PGS.TS Bùi Hoài Sơn: 'Văn hóa phải được hiểu đúng để trở thành động lực tăng trưởng'

Công nghiệp văn hóa ngày càng được nhìn nhận là lĩnh vực tiềm năng, có khả năng tạo ra giá trị gia tăng, sức mạnh mềm và đóng góp cho tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, để trở thành động lực phát triển thực sự, lĩnh vực này tại Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều rào cản.

Trong cuộc trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã chỉ ra những “điểm nghẽn” cốt lõi của ngành, đồng thời khẳng định: chỉ với một chiến lược dài hơi, khơi dậy khát vọng và nuôi dưỡng bằng hệ sinh thái sáng tạo toàn diện, công nghiệp văn hóa Việt Nam mới có thể bứt phá, góp phần làm giàu đất nước và lan tỏa bản sắc Việt ra thế giới.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn (bìa phải) - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội và phóng viên Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển

PGS.TS Bùi Hoài Sơn (bìa phải) - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội và phóng viên Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển

PV: Thưa ông, đâu là những rào cản lớn nhất khiến công nghiệp văn hóa Việt Nam chưa thể trở thành một động lực tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Đúng vậy, chúng ta đã đi được một chặng đường đáng khích lệ trong việc nhận thức và thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa. Nhưng nếu nói đến việc biến nó thành một động lực tăng trưởng kinh tế thực sự, thì con đường ấy vẫn còn lắm gập ghềnh. Rào cản lớn nhất không phải lúc nào cũng nằm ở việc thiếu nguồn lực, mà sâu xa hơn, chính là ở cách chúng ta nhìn nhận vai trò của văn hóa trong phát triển – một sự nhìn nhận đôi khi, ở một số người, vẫn còn mờ nhạt, thiếu niềm tin, và chưa thực sự coi công nghiệp văn hóa như một lĩnh vực có khả năng tạo ra của cải, giá trị gia tăng và sức mạnh mềm cho đất nước.

Một trong những thách thức lớn là khung thể chế và chính sách còn chưa theo kịp với sự phát triển của thực tiễn. Chúng ta có những chiến lược, định hướng, nhưng để đi từ tầm nhìn xuống hành động cụ thể thì lại thiếu các cơ chế linh hoạt, thiếu các công cụ thực thi rõ ràng. Môi trường pháp lý cho hoạt động sáng tạo, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đầu tư mạo hiểm cho các ý tưởng sáng tạo vẫn còn nhiều khoảng trống. Những điều đó vô tình khiến các nghệ sĩ, doanh nghiệp sáng tạo cảm thấy mình đang “bơi” trong một đại dương mà không có bản đồ.

Cũng không thể không nhắc đến việc thiếu đội ngũ nhân lực chất lượng cao – những người vừa hiểu văn hóa, vừa giỏi công nghệ, lại có khả năng quản trị và tư duy kinh doanh. Đào tạo nguồn nhân lực cho công nghiệp văn hóa đòi hỏi một cách tiếp cận đa ngành, mới mẻ, phá vỡ ranh giới giữa các lĩnh vực truyền thống. Nhưng hiện nay, các trường đào tạo của ta còn chưa bắt kịp xu thế ấy. Người trẻ có năng khiếu sáng tạo nhiều, nhưng họ cần được chắp cánh bằng kiến thức, kỹ năng và cả sự hỗ trợ từ hệ sinh thái.

Và có lẽ, một rào cản âm thầm nhưng bền bỉ nhất, là tâm lý e dè, sợ hãi trước cái mới. Nhiều sản phẩm sáng tạo khi ra đời không được đánh giá bằng giá trị nghệ thuật hay tiềm năng kinh tế, mà bị soi xét dưới những lăng kính khắt khe, đôi khi còn định kiến. Văn hóa sáng tạo cần được sống trong một không gian cởi mở – nơi thử nghiệm, sai và sửa là một phần của hành trình vươn lên.

