Pepsi và Coca-Cola bị kiện vì 'lừa dối' về tái chế nhựa

Trong đơn kiện, quận Los Angeles (Los Angeles, Mỹ) cáo buộc Pepsi và Coca-Cola đánh lừa công chúng về khả năng tái chế chai nhựa, cũng như coi nhẹ tác động tiêu cực của rác thải nhựa đối với sức khỏe và môi trường.

Theo đơn kiện được đệ trình vào ngày 30/10, giám sát viên của Quận Los Angeles Lindsey Horvath cho biết: "Coke (Coca-Cola) và Pepsi cần phải ngừng lừa dối, đồng thời chịu trách nhiệm về vấn đề ô nhiễm nhựa mà sản phẩm của công ty gây ra. Quận Los Angeles cần tiếp tục giải quyết các tác động nghiêm trọng đến môi trường gây ra bởi các công ty có hoạt động kinh doanh gây hiểu lầm và không công bằng".

 Ảnh: AP

Ảnh: AP

Coca-Cola sở hữu các thương hiệu như Dasani, Fanta, Sprite, Vitamin Water và Smartwater, trong khi PepsiCo sở hữu Gatorade, Aquafina, Mountain Dew... Hai công ty này được xếp hạng là những công ty gây ô nhiễm nhựa hàng đầu thế giới trong 5 năm liên tiếp, riêng Coca-Cola đã giữ vị trí số một trong 6 năm, theo nhóm môi trường toàn cầu Break Free From Plastic.

Theo Break Free from Plastic, PepsiCo sản xuất khoảng 2,5 triệu tấn nhựa và Coca-Cola sản xuất khoảng 3,224 triệu tấn nhựa mỗi năm.

Vụ kiện cho biết Coca-Cola và PepsiCo đã thực hiện "chiến dịch thông tin sai lệch" để người tiêu dùng mua nhựa dùng một lần, vì tin rằng chúng có thể tái chế và ít gây hại cho môi trường.

Đơn kiện cáo buộc rằng cả hai công ty đều hứa tạo ra "nền kinh tế tuần hoàn" cho các chai nhựa, trong đó chai nhựa có thể được tái chế và tái sử dụng vô số lần, trong khi trên thực tế, chai nhựa chỉ có thể được tái chế một lần, nếu có.

Vụ kiện này nhằm yêu cầu tòa án ra lệnh chấm dứt "hoạt động kinh doanh không công bằng và lừa đảo" của các công ty cũng như bồi thường cho người tiêu dùng và phạt dân sự lên tới 2.500 USD cho mỗi lần vi phạm.

Hiệp hội đồ uống Mỹ, trong đó có PepsiCo và Coca-Cola, đã bác bỏ cáo buộc trong vụ kiện về nhãn tái chế chai nhựa của họ.

Người phát ngôn của nhóm, William Dermody cho biết: "Những cáo buộc cho rằng bao bì của chúng tôi không được tái chế là hoàn toàn không đúng sự thật".

Dermody cho biết California có tỷ lệ tái chế chai lọ là 71% vào năm 2023, một trong những tỷ lệ cao nhất cả nước, và chai lọ của họ "được thiết kế để tái chế và có thể bao gồm tới 100% nhựa tái chế".

Chỉ riêng trong năm 2022, ước tính có khoảng 121.324 đến 179.656 tấn rác thải nhựa đã rò rỉ vào đất liền và đại dương ở California, và nhựa chiếm 7/10 loại rác thải phổ biến nhất được tìm thấy trên các bãi biển, theo đơn kiện.

Một phần lớn của vấn đề là vi nhựa. Nhựa rò rỉ vào môi trường cuối cùng sẽ phân hủy thành những mảnh nhựa nhỏ có kích thước 5 milimét hoặc nhỏ hơn. Chúng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của đất và thực vật, sinh vật biển và cá, và gần như không thể loại bỏ khỏi môi trường, vụ kiện nêu rõ.

Tháng 11 năm ngoái, một nhóm bảo vệ người tiêu dùng và các tổ chức môi trường của Liên minh châu Âu đã đệ đơn khiếu nại pháp lý chống lại Coca-Cola, Nestle và Danone, cáo buộc họ gây hiểu lầm khi quảng cáo bao bì là 100% tái chế hoặc 100% có thể tái chế.

Hoài Phương (theo AP)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/pepsi-va-coca-cola-bi-kien-vi-lua-doi-ve-tai-che-nhua-post319516.html
Zalo