làm cho giáo dục của đất nước”, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn.

Nam Du

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/pgs-ts-ngut-nguyen-phuong-lien-lam-nha-giao-chi-tam-huyet-la-chua-du.html
Zalo