Chúng ta đang đứng trước một cơ hội lịch sử để đưa văn hóa trở thành nguồn lực nội sinh, động lực phát triển bền vững. Nhưng để làm được điều đó, cần một cuộc “lột xác” từ tư duy đến hành động – một sự đồng hành từ Nhà nước, doanh nghiệp đến cộng đồng sáng tạo. Khi văn hóa được thấu hiểu đúng, nuôi dưỡng đủ và trao quyền thực sự, thì công nghiệp văn hóa mới có thể cất cánh như một ngành kinh tế mũi nhọn, vừa làm giàu cho đất nước, vừa thắp sáng tâm hồn dân tộc.

PV: Việt Nam không thiếu những tác phẩm xuất sắc, nhưng việc hoàn thiện sản phẩm từ khâu ý tưởng đến truyền thông vẫn còn hạn chế. Theo ông, làm thế nào để cải thiện quy trình này nhằm nâng cao giá trị thương mại của sản phẩm văn hóa?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Đúng vậy, chúng ta không thiếu những ý tưởng độc đáo, những tác phẩm giàu chiều sâu, đậm bản sắc và khả năng lay động lòng người. MV Bắc Bling vừa qua cho chúng ta một ví dụ như thế. Nhưng rất nhiều trong số đó dừng lại ở mức "tốt trong khuôn khổ", chưa thể vươn ra thị trường một cách mạnh mẽ. Có lẽ vì quy trình để biến một sản phẩm văn hóa thành hàng hóa – một “tài sản văn hóa” đúng nghĩa – vẫn còn những mắt xích chưa trọn vẹn, thiếu sự kết nối giữa nghệ thuật và thị trường, giữa sáng tạo và chiến lược.

Một tác phẩm văn hóa, để đi xa, không thể chỉ có một khởi đầu tốt. Nó cần được “nuôi lớn” bằng sự đầu tư nghiêm túc từ khâu phát triển ý tưởng, nghiên cứu thị trường, đến thiết kế sản phẩm, định vị thương hiệu, truyền thông và phân phối. Nhưng điều mà nhiều nghệ sĩ, đơn vị sản xuất ở Việt Nam còn thiếu, chính là tư duy hệ sinh thái – tư duy nhìn sản phẩm văn hóa không chỉ như một tác phẩm để trưng bày, mà là một dòng chảy có thể sinh lợi, có thể cộng hưởng và lan tỏa giá trị.

Để cải thiện quy trình này, theo tôi, điều trước hết là phải có sự bắt tay chặt chẽ giữa người sáng tạo và người làm kinh doanh. Nghệ sĩ cần hiểu rằng sáng tạo không đồng nghĩa với tách biệt thị trường, mà trái lại, thị trường chính là nơi thử thách và chứng minh sức sống của sáng tạo. Ngược lại, các nhà đầu tư, các công ty truyền thông, các tổ chức văn hóa cũng cần đặt niềm tin và đầu tư lâu dài vào sản phẩm văn hóa, không nhìn nó như món hàng tiêu dùng ngắn hạn.

Chúng ta cũng cần xây dựng những trung tâm, không gian hỗ trợ sáng tạo – nơi hội tụ các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực: viết kịch bản, thiết kế hình ảnh, công nghệ số, marketing, pháp lý, tài chính... để cùng tham gia vào quá trình ươm tạo sản phẩm. Một ý tưởng hay khi được “cộng hưởng đa ngành” sẽ trở nên mạnh mẽ hơn, có sức sống bền hơn, và khả năng thương mại hóa cũng sẽ cao hơn nhiều.

Đặc biệt, vai trò của truyền thông là không thể thiếu - không chỉ truyền thông để bán, mà là truyền thông để kể chuyện, để truyền cảm hứng, để khơi gợi sự đồng cảm và tự hào. Khi một sản phẩm văn hóa được kể bằng ngôn ngữ của thời đại, gắn với câu chuyện văn hóa dân tộc nhưng lại gần gũi với nhịp sống hôm nay, thì nó sẽ không chỉ được mua, mà còn được yêu.

Văn hóa Việt Nam có chiều sâu, có hồn, có sắc - điều ta cần là một cánh tay nối dài để đưa những giá trị ấy bước vào đời sống thị trường một cách tự tin, chuyên nghiệp và đầy sáng tạo. Khi sản phẩm văn hóa được “gói ghém” bằng chiến lược và tinh thần thời đại, giá trị thương mại của nó sẽ tự nhiên bật lên, như chính giá trị tinh thần đã làm nên hồn cốt của dân tộc từ bao đời.

