Petrovietnam rà soát vướng mắc pháp lý trong hoạt động sản xuất kinh doanh
Nhằm phản ánh những khó khăn, kịp thời góp ý, kiến nghị tới cơ quan quản lý Nhà nước để tăng tính hiệu quả và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, Petrovietnam tiếp tục rà soát vướng mắc liên quan đến các văn bản pháp luật trong sản xuất kinh doanh.
Ngày 11/9, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) Lê Ngọc Sơn chủ trì cuộc họp rà soát các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn và tình hình góp ý, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Petrovietnam.
Trước đó, Tập đoàn đã có văn bản ngày 8/3/2024 báo cáo Chủ tịch HĐTV, tổng hợp ý kiến các ban liên quan theo dõi các bộ luật thuộc lĩnh vực phụ trách. Trên cơ sở hoạt động thực tế, Tập đoàn tiếp tục cập nhật các rà soát vướng mắc tính đến tháng 9/2024.
Các văn bản vi phạm pháp luật có sự tham gia góp ý của Petrovietnam, gồm: dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi); dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi); Luật Đấu thầu; dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, dự thảo Luật Thuế Giá trị gia tăng (sửa đổi); dự thảo Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi); Luật Dầu khí;…
Rà soát tổng thể vướng mắc trong các bộ luật
Tại cuộc họp, Ban Pháp chế - Thanh tra Tập đoàn cho biết, công tác rà soát các vướng mắc các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Petrovietnam được thực hiện thường xuyên, thông qua việc tổ chức các tọa đàm, hội thảo với các chuyên gia để trao đổi bất cập, thực hiện báo cáo trình Quốc hội.
Công tác hoàn thiện văn bản quy phạm nội bộ cũng được tiến hành đồng thời. Trong 8 tháng đầu năm, Petrovietnam hoàn thành 19/33 văn bản quy phạm nội bộ trong chương trình, còn 14 văn bản sẽ hoàn thiện vào cuối năm.
Về Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Ban Tài chính – Kế toán cho biết đã thực hiện đề xuất thông qua 2 kênh văn bản và tổ chức 2 hội thảo với 18 góp ý được tiếp thu. Tiêu biểu là đề xuất cơ chế phân cấp phân quyền mạnh hơn trong vấn đề tài chính của doanh nghiệp; đề xuất bỏ đối tượng chịu sự điều chỉnh là doanh nghiệp F2 được cơ quan soạn thảo chấp nhận.
Bên cạnh đó, Ban cũng đưa ra các kiến nghị tháo gỡ về dự thảo Luật Thuế Giá trị gia tăng (sửa đổi). Trong đó, mặt hàng phân bón được Bộ Tài chính đưa vào dự thảo Luật áp dụng thuế GTGT ở mức 5% so với không chịu thuế GTGT như trước đây, kỳ vọng sẽ giúp các doanh nghiệp phân bón cải thiện giá trị đầu tư sản xuất.
Dự thảo Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) tập trung vào bổ sung các quy định chống xói mòn thuế toàn cầu. Trong đó, quy định ảnh hưởng trọng yếu tới doanh nghiệp là thu nhập chịu thuế trong chuyển nhượng hoạt động thăm dò phát sinh chưa được bù trừ với các dự án khác của Tập đoàn.
Trong dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), đại diện Ban Điện thông tin đã có vản bản gửi Bộ Công Thương về 18 kiến nghị. Ban có nhiều cuộc làm việc trực tiếp với Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) về góp ý liên quan đến các dự án điện lực, chủ yếu liên quan đến cơ chế chính sách sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) và khí thiên nhiên trong nước.
Quan điểm Petrovietnam sẽ cần có cam kết tỷ lệ sản lượng điện hợp đồng tối thiểu theo ràng buộc về nguồn nguyên liệu, phát triển theo chuỗi, gắn với kho cảng trung tâm, để tận dụng cơ sở hạ tầng, đảm bảo nguồn thu của Chính phủ. Đây là 3 mấu chốt Petrovietnam sẽ tập trung kiến nghị trong thời gian tới.
