Peru, Brazil chật vật đối phó với cháy rừng lan rộng
Ngày 16/9, Thủ tướng Peru Gustavo Adrianzen đã lên tiếng kêu gọi cộng đồng nông dân chấm dứt hành vi đốt nương làm rẫy tại các khu vực Andes và Amazon.
Tuyên bố trên được ông Adrianzen đưa ra trong bối cảnh những vụ cháy rừng nghiêm trọng trên khắp Peru đã khiến ít nhất 15 người thiệt mạng và 134 người khác bị thương.
Phát biểu trước báo giới, Thủ tướng Adrianzen nhấn mạnh: "Tôi tha thiết kêu gọi mọi người hãy dừng ngay việc đốt nương làm rẫy. Tất cả các đám cháy hiện nay đều bắt nguồn từ hành vi cố ý của con người".
Cũng theo Thủ tướng Adrianzen, tính đến ngày 15/9, Peru đã ghi nhận 222 vụ cháy rừng, 80% trong số đó đã được kiểm soát. Tuy nhiên, ông cảnh báo do điều kiện thời tiết khô hạn, gió mạnh và địa hình hiểm trở, nguy cơ cháy rừng bùng phát trở lại vẫn còn rất cao.
Các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bao gồm Cuzco, San Martin, Amazonas, Ucayali, Madre de Dios và Ancash. Tổng thống Peru Dina Boluarte ngày 16/9 đã đến khu vực Amazon “để tiếp tục thị sát các khu vực bị ảnh hưởng” và phối hợp hành động với chính quyền địa phương và các tổ chức khác.
Theo Bộ Môi trường Peru, cháy rừng là hiện tượng thường diễn ra từ tháng 8 đến tháng 11, chủ yếu do hoạt động đốt nương làm rẫy và mở rộng diện tích canh tác của người dân.
* Tại Brazil, lực lượng cứu hỏa cũng đã phải huy động cả máy bay trực thăng để chiến đấu với đám cháy bùng phát dữ dội tại Công viên quốc gia Brasilia, nơi "giặc lửa" đã thiêu rụi một khu vực rộng lớn tương đương diện tích của 3.000 sân bóng đá.
Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva đã phải triệu tập một cuộc họp khẩn của chính phủ nhằm tìm biện pháp ứng phó, trong bối cảnh đợt hạn hán nghiêm trọng nhất của Brazil trong 7 thập kỷ qua đã làm bùng phát cháy rừng tại rừng mưa Amazon và vùng đất ngập nước Pantanal, với khói bụi lan rộng và bao phủ nhiều thành phố lớn của Brasil. Thủ đô Brasilia, khu vực mới nhất bị ảnh hưởng, đang phải đối phó với trận cháy rừng nghiêm trọng nhất trong năm nay.
Nhà chức trách cũng cảnh báo tình hình có khả năng trở nên tồi tệ hơn trong những ngày tới khi thời tiết tiếp tục khô hạn sau 140 ngày không có mưa ở Brasilia. Tình trạng khô hạn cũng khiến một số đập của Brasil ở mức nước thấp kỷ lục và nhiều thành phố như Rio de Janero buộc phải áp đặt lệnh hạn chế sử dụng nước.
Bên cạnh nguyên nhân hạn hán do biến đổi khí hậu gây ra, nhà chức trách cũng lên án tình trạng đốt phá rừng trái phép đã dẫn đến làm bùng phát các vụ cháy rừng.