Ôtô điện có dễ cháy hơn xe xăng?

Thông tin về cháy xe điện thường xuất hiện khá nhiều trên các phương tiện truyền thông, tuy nhiên tỷ lệ hỏa hoạn ở loại phương tiện này là không cao hơn ôtô động cơ đốt trong.

Hỏa hoạn là một trong những rủi ro không mong muốn, nhất là với phương tiện giao thông. Khi xe điện ngày càng trở nên phổ biến, một trong những câu hỏi được nhiều người quan tâm là liệu ôtô điện có dễ phát hỏa hơn so với các phương tiện sử dụng động cơ đốt trong truyền thống?

Nguyên nhân cháy

Với ôtô động cơ đốt trong, một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến hỏa hoạn là tai nạn đâm va.

Khi này, tác động ngoại lực từ vụ va chạm sẽ khiến nhiên liệu có thể bị rò rỉ đến khu vực có nhiệt độ cao của khoang động cơ. Sau va chạm, tia lửa điện cũng có thể xuất hiện ngẫu nhiên, dẫn đến cháy nổ.

Việc bắt phương tiện hoạt động quá tải cũng dễ dẫn đến tình trạng quá nhiệt, hư hỏng các vòng đệm bằng cao su hoặc nhựa dẻo. Khi này, các chất lỏng như nhiên liệu, dầu bôi trơn, chất làm mát có thể rò rỉ, rơi xuống các bộ phận khác của động cơ và dẫn đến cháy nổ.

 Rò rỉ nhiên liệu, chập điện là những nguyên nhân trực tiếp phổ biến dẫn đến tình trạng cháy nổ ở ôtô động cơ đốt trong. Ảnh: Gery Adams.

Rò rỉ nhiên liệu, chập điện là những nguyên nhân trực tiếp phổ biến dẫn đến tình trạng cháy nổ ở ôtô động cơ đốt trong. Ảnh: Gery Adams.

Ngay cả khi ôtô động cơ đốt trong không hoạt động và đang đỗ trong garage, xe cũng có thể tự bốc cháy nếu xảy ra tình trạng rò rỉ nhiên liệu.

Theo Fire and Safety Centre, nhiệt độ cháy của xăng là khoảng 247-280 độ C. Loại nhiên liệu này cũng dễ bốc cháy khi gặp tia lửa điện nhỏ.

Vì vậy, nếu xăng trong xe bị rò rỉ và dính lên các chi tiết kim loại hay nhựa có nhiệt độ cao, khả năng ôtô tự bốc cháy là rất cao.

Bên cạnh các lý do nêu trên, hiện tượng chập điện từ hệ thống của xe hay việc sử dụng nhiên liệu không đạt chuẩn cũng là những nguyên nhân có thể khiến ôtô bốc cháy.

Riêng với xe điện, nguyên nhân cháy hàng đầu nằm ở gói pin trang bị trên xe. Theo Pink Bike, bộ pin lithium-ion trang bị trên xe điện có thể bắt lửa do hiện tượng thoát nhiệt (thermal runaway), từ đó dẫn đến hỏa hoạn.

Giải thích một cách đơn giản, thoát nhiệt xảy ra khi một cell pin trong bộ pin xuất hiện lỗi - thông thường do sai sót của nhà sản xuất, cách sử dụng chưa chuẩn xác của khách hàng hoặc những tác động bên ngoài gây hư hỏng - khiến cell pin này xuất hiện hiện tượng đoản mạch và giải phóng nhiều nhiệt lượng bên trong.

 Cell pin bị hư hỏng có thể khởi nguồn cho vụ cháy xe điện. Ảnh: Pink Bike.

Cell pin bị hư hỏng có thể khởi nguồn cho vụ cháy xe điện. Ảnh: Pink Bike.

Lượng nhiệt này khởi đầu cho một chuỗi các phản ứng hóa học khiến cấu trúc cell pin bị sụp đổ, dẫn đến sinh ra nhiều nhiệt hơn. Khi các cell pin lân cận trong bộ pin bị ảnh hưởng, vụ cháy sẽ xảy ra và dẫn đến một lượng lớn nhiệt cùng khí độc được giải phóng chỉ trong vài phút.

