Lý do lệnh cấm không ngăn được ông Zelensky đàm phán trực tiếp với ông Putin?
Ông Zelensky đưa ra tuyên bố sau khi có quan điểm cho rằng động thái kêu gọi đàm phán trực tiếp của Tổng thống Ukraine mâu thuẫn với sắc lệnh do chính ông ký.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: Getty
Theo đài RT, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho rằng sắc lệnh cấm đàm phán với Nga do chính ông ký không áp dụng cho cá nhân mình, sau khi ông kêu gọi gặp trực tiếp Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Tại họp báo ngày 13/5, ông Zelensky bác bỏ quan điểm cho rằng đề xuất này trái luật Ukraine. Một sắc lệnh do Hội đồng An ninh Quốc gia Ukraine thông qua hồi tháng 9/2022 và ông Zelensky đã ký, quy định việc cấm đàm phán. Sắc lệnh này được ban hành khi Kiev theo đuổi chiến thắng quân sự.
“Đó là một luận điệu của Nga khi nói rằng tôi không thể đàm phán với ông Putin", ông Zelensky nói. “Không ai ngoài tôi có thể tiến hành đàm phán về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, về đường lối của chúng tôi".
Tháng 1/2024, ông Zelensky cho biết lệnh cấm nhằm ngăn quan chức Ukraine khác đàm phán trái phép, đặc biệt để hạn chế ảnh hưởng ly khai và các kênh thương lượng "ngầm". Phía Nga xem đây là bằng chứng Kiev không muốn ngoại giao.
Theo đài RT, hiến pháp Ukraine cấm tổ chức bầu cử trong thời chiến và quy định quyền lực tổng thống sẽ chuyển cho Chủ tịch Quốc hội nếu không có người kế nhiệm hợp pháp. Nhiệm kỳ tổng thống của ông Zelensky đã kết thúc từ năm ngoái, song ông vẫn tiếp tục nắm quyền và gọi những người đặt nghi vấn về tính chính danh của mình là “thân Kremlin”.
Moscow tuyên bố không can thiệp vào nội bộ Ukraine, nhưng cảnh báo mọi thỏa thuận do ông Zelensky ký có thể bị xem là không hợp pháp.
Mỹ đã tiến hành nhiều vòng đàm phán riêng với cả Nga và Ukraine, khuyến khích các biện pháp xây dựng lòng tin như lệnh đình chiến tạm thời kéo dài 30 ngày đối với cơ sở hạ tầng năng lượng. Nga khẳng định lực lượng của họ đã tuân thủ đầy đủ, trong khi cáo buộc Ukraine nhiều lần vi phạm thỏa thuận ngừng bắn. Kiev cáo buộc ngược lại Moscow.
Washington đánh giá các cuộc đàm phán trực tiếp là bước đi tiếp theo hợp lý trong tiến trình hòa bình Ukraine. Dự kiến, các nhà đàm phán cấp cao của Mỹ sẽ quan sát cuộc gặp tại Istanbul. Trong khi đó, Kiev thúc giục các đồng minh phương Tây áp đặt thêm trừng phạt Nga nếu ông Putin từ chối tham dự.
Ngày 14/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh hành pháp chỉ định các thành viên tham gia phái đoàn đàm phán hòa bình với Ukraine.
Người dẫn đầu phái đoàn là ông Vladimir Medinsky – Trợ lý Tổng thống Nga, từng đứng đầu đoàn đàm phán của Moscow trong các cuộc đối thoại với Kiev hồi năm 2022. Ngoài ra, đoàn còn có Thứ trưởng Ngoại giao Mikhail Galuzin, Thứ trưởng Quốc phòng Aleksandr Fomin và Tổng cục trưởng Cục Tình báo quân sự Igor Kostyukov.