Palestine - nước nguy hiểm nhất cho nhà báo

Tổ chức phi chính phủ Phóng viên Không biên giới (RSF) mô tả vụ giết hại các phóng viên đang làm việc tại Dải Gaza là một 'cuộc thảm sát chưa từng có'.

Theo báo cáo thường niên của Tổ chức Phóng viên Không biên giới công bố hôm 12/12, 54 nhà báo thiệt mạng khi đang hành nghề trên toàn thế giới vào năm 2024, một phần ba trong số đó là do quân đội Israel gây ra. Theo tổ chức phi chính phủ về tự do báo chí, lực lượng vũ trang Israel chịu trách nhiệm về cái chết của 18 nhà báo trong năm nay, gồm 16 người ở Gaza và hai người ở Lebanon. “Palestine là quốc gia nguy hiểm nhất đối với các nhà báo, nơi ghi nhận số người tử vong cao hơn bất kỳ quốc gia nào khác trong năm năm qua”, RSF viết trong báo cáo, trong đó bao gồm dữ liệu tính đến ngày 1/12.

Lễ tang của hai nhà báo Palestine, Sari Mansour và Hasona Saliem, những người đã bị lực lượng Israel giết hại ở Gaza vào tháng 11/2023.

Lễ tang của hai nhà báo Palestine, Sari Mansour và Hasona Saliem, những người đã bị lực lượng Israel giết hại ở Gaza vào tháng 11/2023.

Tổ chức này đã đệ đơn khiếu nại lên Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) về “tội ác chiến tranh do quân đội Israel gây ra cho các nhà báo”. Báo cáo cho biết, ít nhất 145 nhà báo đã bị quân đội Israel giết hại ở Gaza kể từ khi cuộc chiến nổ ra vào tháng 10/2023, trong đó có 35 người đang làm việc vào thời điểm tử vong. RSF đã gọi số vụ giết người là “một cuộc thảm sát chưa từng có”.

Trong một báo cáo khác được công bố vào 10/12, Liên đoàn Nhà báo Quốc tế (IFJ) kết luận, 104 nhà báo đã bị giết trên toàn thế giới vào năm 2024, trong đó hơn một nửa là ở Gaza. Số liệu giữa IFJ và RSF khác nhau do hai phương pháp tính toán số người thiệt mạng khác nhau. RSF chỉ bao gồm các nhà báo có cái chết “được chứng minh là có liên quan trực tiếp đến hoạt động nghề nghiệp của họ”.

Israel phủ nhận việc cố ý gây hại cho các nhà báo, nhưng thừa nhận rằng một số người đã thiệt mạng trong các cuộc không kích nhằm vào mục tiêu quân sự.

Sau Gaza, nơi nguy hiểm nhất đối với các nhà báo vào năm 2024 là Pakistan, với bảy người tử vong, tiếp theo là Bangladesh và Mexico với năm người mỗi nơi. Năm 2023, số nhà báo thiệt mạng trên toàn thế giới là 45.

Theo RSF, tính đến ngày 1/12, có 550 nhà báo bị giam giữ trên toàn thế giới, so với 513 nhà báo vào năm ngoái. Ba quốc gia có số lượng nhà báo bị giam giữ nhiều nhất là Trung Quốc (124), Myanmar (61) và Israel (41).

Ngoài ra, 55 nhà báo đang bị bắt làm con tin, bao gồm hai người bị bắt cóc vào năm 2024. Gần một nửa - tổng cộng 25 người - nằm trong tay nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS). Đồng thời, 95 nhà báo được báo cáo là mất tích.

Ngọc Diệp (theo rsf.org, ngày 12/12/2024)

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/palestine-nuoc-nguy-hiem-nhat-cho-nha-bao-post1700796.tpo
Zalo