PGS.TS Hoàng Chí Thiêm: Nhà khoa học Việt đột phá trong thiên văn học
PGS.TS Hoàng Chí Thiêm, nhà khoa học người Việt Nam, đã gây tiếng vang trong cộng đồng khoa học quốc tế với nhiều nghiên cứu đột phá trong lĩnh vực thiên văn học.
PGS.TS Hoàng Chí Thiêm, nhà khoa học người Việt Nam, đã gây tiếng vang trong cộng đồng khoa học quốc tế khi được vinh danh bởi các tổ chức uy tín nhờ những đóng góp quan trọng trong lĩnh vực thiên văn học. Ông là nhà khoa học Việt đầu tiên nhận giải thưởng danh giá "Bài giảng Nhà thiên văn trẻ xuất sắc" (NCU-DELTA Young Astronomer Lectureship Award) năm 2024.
"Hái trái ngọt" trong lĩnh vực thiên văn học
Năm 2024, PGS.TS Hoàng Chí Thiêm, 45 tuổi, là người Việt Nam đầu tiên nhận Giải thưởng Bài giảng dành cho nhà thiên văn học trẻ (NCU-DELTA Young Astronomer Lectureship Award) do Đại học Trung ương Đài Loan và Tập đoàn điện tử Delta trao tặng. Đây là giải thưởng tôn vinh các nhà thiên văn học trẻ dưới 45 tuổi có đóng góp nổi bật.
Theo Ủy ban giải thưởng, PGS Thiêm sở hữu nền tảng học thuật sâu và kinh nghiệm nghiên cứu trong các lĩnh vực bụi vũ trụ, sự ra đời của các ngôi sao và quá trình hình thành hành tinh. Ông cùng cộng sự đã phát triển mô hình phân cực ánh sáng từ bụi vũ trụ, hiện được sử dụng trong các kính thiên văn hiện đại như ALMA, Planck và SOFIA.
Trước đó, vào năm 2022, PGS.TS Hoàng Chí Thiêm đã được trao Giải thưởng Khoa học danh giá của Hiệp hội Thiên văn học Hàn Quốc nhờ những công trình nghiên cứu xuất sắc của mình về quá trình định hướng của các hạt bụi trong vũ trụ. Đây một vinh dự đặc biệt dành cho những nhà khoa học xuất sắc nhất trong 10 năm qua. Đây là lần đầu tiên một nhà khoa học Việt Nam và cũng là một trong số ít người nước ngoài nhận được giải thưởng cao quý này.
Trong nghiên cứu của mình, ông cùng các cộng sự đã phát triển một mô hình lý thuyết hoàn chỉnh để giải thích và định lượng sự định hướng của các hạt bụi, chịu tác động của mômen xoắn bức xạ. Nghiên cứu này còn khám phá các hiệu ứng vật lý mới, bao gồm hiệu ứng phân mảnh do lực ly tâm và xoắn cơ học, những phát hiện này đã được kiểm nghiệm thông qua quan sát thiên văn. Kết quả nghiên cứu của ông đã trở thành nền tảng lý thuyết quan trọng để giải thích hiện tượng phân cực ánh sáng, đồng thời thúc đẩy việc ứng dụng kỹ thuật phân cực trong việc đo đạc từ trường vũ trụ, hỗ trợ các kính thiên văn lớn như ALMA.
Bên cạnh đó, PGS.TS Hoàng Chí Thiêm cũng là người đi đầu trong các nghiên cứu lý thuyết về du hành liên sao sử dụng áp suất bức xạ, một lĩnh vực nghiên cứu đầy hứa hẹn cho tương lai. Công trình của ông làm sáng tỏ bản chất của vật thể đầu tiên viếng thăm hệ Mặt Trời, "Oumuamua", có nguồn gốc từ môi trường liên sao. Những nghiên cứu này đã thu hút sự chú ý mạnh mẽ từ cộng đồng thiên văn quốc tế, được chọn làm những điểm nhấn trong năm 2020 bởi Hiệp hội Thiên văn Mỹ, và công bố trên các ấn phẩm hàng đầu như Scientific American và The Astrophysical Journal Letters.
GS Abraham Loeb, nhà vật lý thiên văn tại Đại học Harvard, đã đánh giá cao những đóng góp của PGS.TS Hoàng Chí Thiêm, đặc biệt là việc ông là người đầu tiên chỉ ra những nguy cơ tiềm ẩn đối với tàu vũ trụ khi va chạm với khí và bụi trong môi trường giữa các vì sao. Ngoài ra, ông cũng đưa ra những giải pháp thiết kế để bảo vệ tàu vũ trụ khỏi những thiệt hại này. PGS Thiêm còn nghiên cứu về sự tích điện và động lực học của tàu nano trong môi trường liên sao, làm sáng tỏ tác động của từ trường liên sao lên quỹ đạo của tàu vũ trụ.
