P4G Việt Nam 2025: Đầu tư khí hậu cần đòn bẩy công – tư
Tại phiên đối thoại giữa các nhà lãnh đạo với doanh nghiệp, diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh P4G Việt Nam 2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định hợp tác công – tư (PPP) là nền tảng then chốt để hiện thực hóa các mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và phục hồi toàn diện sau khủng hoảng.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên đối thoại với doanh nghiệp trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh P4G Việt Nam 2025, nhấn mạnh vai trò của hợp tác công – tư trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững. Ảnh: Hoàng Nam
Phát biểu trước đại diện các nguyên thủ quốc tế và doanh nghiệp toàn cầu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Tăng trưởng nhanh phải đi đôi với bền vững. Đầu tư công là động lực, nhưng không đủ để đáp ứng yêu cầu phát triển. Chúng tôi đang thúc đẩy mạnh mẽ các mô hình hợp tác linh hoạt như đầu tư công – vận hành tư, quản trị tư nhân.”
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng để phát triển bền vững, cần huy động tối đa nguồn lực tư nhân trong các lĩnh vực then chốt như năng lượng, hạ tầng, giáo dục, y tế, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo. "Sự ổn định mà Nhà nước kiến tạo sẽ tạo điều kiện để khu vực tư nhân yên tâm đầu tư dài hạn, ứng dụng công nghệ, và lan tỏa mô hình quản trị hiện đại."
Từ góc độ địa phương, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh chia sẻ về những nỗ lực của thành phố trong thúc đẩy đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đổi mới sáng tạo. Theo ông, Đà Nẵng đã thiết lập các không gian sáng tạo, khuyến khích ứng dụng công nghệ mới trong y tế và giáo dục, đồng thời đề xuất cơ chế đặc thù chưa có tiền lệ để hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân trong quá trình chuyển đổi xanh.
"Thành phố cam kết dành 15% ngân sách cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) giai đoạn 2025–2030," Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết.
So với các nền kinh tế đã phát triển, mô hình PPP đã trở thành một phần cấu trúc chính sách, Việt Nam mới đang ở giai đoạn xây dựng nền tảng pháp lý và mô hình thử nghiệm cho hợp tác công – tư, đặc biệt trong các lĩnh vực như năng lượng sạch, giao thông thông minh và đô thị xanh. Vì vậy, bên cạnh quyết tâm chính trị, cần có sự đầu tư đồng bộ vào thể chế, cơ chế chia sẻ rủi ro và minh bạch hóa quy trình để bảo đảm tính bền vững và hấp dẫn của mô hình PPP trong dài hạn.
Từ các báo cáo thực tế, nhiều diễn giả quốc tế đánh giá PPP không chỉ là giải pháp chia sẻ nguồn lực, mà còn là chìa khóa để giải quyết bài toán tài chính khí hậu. Đặc phái viên về Biến đổi khí hậu của Thủ tướng Italy, ông Francesco Corvaro nhận định: “PPP là một trong những trụ cột để đạt được chuyển đổi khí hậu, đặc biệt tại các nước đang phát triển.” Theo ông, mô hình này giúp giảm thiểu rủi ro cho khu vực tư nhân, tạo nền tảng để họ đầu tư quy mô lớn hơn, dài hạn hơn.

Ông Francesco Corvaro, Đặc phái viên về Biến đổi khí hậu của Thủ tướng Italy, phát biểu tại phiên đối thoại doanh nghiệp trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh P4G Việt Nam 2025.
Tại Italy, nơi giao thông chiếm tới 60% lượng phát thải nhà kính, Chính phủ đã huy động khoản đầu tư ban đầu 300 tỷ euro, dự kiến nâng lên 1.300 tỷ euro cho chuyển đổi năng lượng, trong đó phần lớn đến từ khu vực tư nhân thông qua hợp tác công – tư. Các trọng tâm bao gồm phát triển xe điện, nhiên liệu sinh học, năng lượng tái tạo và công nghệ số.
Không dừng ở quy mô trung ương, đại diện Italy cho biết chính quyền các thành phố như Milan đã chủ động triển khai mô hình PPP để củng cố hệ thống giao thông công cộng, huy động tư nhân đầu tư vào cơ sở hạ tầng vận hành theo hướng thông minh và xanh hóa. Bài học kinh nghiệm cho thấy việc kết nối hiệu quả các cấp chính quyền từ trung ương, tỉnh thành tới địa phương là yếu tố quan trọng để đảm bảo tính ổn định và niềm tin cho khu vực tư nhân.
Thực tế quốc tế cũng đặt ra bài toán về tính toàn diện của chính sách PPP. Không chỉ là chia sẻ vốn, mô hình này còn cần được gắn với chính sách đào tạo nhân lực, tạo dựng thị trường và đầu tư công có định hướng. Như đại diện Italy đã nói: “Nếu không đầu tư vào thế hệ trẻ hôm nay, thì chúng ta sẽ không thể đạt được mục tiêu phát triển ngày mai.”
Tổng kết lại, các đại biểu tại phiên đối thoại đều đồng thuận rằng PPP không chỉ là mô hình tài chính, mà còn là cơ chế hợp tác bền vững. Khi khu vực công và tư nhân cùng chia sẻ tầm nhìn và trách nhiệm, đầu tư khí hậu không còn là cam kết trên giấy, mà trở thành hành động thực tiễn để kiến tạo tăng trưởng xanh cho tương lai.