Oppenheimer: 'Quả bom' từ thế chiến 2 đến Hollywood

Nếu như năm 1945, tiến sĩ J. Robert Oppenheimer và các cộng sự đã chế tạo thành công quả bom nguyên tử đầu tiên của lịch sử loài người thì ở thế kỷ 21 cũng có một người chuyên tạo 'bom tấn' làm khuynh đảo điện ảnh thế giới. Ông là Christopher Nolan.

Đạo diễn phim Oppenheimer - "Midas của điện ảnh"

Kể từ đầu thế kỷ 21 tới nay, Christopher Nolan nổi lên là một trong những đạo diễn thành công nhất trên mọi phương diện ở Hollywood. Mỗi bộ phim của Nolan đều được người hâm mộ điện ảnh chờ đợi và bàn tán xôn xao ngay từ khi đó còn là dự án. Christopher Nolan khiến những "đàn anh" như James Cameron, Martin Scorsese hay Steven Spielberg phải thán phục bởi tư duy và sự sáng tạo không giới hạn trong các chủ đề và xử lý câu chuyện.

Sau thành công của Memento, Dunkirk, The Prestige và bộ ba "The Dark Knight", Christopher Nolan được coi như "Midas của điện ảnh" (trong thần thoại Hy Lạp, Midas là một vị vua có khả năng biến mọi thứ ông chạm vào thành vàng). Và mặc dù mang về nhiều tỷ đô la, 10 chiến thắng Oscar cho diễn viên và các hạng mục trong phim của mình nhưng bản thân Nolan lại chưa một lần chạm vào tượng vàng (dù có tới 5 lần đề cử).

Đạo diễn của nhiều "bom tấn" - Christopher Nolan

Đạo diễn của nhiều "bom tấn" - Christopher Nolan

Với Oppenheimer, lịch sử sẽ lặp lại hay đổi chiều với đạo diễn thì chưa biết. Nhưng việc nó đang khiến cả giới mộ điệu điện ảnh trên toàn thế giới phải bàn tán, ngợi ca lại rõ như tiếng bom nguyên tử phát nổ cách đây gần 80 năm.

Oppenheimer là dòng phim tiểu sử - lịch sử về thiên tài vật lý lý thuyết J. Robert Oppenheimer và vai trò của ông trong quá trình phát triển bom nguyên tử.

Phim dựa trên cuốn sách giành giải Pulitzer năm 2005 tên American Prometheus: The Triumph and Tragedy of J. Robert Oppenheimer của hai tác giả Kai Bird và Martin J. Sherwin được chấp bút trong khoảng 25 năm, khắc họa chân dung nhà vật lý lý thuyết người Mỹ.

Đôi mắt là điểm thu hút đặc biệt của nam tài tử Cillian Murphy

Đôi mắt là điểm thu hút đặc biệt của nam tài tử Cillian Murphy

Phim bắt đầu bằng hình ảnh tiến sĩ Oppenheimer (Cillian Murphy đóng) với ánh nhìn bất định, khuôn mặt thất thần trong phiên điều trần an ninh năm 1954 do cáo buộc ông là gián điệp cho Nga trong khi thực hiện nhiệm vụ tối mật nghiên cứu bom nguyên tử của chính phủ Mỹ. Bằng sắp đặt ánh sáng, khuôn mặt quay cận của ông được chia thành 2 nửa sáng và tối, sau đó góc máy dần dịch chuyển ra xa, khuôn mặt dần lộ diện hoàn toàn. Hình ảnh như là sự ấn dụ về con người với nhiều tính cách phức tạp của Oppenheimer, vừa có công vừa có tội, là thiên tài nhưng cũng đồng thời là kẻ tạo ra sự hủy diệt.

Trong suốt 3 tiếng đồng hồ, phim xoay quanh hai phiên điều trần cùng diễn ra song song, một dành cho Tiến sĩ Oppenheimer; một nữa diễn ra tại Thượng viện với chính chủ tịch Ủy ban Năng lượng nguyên tử Lewis Strauss (tài tử phim Iron man - Robert Downey Jr. thủ vai).

Lewis Strauss là kẻ đại diện cho "quyền lực ở trong bóng tối", từng thúc đẩy Oppenheimer cho việc nghiên cứu này nhưng bị ông từ chối, dẫn đến mối thù và trở thành kẻ giật dây cho phiên điều trần an ninh với TS Oppenheimer.

Gột bỏ hình ảnh Iron man, Robert Downey Jr có màn hóa thân bất ngờ đến khó nhận ra trong vai chính khách

Gột bỏ hình ảnh Iron man, Robert Downey Jr có màn hóa thân bất ngờ đến khó nhận ra trong vai chính khách

Đồng thời với 2 phiên điều trần là hồi ức của TS Oppenheimer và Lewis Strauss. Không kể theo trình tự, phim hấp dẫn một phần nhờ cách dẫn dắt làm cho câu chuyện trở nên phức tạp lên với hiện tại, quá khứ đan xen.