Ngoài ra, Ban kiến nghị hiệu chỉnh về chính sách giá điện, ngoài các chi phí cố định, hiện dự thảo Luật chưa có quy định về phí dịch vụ tồn trữ, vận chuyển và phân phối khí LNG. Về điện gió ngoài khơi, Petrovietnam kiến nghị việc ban hành chính sách lựa chọn nhà đầu tư, lựa chọn cơ chế thí điểm giao Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Liên quan đến Luật Dầu khí, Petrovietnam nhận thấy còn một số vướng mắc trong các hợp đồng dầu khí mới được ký theo quy định của Luật, cho phép nhà thầu được sử dụng các phương tiện của hợp đồng cũ sang hợp đồng mới nhưng chưa đề cập tới vật tư.
Ngoài ra, Ban Chiến lược cho rằng cần rà soát tổng thể lại hoạt động của Luật Đất đai 2024 tới các dự án của Petrovietnam từ khâu thượng nguồn tới hạ nguồn, nhất là về các quy định sử dụng mặt biển, đất ven biển.
Phát huy hình thức góp ý qua kênh tọa đàm, hội thảo và tham vấn chuyên gia
Trong lĩnh vực quản lý được phân công, ông Đỗ Chí Thanh, Phó Tổng Giám đốc Petrovietnam yêu cầu Ban Pháp chế - Thanh tra tổng hợp ý kiến của các ban đầu mối để rà soát lại những vướng mắc cấp thiết, nổi cộm. Về công tác góp ý các luật, ông Đỗ Chí Thanh cho rằng cần bám sát cơ quan chủ trì để nắm được các điều chỉnh theo từng thời kỳ. Về các văn bản quy phạm nội bộ, Phó Tổng Giám đốc Petrovietnam yêu cầu các ban tuân thủ kế hoạch đề ra hoàn thành trong năm 2024.
Sau khi lắng nghe các báo cáo rà soát, Tổng Giám đốc Petrvovietnam Lê Ngọc Sơn nhấn mạnh, chủ trương của Đảng, Chính phủ coi cải cách thể chế là đột phá quan trọng, tập trung điều chỉnh pháp luật để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Việc hoàn thiện pháp luật cần thay đổi tư duy, chú trọng chất lượng và tham vấn ý kiến doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả chính sách..
Dưới góc độ doanh nghiệp, Petrovietnam cần có sự chủ động, tập trung vào kiến nghị những vướng mắc nổi cộm để các bộ ngành liên quan sớm nắm bắt, sửa đổi. Đây cũng là quan điểm được các bộ ngành ủng hộ. “Trong quá trình tổ chức thực hiện thực tế, doanh nghiệp phát hiện ra các vướng mắc, khó khăn cần có tiếng nói kịp thời để hoàn thiện các bộ luật, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và giúp tăng hiệu quả cho cơ quan quản lý Nhà nước”, ông Lê Ngọc Sơn nhấn mạnh.
Lấy ví dụ về góp ý dự thảo Luật Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, ông Lê Ngọc Sơn cho rằng, Petrovietnam có sự đóng góp tích cực thông qua việc mời các bộ ngành về trực tiếp nghe nguyện vọng của các đơn vị thành viên trong Tập đoàn. Nhờ vậy, nhiều kiến nghị của Petrovietnam đã được tiếp thu.
Theo ông Lê Ngọc Sơn, kênh tổ chức hội thảo, tọa đàm mời các chuyên gia, bộ ngành cùng bàn luận là cách thức hiệu quả cần phát huy. Bên cạnh đó, kênh truyền thống góp ý qua văn bản gửi tới cơ quan chủ trì soạn thảo, tới các Ủy ban/cơ quan liên quan của Quốc hội cũng đóng vai trò quan trọng.
Tổng Giám đốc Petrvovietnam lưu ý nhìn vào danh mục các quy định pháp luật có số lượng lớn, do đó, cần xếp thứ tự ưu tiên để có sự quan tâm đúng mức. Với nguyên tắc trên, trước mắt tập trung vào góp ý Dự án Luật Điện lực (sửa đổi) về cơ chế cho điện khí LNG và điện gió ngoài khơi.
Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn cũng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ, hoàn thiện đúng kế hoạch đề ra với các văn bản quy phạm nội bộ; cập nhật, hoàn thiện một cách kịp thời với các văn bản Trung ương và bộ ngành.