Ngoài ra, ôtô điện cũng có thể phát hỏa nếu hệ thống điện trên xe bị can thiệp không đúng cách, thường là hệ quả từ các động thái bổ sung, nâng cấp thiết bị âm thanh, ánh sáng từ người dùng. Bên cạnh rủi ro hỏa hoạn, việc cố tình can thiệp vào hệ thống điện nguyên bản của xe còn khiến ôtô điện đứng trước nguy cơ mất bảo hành chính hãng.

Theo EV FireSafe, từ năm 2021 đến tháng 11/2024 đã ghi nhận 8 vụ hỏa hoạn liên quan đến ôtô điện tại Australia. Ba ôtô điện trong số này bị ảnh hưởng bởi ngọn lửa lan từ vụ cháy tòa nhà gần đó, 3 vụ khác xảy ra sau va chạm ở tốc độ cao, một vụ do cố tình đốt phá và một vụ chưa rõ nguyên nhân.

 Việc can thiệp không đúng cách vào hệ thống điện trên xe cũng tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn, không chỉ với xe điện mà cho tất cả phương tiện giao thông. Ảnh minh họa: Carscoops.

Việc can thiệp không đúng cách vào hệ thống điện trên xe cũng tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn, không chỉ với xe điện mà cho tất cả phương tiện giao thông. Ảnh minh họa: Carscoops.

Ở vụ việc duy nhất chưa rõ nguyên nhân nói trên, chiếc xe điện đang được kết nối với trụ sạc AC đặt trên đường, nằm cách xa nhà dân.

Chiếc xe gặp nạn đã ở tình trạng đầy pin khi hàng xóm phát hiện có khói bốc lên từ trong xe. Vụ việc vẫn đang được điều tra, nhưng EV FireSafe dẫn kết luận từ cảnh sát Australia cho rằng sạc xe không phải là nguyên nhân hỏa hoạn.

Xe điện có dễ cháy hơn xe xăng?

Trang tin The Guardian dẫn dữ liệu của Ban an sinh xã hội và phòng ngừa khẩn cấp Na Uy cho thấy số vụ cháy phương tiện chạy xăng và diesel cao hơn xe điện khoảng 4-5 lần.

 Các số liệu cho thấy xe điện có tỷ lệ cháy thấp hơn so với ôtô động cơ đốt trong. Ảnh minh họa: Metro Fire of Sacramento.

Các số liệu cho thấy xe điện có tỷ lệ cháy thấp hơn so với ôtô động cơ đốt trong. Ảnh minh họa: Metro Fire of Sacramento.

Tại Thụy Điển, có khoảng 3,8 vụ cháy xe điện trên tổng số 100.000 ôtô thuần điện và xe hybrid ở nước này vào năm 2022, thấp hơn khá nhiều so với 68 vụ cháy trên cùng mẫu số ở các loại phương tiện vận hành bằng nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, The Guardian lưu ý rằng số liệu của Thụy Điển đã bao gồm các vụ đốt phá có chủ đích.

Báo cáo của EV FireSafe từ dữ liệu được thu thập trên phạm vi toàn cầu cho thấy pin xe điện trang bị trên ôtô du lịch có khoảng 0,0012% khả năng bắt lửa. Ở nhóm ôtô trang bị động cơ đốt trong, khả năng phát hỏa của xe là khoảng 0,1%.

Chuyên trang ICCT trích dẫn dữ liệu của EV FireSafe cho biết trong giai đoạn từ 2010 đến tháng 6/2024, toàn thế giới ghi nhận 500 vụ cháy liên quan đến pin ôtô điện hạng nhẹ. Đối chiếu với khoảng 40 triệu xe điện ước tính đang hoạt động trên toàn cầu cho đến đầu năm 2024, số liệu này tương đương tỷ lệ cháy của ôtô điện rơi vào khoảng 1/100.000.

Nhóm nghiên cứu của Auto Insurance EZ tiến hành lọc dữ liệu từ Cục Quản lý An toàn Giao thông Đường cao tốc Quốc gia Mỹ (NHTSA) cho thấy xe hybrid đang là nhóm phương tiện có rủi ro hỏa hoạn cao nhất tại Mỹ, với khoảng 3.474,5 vụ cháy trên 100.000 xe bán ra.

Nhóm ôtô động cơ đốt trong đứng thứ hai với tỷ lệ gần 1.530 vụ cháy trên 100.000 xe bán ra, còn ôtô thuần điện ghi nhận 25,1 vụ cháy trên 100.000 xe tại Mỹ.

