Pakistan muốn giải quyết các bất đồng với Ấn Độ thông qua đối thoại
Trong một động thái đáng chú ý, Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif mới đây đã kêu gọi nước láng giềng đối thoại để giải quyết mọi tranh chấp giữa hai nước.
Phát biểu tại cuộc họp báo chung với Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian ở Tehran ngày 26/5, Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif khẳng định: “Pakistan mong muốn hòa bình và sẵn sàng đàm phán với Ấn Độ để giải quyết các tranh chấp, kể cả vấn đề Kashmir, thông qua đối thoại chân thành. Đã đến lúc hai nước vượt qua quá khứ để xây dựng một tương lai ổn định, phát triển kinh tế và xã hội không chỉ cho Pakistan mà còn cho toàn khu vực”.

Thủ tướng Shehbaz Sharif phát biểu tại cuộc họp báo chung cùng với Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian tại Tehran ngày 26/5 (Ảnh: Geo TV).
Thông điệp của ông Sharif được xem là cử chỉ hòa dịu hiếm hoi trong mối quan hệ song phương vốn tiềm ẩn nhiều bất ổn. Mặc dù Ấn Độ và Pakistan vẫn duy trì các kênh liên lạc quân sự và một số tiếp xúc không chính thức, căng thẳng vẫn âm ỉ giữa hai bên, đặc biệt sau các vụ tấn công khủng bố ngày 22/4 tại Kashmir mà New Delhi cáo buộc do các nhóm cực đoan được Islamabad hậu thuẫn gây ra. Chính vì sự kiện này, hai bên đã xảy ra bốn ngày giao tranh quân sự trả đũa lẫn nhau trong tháng 5.
Hiện Ấn Độ chưa đưa ra phản hồi chính thức về tuyên bố của lãnh đạo Pakistan. Tuy nhiên, giới chức Ấn Độ lâu nay vẫn giữ quan điểm cứng rắn rằng mọi cuộc đối thoại với Pakistan chỉ có thể diễn ra trong một môi trường “không có khủng bố”. Đây là điều kiện tiên quyết mà Ấn Độ liên tục nhấn mạnh trong các tuyên bố công khai cũng như tại các diễn đàn ngoại giao quốc tế.
Trước đó, ngày 21/5, Thủ tướng Pakistan cũng đề xuất tổ chức cuộc gặp với Ấn Độ tại Saudi Arabia - một địa điểm được coi là trung lập - để thảo luận về các vấn đề như Kashmir, nguồn nước sông Ấn, thương mại song phương và khủng bố. Tuy nhiên, sáng kiến này nhanh chóng bị Ấn Độ bác bỏ với lý do mọi thảo luận phải được tiến hành trực tiếp giữa hai nước, không có sự tham gia của bên thứ ba.
Bất chấp những tín hiệu ngoại giao tích cực, các chuyên gia cho rằng khả năng nối lại đối thoại giữa hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân này vẫn rất mong manh. Nguyên nhân chính là sự thiếu lòng tin cùng những bất đồng sâu sắc về vấn đề Kashmir - tâm điểm căng thẳng trong quan hệ Ấn Độ - Pakistan suốt gần tám thập kỷ qua.
Cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các cường quốc như Mỹ, Trung Quốc và các tổ chức khu vực như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), đều bày tỏ quan tâm tới ổn định tại Nam Á. Họ có thể đóng vai trò trung gian hoặc hỗ trợ kỹ thuật nếu hai bên thực sự nghiêm túc trong việc đối thoại. Tuy nhiên, khả năng đàm phán song phương vẫn phụ thuộc vào ý chí chính trị và lòng tin giữa hai quốc gia.