PGS.TS. Ngô Trí Long: Báo Công Thương đã tạo ra mạng lưới kết nối giữa chuyên gia và độc giả
Theo PGS.TS. Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá, Bộ Tài chính, Báo Công Thương đã tạo ra mạng lưới kết nối giữa chuyên gia và độc giả.
Một trong những tờ báo uy tín của Việt Nam
Nhân kỷ niệm 79 năm Ngày truyền thống Báo Công Thương, PGS.TS. Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá, Bộ Tài chính - chuyên gia kinh tế nhiều năm đồng hành cùng Báo Công Thương - đã có những chia sẻ, đánh giá và góp ý để Báo ngày càng phát triển.
Theo PGS.TS. Ngô Trí Long đánh giá, Báo Công Thương là một trong những tờ báo uy tín của Việt Nam. Báo nổi bật với nhiều nội dung chuyên sâu: Các bài viết phân tích, đánh giá về tình hình kinh tế, các chính sách thương mại, các vấn đề liên quan đến công nghiệp… giúp độc giả nắm bắt thông tin một cách sâu sắc.
Sự chuyên sâu trong nội dung của Báo Công Thương cũng được thể hiện bằng các bài báo phỏng vấn các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực, từ đó cung cấp cái nhìn đa chiều về các vấn đề "nóng". Bên cạnh đó, “đội ngũ chuyên gia nói chung và cá nhân tôi nói riêng thường xuyên cộng tác viết bài cho Báo. Điều này không chỉ giúp nâng cao chất lượng nội dung, tạo ra sự phong phú cho các chuyên mục của Báo mà còn chứng tỏ sự tin tưởng của các chuyên gia đối với Báo” - PGS.TS. Ngô Trí Long nhấn mạnh.
Đồng thời, ông cho biết, Báo Công Thương cũng thường xuyên tổ chức các cuộc tham vấn, mời chuyên gia tham gia tọa đàm, hội thảo, sự kiện chuyên ngành. Qua đó, Báo không chỉ thu thập thông tin mà còn tạo ra một mạng lưới kết nối giữa chuyên gia và độc giả.
“Có thể nói, nhờ vào những nội dung chuyên sâu, đáng tin cậy, Báo Công Thương thực sự là nguồn thông tin hữu ích cho các doanh nghiệp, cho nhà đầu tư và những người quan tâm lĩnh vực này” - vị chuyên gia khẳng định.
Bên cạnh tính chuyên sâu, PGS.TS. Ngô Trí Long đánh giá, Báo Công Thương cũng nổi bật với tính cập nhật. Báo đã cập nhật rất nhanh chóng các tin tức thời sự và xu hướng mới trong lĩnh vực CôngThương. Điều này giúp cho độc giả, bạn đọc theo dõi kịp biến động của thị trường.
“Các chuyên mục của Báo được cập nhật thường xuyên, bao gồm các tin tức trong nước và quốc tế, các vấn đề phân tích thị trường cũng như tình hình xuất nhập khẩu… sự đa dạng thông tin và cập nhật đầy đủ này không chỉ giúp đáp ứng nhu cầu thông tin của rất nhiều độc giả mà còn tạo thuận lợi cho việc đưa các quyết định trong kinh doanh đối với doanh nghiệp” - PGS.TS. Ngô Trí Long đánh giá.
Đáng chú ý, theo vị chuyên gia, Báo Công Thương có đội ngũ phóng viên, biên tập viên có kinh nghiệm, đảm bảo được thông tin nhanh, trình bày nội dung tin bài một cách rõ ràng và chính xác. Tiếp đến là phong cách trình bày, thiết kế của Báo khá chuyên nghiệp, dễ đọc và thu hút được khán giả.
“Với nhiều năm hoạt động, Báo Công Thương đã xây dựng được vị trí trong cộng đồng và ngày càng củng cố lòng tin của nhân dân” - ông nói.
Khuyến khích đội ngũ nội dung sáng tạo đông đảo
Để nâng cao chất lượng của Báo Công Thương trong thời gian tới, PGS.TS. Ngô Trí Long cho rằng, Báo cần phải cải thiện nội dung, tăng cường chất lượng bài viết bằng cách cập nhật thông tin chính xác, phong phú và đa dạng hơn. Tập trung các chủ đề "nóng", xu hướng mới trong ngành công nghiệp, thương mại, hội nhập trong tình hình, bối cảnh mới.
Ngoài ra, Báo Công Thương cần phải tăng cường hơn nữa công tác nghiên cứu, hoặc hợp tác với các viện nghiên cứu, các trường đại học, chuyên gia trong nhiều lĩnh vực để có những bài viết chuyên sâu hay phân tích sâu sắc các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương.
Bên cạnh đó, Báo cần nâng cao chất lượng đội ngũ phóng viên, biên biên tập. Phải đầu tư vào công tác đào tạo, nâng cao kỹ năng viết, phân tích, phỏng vấn cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên. Đồng thời, khuyến khích đội ngũ này tham gia vào các khóa học hay hội thảo chuyên môn.
“Ban Biên tập Báo Công Thương cần khuyến khích đội ngũ nội dung sáng tạo đông đảo; không ngần ngại thử nghiệm với các bài viết, thể loại mang phong cách mới hoặc cách viết mới” - PGS.TS. Ngô Trí Long khuyến nghị.
Đặc biệt, Báo cần đẩy mạnh tương tác với độc giả, tạo kênh giao tiếp hay khảo sát ý kiến bạn đọc để hiểu rõ nhu cầu và mong muốn của họ. Đồng thời, phải tích cực cải thiện nội dung dựa trên ý kiến của độc giả.
Cùng đó, Báo cần mở rộng các hình thức truyền tải, tăng cường sử dụng các phương tiện truyền thông đa phương tiện như: Video, podcast, longform, infographic để tiếp cận độc giả trẻ, hiện đại hơn. “Để nâng cao chất lượng, một vấn đề hết sức quan trọng là trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, Báo cần cập nhật công nghệ, áp dụng các công nghệ mới trong quy trình biên tập, xuất bản tin bài để nâng cao hiệu quả và độ chính xác; đồng thời, sử dụng các công cụ phân tích dữ liệu để phân tích, theo dõi xu hướng của độc giả” - vị chuyên gia nhấn mạnh.
Song song đó, Báo Công Thương cần phải đẩy mạnh quảng bá, sử dụng mạng xã hội, các nền tảng trực tuyến để quảng bá nội dung của Báo nhằm thu hút độc giả mới và giữ chân những độc giả cũ. Báo cũng cần định kỳ đánh giá chất lượng hoặc thiết lập một quy trình đánh giá chất lượng để có những cải tiến kịp thời.
“Những điều nói trên không chỉ giúp nâng cao chất lượng nội dung mà còn tạo ra sự kết nối hơn với độc giả và từ đó, sẽ nâng cao vai trò và vị thế của Báo trong ngành truyền thông” - PGS.TS. Ngô Trí Long khẳng định.