PV: Để phát triển bền vững công nghiệp văn hóa, Việt Nam cần một chiến lược dài hơi. Theo ông, chiến lược này nên tập trung vào những yếu tố cốt lõi nào để có thể tạo ra sự đột phá trong tương lai?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Một chiến lược dài hơi cho công nghiệp văn hóa Việt Nam không thể chỉ là những con số mục tiêu hay những bản kế hoạch nằm trên giấy. Nó phải bắt đầu từ khát vọng – khát vọng kiến tạo một nền kinh tế sáng tạo có bản sắc, có năng lực cạnh tranh toàn cầu, và hơn hết, có khả năng khơi dậy niềm tự hào dân tộc từ mỗi sản phẩm văn hóa được làm ra. Muốn vậy, chiến lược ấy phải chạm được vào những yếu tố gốc rễ – những nền tảng có thể nuôi dưỡng một hệ sinh thái sáng tạo bền vững và tràn đầy sinh lực.

Trước hết, đó là con người. Không thể có công nghiệp văn hóa nếu không có một thế hệ công dân sáng tạo – những người không chỉ dám mơ, dám nghĩ khác, mà còn được trang bị đủ tri thức, kỹ năng và niềm tin để hiện thực hóa những giấc mơ ấy. Giáo dục sáng tạo cần được đưa vào từ rất sớm, không chỉ trong các trường nghệ thuật mà trong cả giáo dục phổ thông, đại học và đào tạo nghề. Chúng ta phải thay đổi tư duy từ “đào tạo người làm nghề” sang “ươm mầm người làm chủ sáng tạo” - những người có thể vừa tạo ra cái đẹp, vừa tạo ra giá trị kinh tế từ cái đẹp ấy.

Yếu tố thứ hai là hạ tầng thể chế - không phải là những tòa nhà hay sân khấu, mà là những chính sách thông minh, khuyến khích sáng tạo, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, thúc đẩy đầu tư và mở rộng thị trường. Một chiến lược thực sự hiệu quả cần tạo ra hành lang pháp lý minh bạch, linh hoạt và đủ độ mở để đón nhận những mô hình kinh doanh mới, công nghệ mới, hình thức thể hiện mới mà thị trường liên tục sản sinh.

Tiếp đến là dữ liệu và công nghệ. Trong kỷ nguyên số, công nghiệp văn hóa không thể tách rời khỏi nền tảng công nghệ – từ việc khai thác dữ liệu hành vi người dùng, đến ứng dụng AI, blockchain, thực tế ảo... để mở rộng trải nghiệm và khả năng tiếp cận sản phẩm văn hóa. Một chiến lược dài hạn cần đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống dữ liệu văn hóa quốc gia, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp sáng tạo ứng dụng công nghệ trong mọi công đoạn – từ sản xuất đến tiêu thụ.

Cuối cùng, là tầm nhìn quốc gia – một tầm nhìn coi văn hóa không chỉ là phần “phụ họa” cho phát triển, mà là nền tảng tinh thần, là “tài nguyên mềm” để định hình vị thế đất nước trên bản đồ thế giới. Công nghiệp văn hóa phải được đặt trong một chiến lược phát triển quốc gia lớn hơn - gắn với du lịch, ngoại giao, giáo dục, thương hiệu quốc gia. Mỗi sản phẩm văn hóa được mang ra thế giới phải là một đại sứ – không chỉ để bán, mà còn để kể một câu chuyện Việt Nam đầy kiêu hãnh và nhân văn.

Chiến lược cho công nghiệp văn hóa, vì thế, không chỉ là chuyện của ngành văn hóa. Đó là chiến lược của một quốc gia biết rằng: sáng tạo không phải là đặc quyền của ai, mà là quyền năng của mỗi người dân – và cũng là tài sản quý báu nhất của một dân tộc biết mình là ai, và muốn đi tới đâu.

PV: Xin cảm ơn ông!

Phụng Thiên (Thực hiện)

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/psg-ts-bui-hoai-son-van-hoa-phai-duoc-hieu-dung-de-tro-thanh-dong-luc-tang-truong-a29450.html
Zalo