 Tần suất ghi nhận sự cố hỏa hoạn ở xe điện Tesla tại Mỹ là thấp hơn so với mặt bằng chung. Ảnh minh họa: Carscoops.

Tần suất ghi nhận sự cố hỏa hoạn ở xe điện Tesla tại Mỹ là thấp hơn so với mặt bằng chung. Ảnh minh họa: Carscoops.

Dữ liệu riêng của Tesla cho thấy trong giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2021, cứ sau khoảng 209 triệu km di chuyển sẽ ghi nhận một vụ cháy xe điện của hãng tại Mỹ. Hiệp hội Phòng cháy chữa cháy quốc gia Mỹ ước tính sau mỗi 29 triệu km sẽ có một vụ cháy ôtô tại nước này, tức cao hơn khoảng 7 lần so với tần suất xảy ra cháy với ôtô điện Tesla.

Lý do xe điện thường bị "điểm mặt gọi tên"

Trang tin The Guardian thuật lại vụ cháy ở bãi đỗ xe thuộc sân bay Luton (Anh) vào mùa hè năm 2023, trong đó xe điện bị “điểm mặt gọi tên” như là nghi phạm hàng đầu.

Giả thuyết này sau đó bị Sở cứu hỏa vùng Bedfordshire bác bỏ, khẳng định đám cháy bắt nguồn từ một chiếc xe chạy diesel trong bãi đỗ.

 Xe điện được đánh giá vẫn là phương tiện tương đối mới mẻ với nhiều người. Ảnh: Autoweek.

Xe điện được đánh giá vẫn là phương tiện tương đối mới mẻ với nhiều người. Ảnh: Autoweek.

Chuyên trang Autoweek đánh giá tâm lý “tình nghi” ôtô điện là nguồn cơn hỏa hoạn, hoặc tin rằng xe điện có tỷ lệ cháy cao hơn xe xăng, xuất phát từ thực tế rằng loại phương tiện chạy điện dùng pin này vẫn còn khá mới mẻ, chưa được nhiều người biết đến.

Các phương tiện truyền thông do vậy cũng có xu hướng đưa nhiều tin tức liên quan đến cháy xe điện hơn so với xe xăng dầu, khiến nhiều người tin rằng hỏa hoạn với ôtô chạy điện là loại sự cố phổ biến.

Ông Colin Walker – Trưởng bộ phận giao thông thuộc nhóm nghiên cứu Energy and Climate Intelligence Unit – khẳng định rất nhiều vụ cháy xe xăng hoặc diesel đã không được báo cáo.

Một trong những lý do khác còn nằm ở việc hỏa hoạn ở ôtô điện thường đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn để dập tắt.

 Ôtô điện sẽ cần nhiều nỗ lực hơn để dập lửa khi xảy ra hỏa hoạn. Ảnh: Carscoops.

Ôtô điện sẽ cần nhiều nỗ lực hơn để dập lửa khi xảy ra hỏa hoạn. Ảnh: Carscoops.

Theo Allied World Insurance, quá trình dập tắt đám cháy ở ôtô động cơ đốt trong cần khoảng 4.000 lít nước, trong khi ôtô điện có thể phải cần đến lượng nước nhiều hơn khoảng 40 lần.

Báo cáo của EV FireSafe cho hay một số sở cứu hỏa thậm chí đã thử nghiệm xử lý đám cháy ôtô điện bằng cách ngâm hoàn toàn chiếc xe trong bể nước.

Nhìn chung xe điện sở hữu hệ thống pin ngày càng được nâng cấp về mặt công nghệ, trong đó là công nghệ chống cháy nổ. Việc các hãng ôtô tập trung vào công nghệ chống cháy nổ cho hệ thống pin vô tình lại đến từ chính những nghi ngờ từ phía cộng đồng sử dụng ôtô. Các hãng xe điện thậm chí thử nghiệm đâm xuyên hay bắn đạn qua khối pin để chứng minh sự an toàn về cháy nổ.

Xét trên ôtô nói chung, các va chạm nghiêm trọng và việc nâng cấp xe liên quan tới hệ thống điện có thể coi là nguyên nhân chính dẫn tới những tình huống hỏa hoạn. Để giảm nguy cơ trên, sử dụng xe đúng cách là cách giảm đáng kể sự cố.

Phúc Hậu

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/oto-dien-co-de-chay-hon-xe-xang-post1523185.html
Zalo