Cách kể này cũng đồng nhất với con người của Oppenheimer, cùng bản chất câu chuyện và thời điểm lịch sử đương thời mà nhân vật sống. Ở góc nhìn của bên thắng cuộc, vụ chế tạo thành công bom nguyên tử là "góp phần kết thúc thế chiến 2 và giúp lính Mỹ được trở về nhà sớm hơn". Nhưng ở góc nhìn của nước Nhật, của người dân yêu chuộng hòa bình và cả chính trong lòng nước Mỹ, phát minh của Oppenheimer là mở ra thời kỳ chiến tranh lạnh và chạy đua vũ trang.

Oppenheimer là người đứng đầu nhóm nghiên cứu, thuyết phục những tài năng cùng tham gia, từng cảm nhận đột đỉnh vinh quang khi chứng kiến vụ thử bom thành công; nhưng rồi cũng chính ông phải sống trong dằn vặt vì niềm tin mù quáng, phát minh về bom nguyên tử sẽ "thúc đầy hợp tác quốc tế về nguyên tử", "khiến thế giới sợ hãi trước các cuộc chiến tranh"… và hơn hết là hơn 200 nghìn sinh mạng đã chết trong vụ thảm sát ở hai thành phố của Nhật Bản.

Phim "Oppenheimer" Trailer | Khởi Chiếu 11.08.2023 (Nguồn: Galaxy)

Tuy nhiên, giống như cuộc đàm đạo của Oppenheimer với Tổng thống Hoa Kỳ ở gần cuối phim: "Lịch sử không nhớ người chế tạo ra quả bom, lịch sử chỉ nhớ ai là người thả nó. Và đó là tôi, không phải lỗi của ông".

Ở một phân cảnh khác có câu "Lịch sử sẽ phán xét". Nếu không phải là Oppenheimer, chắc chắn thế giới này sẽ có một "Oppenheimer" khác với những phát minh tương tự. Oppenheimer trước và sau cùng cũng chỉ là một nhà vật lý lý thuyết bị cuốn vào vòng xoáy chính trị, giữa một bên là chủ nghĩa dân tộc của người Do Thái (được ngụy biện là nhiệm vụ quốc gia) muốn tạo ra thứ vũ khí hạ gục Hitler và một bên là tham vọng của người được lịch sử chọn. Đó là bi kịch của thiên tài.

Những khoảnh khắc đáng nhớ của Oppenheimer

Với dàn diễn viên toàn ngôi sao từ chính đến phụ, Oppenheimer được nâng tầm nhờ diễn xuất tuyệt vời của nhiều tên tuổi là bảo chứng cho thành công và phòng vé.

Không ít thắc mắc, làm cách nào mà đạo diễn mời được dàn diễn viên khủng đến thế, khi có người chỉ xuất hiện 1-2 phút? Nhưng bằng tài năng của mình, họ vẫn làm nên những khoảnh khắc đặc biệt.

Đó là cuộc đối thoại giữa TS Oppenheimer với Tổng thống Harry S. Truman (do nam diễn viên từng đoạt Oscar Gary Oldman đóng). Truman mời Oppenheimer đến Nhà Trắng để "khen thưởng" cho phát minh mang đến chiến thắng và niềm tự hào cho nước Mỹ. "Cha đẻ của bom nguyên tử" đã nhận ra mặt trái của tấm huy chương nên nói rằng: "Bàn tay tôi đang nhuốm máu". Truman rút chiếc khăn tay ra đưa nửa chừng cho Oppenheimer một cách đầy châm biếm, giễu cợt: "Anh nghĩ mọi người ở Hiroshima, Nagasaki quan tâm đến kẻ chế tạo quả bom đó? Họ quan tâm đến người thả. Và đó là tôi, không phải lỗi của anh".

Sau đó, Tổng thống nói với Bộ trưởng Bộ chiến tranh khi tiễn Oppenheimer ra cửa: "Đừng bao giờ để tên mít ướt ấy đến gặp tôi nữa".

TS Oppenheimer và nhà bác học Albert Einstein ngoài đời

TS Oppenheimer và nhà bác học Albert Einstein ngoài đời

TS Oppenheimer và nhà bác học Albert Einstein trong phim

TS Oppenheimer và nhà bác học Albert Einstein trong phim

Và một số phân đoạn ngắn giữa TS Oppenheimer với nhà bác học Albert Einstein (diễn viên kỳ cựu người Scotland Tom Conti đóng) là triết lý được gói gém lại cho cả bộ phim, như một lời nhắn gửi của lịch sử đến hiện tại, của một vĩ nhân đã đủ trải nghiệm dành cho một tài năng đương thời ôm nhiều mộng tưởng.

