OPEC tìm cách đẩy giá dầu đi lên

Ngày 9/9, truyền thông quốc tế chính thức loan tin: 8 quốc gia thành viên OPEC+ gồm Saudi Arabia, Nga, Iraq, UAE, Kuwait, Kazakhstan, Algeria và Oman sẽ duy trì mức cắt giảm 2,2 triệu thùng dầu/ngày trong 2 tháng tới.

OPEC duy trì mức cắt giảm sản lượng khi giá dầu thô tiếp tục đi xuống. Nguồn: Bloomberg.

OPEC duy trì mức cắt giảm sản lượng khi giá dầu thô tiếp tục đi xuống. Nguồn: Bloomberg.

Đây được coi là quyết định gây sốc đối với thị trường dầu mỏ thế giới cũng như với các sàn giao dịch chứng khoán lớn ở Mỹ và châu Á. Quyết định này đảo ngược quyết định được đưa ra tại cuộc họp vào hồi tháng 6/2024 với hứa hẹn tăng sản lượng khai thác thêm 180.000 thùng/ngày so với mức hiện có, từ tháng 9/2024.

Theo nhà phân tích Ipek Ozkardeskaya, biện pháp này được OPEC+ đưa ra nhằm kéo giá dầu đi lên khi mà giá dầu thô (trung bình với các loại dầu mỏ) đã giảm xuống 70 USD/thùng lần đầu tiên sau 13 tháng (tính tới hết tháng 8/2024).

Trong vòng 1 năm qua, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh bao gồm Nga (gọi chung là OPEC+) đã phải đối mặt thách thức lớn khi giá dầu và nhu cầu đều ở mức thấp. Do đó, OPEC+ chủ trương cắt giảm sản lượng khai thác nhằm đẩy giá dầu lên. Nhưng thực tế, do nhiều yếu tố, giá dầu không chỉ giảm mà mức tiêu thụ cũng thấp; trong khi đó ngày càng có thêm nhiều lo ngại tình hình tăng trưởng kinh tế chậm lại trên khắp châu Âu và khu vực Bắc Mỹ.

Trong khi đó, thực tế cho thấy việc giá dầu hạ nhiệt sẽ giúp giá cả hàng hóa giảm bớt để giảm lạm phát, thúc đẩy các ngân hàng trung ương nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa.

Giới phân tích nhận định giá dầu thô có thể giảm xuống dưới mức hiện nay, có nghĩa là dưới 70 USD/thùng. Tuy nhiên, với mức 60 USD/thùng thì các nhà sản xuất cũng đã có lãi. Vào tháng 9/2009, có lúc giá dầu thô đã rớt xuống đáy 35 USD/thùng.

Ông Hasnain Malik - Giám đốc bộ phận chiến lược vốn chủ sở hữu thị trường mới nổi và cận biên tại Hãng phân tích dữ liệu Tellimer, nhận xét: Giá dầu hiện là cực kỳ rẻ. Điều này có thể thu hút các nhà đầu tư dài hạn vào các tài sản liên quan đến dầu mỏ. Nhưng trong ngắn hạn, tăng trưởng nhu cầu yếu và sản lượng gia tăng sẽ khiến giá dầu tiếp tục đi xuống.

Còn theo bà Vandana Hari - Giám đốc điều hành của Hãng phân tích thị trường năng lượng toàn cầu Vanda Insights có trụ ở tại Singapore, thì một yếu tố nào đó cũng không tạo ra nhiều rủi ro về nguồn cung dầu mỏ. OPEC+ có thể duy trì hạn mức cắt giảm sản lượng khai thác 2 triệu thùng/ngày cho tới hết năm 2024 thì vẫn khó đẩy được giá đi lên, vì rằng mức tiêu thụ trên phạm vi toàn cầu đang giảm.

Giữa tháng 4 năm nay, giá dầu thô các loại ở mức 91 USD/thùng. Khi đó, nhiều dự báo cho rằng nó sẽ lên mức 130 USD/thùng vào tháng 8. Cho tới tháng cuối cùng của năm 2024 có thể sẽ ở mức 150 USD/thùng. Nhưng, thực tế đã cho thấy điều ngược lại khi mà giá dầu thô theo chiều hướng giảm liên tục mà chưa rõ điểm dừng.

Một số nhà phân tích cho rằng, một trong những nguyên nhân quan trọng khiến gia dầu thô đi xuống là do nhiên liệu xanh đang thay thế dần nhiên liệu hóa thạch. Điều đó cũng có thể nhưng không đủ thuyết phục khi mà việc phát triển nhiên liệu xanh cũng đang gặp khó khăn. Cụ thể là mức tiêu thu ô tô điện sụt giảm sau một thời gian hào hứng.

Ngày 8/9, thị trường chứng khoán Mỹ cũng chao đảo khi mà các mã dầu thô đồng loạt bán tháo. Giới đầu tư chứng khoán Mỹ nhận xét, giá cổ phiếu đang phải đương đầu với mối lo kinh tế tăng trưởng chậm hơn so với dự báo. Chiến lược gia trưởng Emily Roland của Công ty John Hancock Investment Management nhận định, chứng khoán chịu nhiều tác động từ thị trường dầu mỏ, trong đó có việc chi phối bởi các yếu tố tâm lý. “Nhà đầu tư muốn tháo chạy càng nhanh càng tốt khỏi những tài sản có độ rủi ro cao” - ông Hancock nói và cho biết thêm, ám ảnh vẫn chưa khép lại với Phố Wall, khi nỗi lo về giá dầu đi xuống và suy giảm tăng trưởng kinh tế phủ bóng lên tâm trí nhà đầu tư.

Trong khi đó, đại diện công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME cho rằng, giá dầu mỏ đi xuống lại hỗ trợ một cách rất thực tế cho người lao động thu nhập vừa và thấp. Nó có thể khiến các nhà sản xuất, kinh doanh dầu mỏ buồn lòng và các tay chơi chứng khoán bạc tóc. Nhưng với đại bộ phận dân chúng lại vui vì mỗi lần đổ xăng chỉ phải trả ít tiền và giá các mặt hàng phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày cũng sẽ đi xuống.

Trong một báo cáo ngày 8/9, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã đưa ra cảnh báo rủi ro tiềm ẩn cho triển vọng thương mại toàn cầu. Phong vũ biểu thương mại hàng hóa của WTO cung cấp thông tin theo thời gian thực về quỹ đạo của thương mại hàng hóa so với các xu hướng gần nhất. Dựa vào chỉ số này có thể đánh giá động lực tăng trưởng thương mại toàn cầu. Theo đó, thương mại hàng hóa đã giảm xuống và xu hướng còn tiếp tục thông qua việc số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu giảm. Tương tự là ô tô, vận tải container, vận tải hàng không và kể cả các chỉ số về linh kiện điện tử và nguyên liệu thô cũng đều ở mức giảm trong tháng 8/2024.

Thanh Đức

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/opec-tim-cach-day-gia-dau-di-len-10289798.html
Zalo