Oscar 2022: Phim CODA có gì mà vượt mặt cả Dune và The Power of the Dog để giành tượng vàng?
Vượt qua mọi đối thủ đáng gờm khác, CODA (2021) hoàn toàn xứng đáng với tượng vàng danh giá Oscar.
Trong khuôn khổ lễ trao giải Oscar lần thứ 94 vừa mới diễn ra, CODA chính là chủ nhân của chiếc cúp vàng dành cho hạng mục Phim hay nhất, đồng thời cũng khép lại một lễ trao giải đáng nhớ.
Giống như những dự đoán ngay trước lễ trao giải, CODA đã giành chiến thắng giải Phim hay nhất trước những đối thủ sừng sỏ khác là Belfast, Dune, The Power of the Dog và West Side Story. Trong đó, The Power Of The Dog là bộ phim có tới 12 đề cử và rất được yêu thích. Một đối thủ khác của CODA trong hạng mục này là Dune, bộ phim thắng đậm nhất trong lễ trao giải năm nay. Thấy vậy mới hiểu CODA đã ngoạn mục như thế nào.
Như vậy CODA đã chiến thắng toàn bộ 3 hạng mục phim được đề cử, bao gồm Nam diễn viên phụ xuất sắc, Kịch bản chuyển thể xuất sắc và Phim hay nhất. Trước đó, Troy Kotsur, người đóng vai cha của Jones trong phim, đã làm nên lịch sử khi là nam diễn viên khiếm thính đầu tiên giành tượng vàng. Đạo diễn kiêm biên kịch Sian Heder cũng giành giải thưởng "Kịch bản chuyển thể hay nhất". Bộ phim cũng đã giành được giải thưởng SAG cho dàn diễn viên trong phim.
Vậy điều gì đã đem lại tượng vàng cho bộ phim này? Ở CODA hội tụ tất cả những yếu tố mà một bộ phim xuất sắc phải có, bao gồm diễn xuất, kịch bản, âm nhạc, nghệ thuật dựng phim...
CODA xoay quanh một cô gái trẻ tên là Ruby Rossi (Emilia Jones thủ vai), thành viên duy nhất vẫn còn nghe được trong một gia đình khiếm thính. Sử dụng ngôn ngữ ký hiệu, Ruby đóng vai trò thông dịch viên cho cha mẹ cô trong khi làm việc trên một tàu đánh cá của gia đình. Sau khi tham gia câu lạc bộ hợp xướng của trường trung học, Ruby thấy mắc kẹt giữa việc phải thực hiện nghĩa vụ gia đình và theo đuổi ước mơ.
Chủ đề gia đình chưa bao giờ lỗi mốt đối với những nhà làm phim Hollywood. Tuy nhiên CODA lại khai thác vấn đề rất khác khi kể câu chuyện về những gia đình có khiếm khuyết một cách nhẹ nhàng, ít bi lụy và đem đến nguồn năng lượng tích cực cho người xem. Bộ phim có nội dung nhẹ nhàng, đề cao tình cảm gia đình thiêng liêng.
CODA không có nhiều cao trào nhưng xem phim, khán giả sẽ thấu hiểu, đồng cảm với cuộc sống và những khó khăn mà những người khuyết khuyết phải chịu đựng.
Về phần hình ảnh và âm thanh, CODA không có những góc quay đẹp hay kỹ xảo hành động hoành tráng được đầu tư triệu đô. CODA đem tới cho khán giả những thước phim với màu sắc tươi sáng, tràn đầy năng lượng như chính con người của Ruby. Yếu tố âm thanh kết hợp hài hòa với hình ảnh mang đến rất nhiều cảm xúc cho khán giả, đặc biệt là khi cô bé Ruby cất vang giọng hát, người xem như thể bị say trong từng câu từng chữ của cô gái xinh đẹp này.
Nói đến thành công của CODA, ta không thể không nhắc đến diễn xuất ấn tượng của dàn diễn viên. Hóa thân vào vai Ruby, nữ diễn viên 19 tuổi Emilia Jones đã mang đến một màn trình diễn cực kỳ xuất sắc với đa dạng sắc thái biểu cảm và sự tự nhiên một cách tinh tế như thể nhân vật này được viết riêng cho cô. Ba nhân vật còn lại trong gia đình Ruby đều là những người khiếm thính ngoài đời thực nên mọi thứ họ thể hiện trên phim đều rất đẹp và cảm xúc. Màn thể hiện xuất sắc trong CODA cũng đã giúp Troy Kotsur trở thành nam diễn viên khiếm thính đầu tiên dành được tượng vàng Oscar.
Với những yếu tố trên, CODA hoàn toàn xứng đáng với tượng vàng Oscar danh giá cho hạng mục Phim hay nhất. Không chiêu trò, làm màu, CODA chinh phục trái tim người xem bằng những giá trị gần gũi với mỗi chúng ta, quan trọng hơn hết phim giúp khán giả tìm lại được cảm giác hạnh phúc và lạc quan hơn về tương lai phía trước trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài.