PCI 2024: bức tranh tích cực về cải thiện điều hành kinh tế cấp tỉnh
Với điểm số trung vị đạt 67,67 điểm, tăng 1 điểm so với năm trước và là năm thứ tám liên tiếp vượt mốc 60 điểm – ngưỡng được xem là phản ánh một môi trường kinh doanh thuận lợi, PCI 2024 cho thấy một bức tranh tích cực về cải thiện điều hành kinh tế cấp tỉnh.
Sáng 6/5 tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - PCI 2024.
Môi trường kinh doanh cải thiện, Hà Nội tăng 4 bậc trong PCI 2024
Năm 2024, báo cáo PCI cho thấy một bức tranh tích cực về cải thiện điều hành kinh tế cấp tỉnh. Điểm số trung vị đạt 67,67 điểm, tăng 1 điểm so với năm trước và là năm thứ tám liên tiếp vượt mốc 60 điểm – ngưỡng được xem là phản ánh một môi trường kinh doanh thuận lợi. Đặc biệt, chỉ số PCI gốc – chỉ số phản ánh chất lượng điều hành kinh tế cốt lõi – đạt 68,18 điểm, tiếp tục cải thiện liên tục kể từ năm 2016. Đây là kết quả của sự bền bỉ, kiên trì cải cách của nhiều địa phương và sự giám sát tích cực từ cộng đồng doanh nghiệp.

Bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2024.
Trong bảng xếp hạng năm nay, Hải Phòng lần đầu tiên vươn lên vị trí dẫn đầu với 74,84 điểm – thành quả của quá trình tăng trưởng kinh tế năng động và đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư trong nhiều năm qua.
Bước chuyển mình mạnh mẽ của Hải Phòng trong PCI 2024 đến từ quá trình nỗ lực không ngừng cải cách khi trước đó liên tục trong 3 năm liên tiếp (2021-2023) nằm trong nhóm 5 tỉnh có điểm số PCI cao nhất của Việt Nam. Đứng vị trí “á quân” trong bảng xếp hạng PCI 2024 là Quảng Ninh với 73,20 điểm, tăng 1,95 điểm so năm 2023.
Theo đó, Quảng Ninh đã duy trì được sự cải thiện của 5/10 lĩnh vực điều hành đo lường bởi PCI gồm: tiếp cận đất đai, tính minh bạch, cạnh tranh bình đẳng, đào tạo lao động, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự. Đây cũng là năm thứ 12 Quảng Ninh liên tục đứng trong nhóm 5 địa phương đứng đầu bảng xếp hạng PCI từ năm 2013.
Với điểm số 68,38, Hà Nội tăng 4 bậc trong PCI 2024 từ vị trí số 28 của năm ngoái lên vị trí thứ 24, nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt.
Các địa phương như Quảng Ninh, Long An, Bắc Giang tiếp tục giữ vững vị trí trong nhóm dẫn đầu. Đặc biệt, Hưng Yên lần đầu tiên góp mặt trong Top 10, bên cạnh các tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Thừa Thiên - Huế, Hậu Giang, Phú Thọ, Đồng Tháp.
Trong PCI 2024, DN tiếp tục đánh giá cao thủ tục đăng ký DN khi có 93% cho rằng thủ tục minh bạch, 91% nhận được hướng dẫn rõ ràng, đầy đủ, 86% hài lòng về chuyên môn và thái độ của cán bộ tiếp nhận. Chỉ 2,3% DN cho biết chi phí không chính thức chiếm hơn 10% doanh thu, tiếp nối xu hướng giảm dần đều từ 2010. Giảm mạnh so mức gần 13% năm 2006 (năm khảo sát đầu tiên).
Tuy nhiên, báo cáo PCI năm nay cũng nêu ra thực tế đáng lo ngại khi chi phí không chính thức có dấu hiệu quay trở lại với gần 37% DN cho biết phải trả chi phí không chính thức, tăng nhẹ so với 33% năm 2023. Tỷ lệ DN trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh tra, kiểm tra lên đến 28% (tăng so mức 16% năm trước), về thủ tục đất đai là khoảng 50% (tăng so với gần 38% năm 2023).
Tiếp tục khơi nguồn tinh thần cải cách
Từ kết quả trên, các chuyên gia khuyến nghị chính sách tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã đưa đất nước đến một ngã rẽ quan trọng. Những thành tựu nổi bật trong việc đạt được vị thế quốc gia có thu nhập trung bình có thể bị đe dọa bởi các rủi ro môi trường và thiên tai ngày càng gia tăng. Việt Nam cần xây dựng hệ thống quản trị đủ mạnh để các nhà hoạch định chính sách có thể ứng phó hiệu quả với những thách thức này, đồng thời duy trì sự cân đối hợp lý giữa việc duy trì sự thuận lợi, tính cạnh tranh của môi trường kinh doanh và việc kiểm soát các hoạt động làm gia tăng ô nhiễm và biến đổi khí hậu, có nguy cơ cản trở phát triển kinh tế bền vững trong dài hạn. Kết quả PGl năm nay cho thấy Việt Nam đang chuyển dịch tích cực theo xu hướng này.

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công phát biểu tại hội nghị.
Ở góc độ địa phương, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu cho biết, để nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ người dân và DN, nhất là nhiệm vụ cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời gian tới, Thành phố sẽ tập trung xây dựng chính quyền số bảo đảm quá trình tái cấu trúc hệ thống bộ máy hành chính sau khi hợp nhất đơn vị hành chính cấp tỉnh, bỏ cấp huyện, sắp xếp, thành lập các phường, xã, đặc khu không làm gián đoạn quá trình thực hiện thủ tục hành chính của Nhân dân, DN.
Đồng thời, phát triển đồng bộ hạ tầng chiến lược với tinh thần “hạ tầng đi trước – tăng trưởng theo sau; thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân, phát triển cộng đồng DN của Hải Phòng nói riêng và Việt Nam nói chung lớn mạnh, đủ sức tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Còn theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, đằng sau những con số trên là câu chuyện của sự chuyển mình, của nỗ lực và sáng tạo. Đó là hành trình mà PCI đã đồng hành cùng các địa phương để thúc đẩy sự cạnh tranh lành mạnh, lấy DN làm trung tâm, hành động vì sự phát triển bền vững và bao trùm.
Ông Phạm Tấn Công khẳng định, PCI không chỉ đơn thuần là một bảng xếp hạng. Đó là một cuộc đối thoại thường niên giữa cộng đồng DN và chính quyền địa phương, là nơi DN được nói lên tiếng nói thẳng thắn từ thực tiễn, là nơi chính quyền lắng nghe, và hành động. Từ mô hình “một cửa” trong gia nhập thị trường, các trung tâm hành chính công tập trung, đến các mô hình sáng tạo như “cafe doanh nhân”, đánh giá DDCI cấp sở, ngành, quận, huyện… tất cả đều được thúc đẩy bởi tinh thần cải cách mà PCI khơi nguồn.
VCCI cũng cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng các địa phương và cộng đồng DN trong thời gian tới, không chỉ qua PCI mà còn thông qua các sáng kiến mới như Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI). Đây là công cụ đánh giá quản trị môi trường gắn với mục tiêu phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần tạo ra “bộ đôi” chỉ số thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường.