Paralympic 2024: Jonnie Peacock - Từ cửa tử tới đường đua điền kinh

Jonnie Peacock - ngôi sao sáng giá của điền kinh Paralympic đã từng đối mặt với cái chết sau khi mắc trọng bệnh khi còn nhỏ.

Vận động viên Jonnie Peacock. Ảnh: PA

Vận động viên Jonnie Peacock. Ảnh: PA

Bác sĩ từng khuyên mẹ anh, bà Linda, nên chuẩn bị tinh thần từ biệt con trai mình. Thế nhưng, sau đó 26 năm, Peacock không chỉ sống khỏe mạnh, mà còn tỏa sáng như một ngôi sao trên đường chạy nước rút.

Ở tuổi 31, Peacock đầy lạc quan, sôi nổi và hài hước. Anh từng 2 lần giành HCV Paralympic (tại London 2012 và Rio 2016) và HCĐ tại Tokyo 2020. Đây là thành quả của một hành trình dài và gian nan. Khi mới 5 tuổi, Peacock mắc viêm màng não và phải nhập viện cấp cứu. Bà Linda nhớ lại khoảnh khắc đầy kinh hoàng đó, khi bác sĩ cảnh báo rằng Peacock có thể không qua khỏi.

Bà chia sẻ với Cambridge News: “Họ cắm dây truyền khắp người thằng bé. Họ khuyên tôi: ‘Nếu có gì muốn nói với con, chị phải nói ngay bây giờ, vì cậu bé sắp được đưa vào trạng thái hôn mê đây là cách duy nhất để cơ thể cậu chống chọi lại bệnh tật’”.

Ở thời điểm đó, bà Linda đã vuốt mái tóc vàng của Peacock và khẽ thì thầm: “Con phải chiến đấu, đừng để họ làm thế”. Sự kiên cường và sức sống mãnh liệt của cả hai mẹ con đã giúp Peacock vượt qua cửa tử, nhưng cái giá phải trả sau đó là bác sĩ phải cắt bỏ cẳng chân phải dưới đầu gối của anh. Sự mất mát này tất nhiên đã ảnh hưởng tới mối quan hệ giữa Peacock và mẹ.

Bà Linda kể: “Khi tỉnh dậy sau ca mổ, nó đổ lỗi cho tôi rằng: ‘Mẹ cho con uống nhầm thuốc Calpol’ rồi lờ tôi đi. Nó không để tôi ôm, không muốn tôi đến gần, thậm chí không thèm nhìn tôi. Đó là cảm giác cô đơn và đau đớn tột cùng”. Khoảnh khắc bị từ chối ấy, với bà Linda, là một vết thương không thể diễn tả thành lời. Nhưng may mắn là chỉ qua một đêm, Peacock đã suy nghĩ và thay đổi, kể từ đó anh không muốn rời xa mẹ.

Peacock không chỉ chiến thắng bệnh tật mà còn trở thành biểu tượng truyền cảm hứng nhờ sự kiên cường mà mẹ đã truyền cho anh. Anh chia sẻ: “Sự kiên định mà mẹ truyền cho tôi đã trở thành vô giá trong sự nghiệp điền kinh. Tôi có thể nói với mẹ bất cứ điều gì và tôi biết mẹ cũng cảm thấy như vậy. Mẹ đã theo dõi sự nghiệp của tôi từ ngày đầu tiên và hy sinh rất nhiều để đưa tôi đến các sự kiện và buổi tập”.

Hành trình thích nghi với cuộc sống mới không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Mặc dù phải ở trong căn phòng ở tầng trệt vì không thể lên cầu thang, Peacock vẫn tìm cách leo lên tay vịn mỗi ngày. Anh hồi tưởng lại: “Mẹ luôn cố gắng làm cho cuộc sống của tôi bình thường nhất có thể và không bao giờ để tôi lười biếng. Tôi từng tháo chân giả ra để trốn việc rửa bát, nhưng mỗi lần như vậy, mẹ thường kéo ghế lại gần và nói: ‘Đây, ngồi lên ghế và rửa bát đi’”.

Peacock luôn đối diện với khuyết tật của mình một cách điềm nhiên: “Tôi chưa bao giờ nghĩ mình khác biệt. Ví dụ như khi có hoạt động đá bóng, tôi không nghĩ ‘Ôi, hôm nay đá bóng, lại gây khó cho chân mình đây’ mà chỉ đơn giản là ‘Hôm nay có đá bóng’”.

Peacock cũng không bao giờ quên căn bệnh đã suýt cướp đi sinh mạng của mình. Hiện anh đang tích cực tham gia chiến dịch Tackle Meningitis nhằm nâng cao nhận thức về viêm màng não. Với ý chí và khát khao không ngừng nghỉ, Peacock không chỉ chiến thắng trên đường đua điền kinh mà còn chinh phục được trái tim của hàng triệu người hâm mộ, trở thành minh chứng sống động cho việc biến nghịch cảnh thành vinh quang. Paralympic Paris 2024 là một cột mốc mới, nơi anh tiếp tục viết nên những chương mới trong câu chuyện phi thường của đời mình.

Thanh Phương (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-thao/paralympic-2024-jonnie-peacock-tu-cua-tu-toi-duong-dua-dien-kinh-20240905151142098.htm
Zalo