"Bây giờ đến lượt anh giải quyết hậu quả từ thành tựu của anh. Khi họ trừng phạt anh đủ rồi, họ sẽ phục vụ anh món salad cá hồi và khoai tây, đọc diễn văn, trao huân chương và vỗ vào lưng anh nói rằng tất cả đã được tha thứ. Nhưng hãy nhớ rằng, họ làm điều đó không phải dành cho anh, mà cho chính họ!". Kèm theo câu nói là hình ảnh Oppenheimer được trao huân chương trong sự chúc mừng của cả những nhà khoa học thân cận được ông đưa vào dự án Mahattan nhưng từ chối xuất hiện trong phiên điều trần hoặc nói những điều bất lợi cho ông.

Về thị giác, giây phút Oppenheimer gặp Albert Einstein ở đầu phim và cuối phim có thể nói là khoảnh khắc tuyệt đẹp ở tất cả các góc độ.

Ở lần gặp đầu tiên, hai thiên tài tiềm tĩnh trò chuyện trong một khung cảnh đầy chất thơ với những hàng cây và hồ nước. Đạo diễn sử dụng khung hình đen trắng, được quay ở góc xa rồi đến cận. Đến cuối phim, phân cảnh được "ém" này trở lại trong lời kể của nhân vật, nhưng là bằng thước phim màu. Nó đẹp và sống động đến nỗi người ta cảm như đang sống trong thời của họ, họ đang sống trong thời của chúng ta. Hai thiên tài đang hiện hữu trước mắt hay hiện tại và quá khứ như hòa làm một? Ba tiếng đồng hồ với rất nhiều cảm xúc, xứng đáng để Oppenheimer được đánh giá là "bộ phim hay nhất, quan trọng nhất của thế kỷ này. Nếu bạn chỉ xem một phim rạp năm nay thì đó nên là Oppenheimer".

Cillian Murphy sẽ giành Oscar với Oppenheimer?

Ba trong số đội hình diễn viên hạng A của Hollywood trong phim

Ba trong số đội hình diễn viên hạng A của Hollywood trong phim

Trong đội hình quá nhiều ngôi sao, Cillian Murphy cho thấy anh là lựa chọn không thể khác hơn với vai tiến sĩ Oppenheimer. Gương mặt góc cạnh với gò má hóp, vầng trán cao và vóc người mảnh khảnh, tương đồng về ngoại hình với nguyên mẫu. Ở nét nguyên bản, nam tài tử người Scotland sở hữu khuôn mặt khá lạ, lạnh và rất phi giới tính. Với đôi mắt thẳm sâu, xanh biếc nhưng ánh nhìn đầy ma mị, Cillian Murphy dễ hợp với những vai phản diện, bí hiểm.

Nhưng ở vai này, Cillian Murphy mang đến nhiều khuôn mặt khác nhau, thể hiện sự giằng xé dữ dội trong đời sống nội tâm. Chỉ bằng ánh nhìn, nam tài tử chuyên trở được trọn vẹn cảm xúc, từ sự bất ổn, hoang mang thời trẻ; khi kiêu ngạo bất phục, tràn đầy hi vọng cho đến đau khổ, hụt hẫng và trống trải của người đã nếm đủ mọi cung bậc. Hai trong số nhiều khoảnh khắc đáng nhớ trong diễn xuất của Cillian Murphy là cảnh thử nghiệm quả bom thành công và cảnh ông được người dân tung hô như anh hùng sau khi hai quả bom được thả xuống Hiroshima, Nagasaki của Nhật Bản. Nó cũng cho thấy cách xử lý vô cùng tinh tế của đạo diễn, mang đến những cảm nhận nhiều chiều cho khán giả.

Hình ảnh lột tả chân thực cho câu nói đầy ám ảnh trong phim: "Và giờ đây ta là thần chết. Kẻ hủy diệt thế giới"

Hình ảnh lột tả chân thực cho câu nói đầy ám ảnh trong phim: "Và giờ đây ta là thần chết. Kẻ hủy diệt thế giới"

Giới chuyên môn dự đoán rằng với vai diễn này, Cillian Murphy chắc suất đề cử giải Oscar vào năm sau. Nam phụ cũng khó thoát khỏi tài tử Iron man - Robert Downey Jr. trong vai chủ tịch Ủy ban Năng lượng nguyên tử Lewis Strauss.

Theo tài liệu công bố, dự án nghiên cứu và chế tạo bom nguyên tử những năm thế chiến 2 thu hút tổng cộng 130.000 người từ hơn 30 tổ chức trên khắp nước Mỹ ở thời điểm sôi động nhất. Với kinh phí 2 tỷ đô la Mỹ thời đó, đây là một trong những dự án nghiên cứu, phát triển vĩ đại nhất và tốn kém nhất của mọi thời đại.

Sau dự án này, Oppenheimer không bao giờ quay lại làm việc cho chính phủ, thay vào đó ông thành lập Viện hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Thế giới, tham gia giảng dạy khoa học cho tới khi qua đời năm 1967 vì bệnh ung thư do hút quá nhiều thuốc lá.

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/oppenheimer-qua-bom-tu-the-chien-2-den-hollywood-17223081910590021.htm
Zalo