GS Alex Lazarian từ Đại học Wisconsin-Madison cho rằng, hiện tượng định hướng của bụi trong vũ trụ là một bài toán phức tạp, đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà vật lý thiên văn nổi tiếng, bao gồm Lyman Spitzer và Edward Purcell, người đã đoạt giải Nobel Vật lý. Tuy nhiên, mô hình lý thuyết mà PGS.TS Hoàng Chí Thiêm và các cộng sự đề xuất vào năm 2007 đã mang đến bước đột phá quan trọng trong việc hiểu rõ hơn về hiện tượng này.
Hành trình học thuật vượt trội
PGS.TS Hoàng Chí Thiêm sinh ra và lớn lên ở vùng quê Thái Bình. Thuở nhỏ, khi được mọi người chỉ cho một số chòm sao trên bầu trời, ông đã rất ấn tượng với chòm sao Thần Nông vì mọi người nói rằng hình dạng của nó có thể giúp cho người nông dân xác định mùa màng.
Khi trở thành sinh viên Khoa Vật lý, Trường ĐH Sư Phạm Hà Nội, được học các môn Thiên văn học và Vật lý thiên văn, trong ông có khao khát được tìm hiểu các quy luật vật lý chi phối quá trình chuyển hóa từ các đám mây khổng lồ thành các ngôi sao mới, các hành tinh, và có thể sự sống.
"Từ đó, tôi bắt đầu đi theo con đường nghiên cứu khoa học vũ trụ", ông chia sẻ.
PGS.TS Hoàng Chí Thiêm nhận bằng tiến sĩ từ Đại học Wisconsin-Madison, Mỹ, vào năm 2012, sau đó tiếp tục sự nghiệp nghiên cứu với những chương trình hậu tiến sĩ danh tiếng tại Viện Vật lý Thiên văn Lý thuyết Canada và Quỹ Humboldt của Đức. Trong suốt hành trình nghiên cứu, ông đã đặt mục tiêu khám phá nguồn gốc các ngôi sao, hành tinh và điều kiện dẫn đến sự sống trong vũ trụ. Đây cũng chính là động lực giúp ông đạt được những thành tựu đột phá.
PGS.TS Hoàng Chí Thiêm hiện đang công tác tại Viện Nghiên cứu Khoa học Thiên văn Vũ trụ Hàn Quốc (KASI) và Đại học Khoa học Công nghệ Hàn Quốc (UST). Trong gần hai thập kỷ hoạt động, ông đã tạo dấu ấn mạnh mẽ với nhiều công trình nghiên cứu tiên phong, đặc biệt trong lĩnh vực bụi và từ trường vũ trụ.
Nhóm nghiên cứu do ông dẫn đầu đã phát triển lý thuyết định lượng tiên tiến về sự định hướng của các hạt bụi trong trường vũ trụ. Lý thuyết này không chỉ giải quyết một vấn đề nan giải đã tồn tại suốt hơn 70 năm trong ngành vật lý thiên văn mà còn mở ra hướng đi mới trong nghiên cứu vũ trụ.
Các công trình của ông hiện được ứng dụng rộng rãi trong nhiều dự án lớn như kính thiên văn ALMA, tàu không gian Planck và đài thiên văn SOFIA, giúp đo lường và mô phỏng sự phân cực ánh sáng từ bụi vũ trụ, qua đó làm sáng tỏ vai trò của từ trường trong việc hình thành các ngôi sao và hành tinh.
Không chỉ nghiên cứu, PGS.TS Hoàng Chí Thiêm còn tích cực trong việc thúc đẩy hợp tác khoa học quốc tế. Ông cùng hai nhà khoa học là TS Nguyễn Trọng Hiền (NASA, Mỹ, trưởng nhóm) và TS Nguyễn Lương Quang (American University, tại Paris, Pháp) tham gia xây dựng và phát triển Nhóm Vật lý Thiên văn tại Việt Nam (SAGI), hướng tới đào tạo và nâng cao năng lực nghiên cứu thiên văn trong nước.
"Tôi mong muốn được tạo điều kiện tốt hơn nữa để tập trung phát triển hướng nghiên cứu và được làm việc nhiều hơn với các bạn trẻ đam mê thiên văn, đặc biệt từ Việt Nam", PGS Thiêm chia sẻ.
PGS.TS Hoàng Chí Thiêm là minh chứng sống động cho tiềm năng và trí tuệ Việt Nam trên trường quốc tế. Những đóng góp của ông không chỉ nâng tầm vị thế cá nhân mà còn góp phần quảng bá hình ảnh đất nước và truyền cảm hứng cho các nhà khoa học trẻ.