Ông Zelensky chỉ trích Mỹ cố chiều lòng Nga
Trả lời phỏng vấn của đài truyền hình ARD bên lề Hội nghị An ninh Munich cuối tuần trước, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhận định Mỹ đang cố gắng làm hài lòng Nga trong nỗ lực đàm phán kết thúc chiến tranh, đồng thời cảnh báo quân đội châu Âu chưa đủ mạnh mẽ.
Theo Tổng thống Zelensky: “Hiện tại Mỹ đang nói những điều có lợi cho Tổng thống Nga Vladimir Putin vì muốn chiều lòng ông ấy. Họ muốn nhanh chóng gặp nhau và đạt thắng lợi ngay. Nhưng điều mà họ muốn - chỉ là một thỏa thuận ngừng bắn - không phải thắng lợi”.
“Ukraine sẽ không ký bất cứ thỏa thuận gì chỉ để đổi lấy sự hoan nghênh. Số phận đất nước tôi trong nhiều thế hệ tới đang bị đe dọa. Chúng tôi sẽ đòi lại tất cả”, ông nói thêm.

Tổng thống Zelensky bày tỏ bất mãn với cách Mỹ triển khai nỗ lực đàm phán - Ảnh: Reuters
Dù lên tiếng chỉ trích, Tổng thống Zelensky vẫn khẳng định Ukraine cần Mỹ hỗ trợ nếu muốn giành chiến thắng. Ông cho biết đã cùng người đồng cấp Donald Trump thảo luận triển khai lực lượng nước ngoài đến Ukraine nhằm đảm bảo an ninh cho nước này.
Trước câu hỏi liệu có chịu từ nhiệm nếu cần để đạt thỏa thuận hay không, Tổng thống Zelensky nói rằng: “Vì hòa bình tôi sẵn sàng làm bất cứ điều gì. Nếu ngày mai Ukraine được chấp nhận kết nạp vào NATO và EU, nếu Nga rút quân và chúng tôi nhận được đảm bảo an ninh thì tôi chẳng còn cần thiết nữa”.
Nhà lãnh đạo Ukraine khi trả lời phỏng vấn cũng cảnh báo châu Âu sẽ ở thế yếu mất “chiếc ô an ninh” từ Mỹ. Những năm gần đây tính sẵn sàng chiến đấu của quân đội châu Âu được nâng cao nhưng quân số, khí tài, năng lực binh sĩ thì chưa đủ mạnh mẽ.
Bài phỏng vấn trên được phát sóng giữa lúc châu Âu cùng Ukraine lo ngại bị gạt ra bên lề đàm phán kết thúc chiến tranh. Tuần trước Tổng thống Trump điện đàm với người đồng cấp Nga, sau đó giao nhiệm vụ cho cấp dưới khởi động đàm phán mà chẳng hề tham vấn các đồng minh bên kia Đại Tây Dương. Phái đoàn Nga - Mỹ gặp mặt tại Ả Rập Saudi ngày 18.2, Ukraine không được mời.
Đầu tuần qua, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio trấn an rằng châu Âu và Ukraine vẫn là “một phần của đàm phán”. Đặc phái viên Mỹ Keith Kellogg cũng vừa nhấn mạnh không ai áp đặt thỏa thuận lên Ukraine, vấn đề triển khai lực lượng nước ngoài nhằm đảm bảo an ninh sẽ được bàn luận sau. Phía châu Âu trước tình hình biến động liền tổ chức nhóm họp khẩn cấp. Tổng thư ký NATO Mark Rutte kêu gọi giới lãnh đạo lục địa già đóng vai trò tích cực hơn trong định hình tương lai Ukraine, đề xuất ý tưởng cụ thể phục vụ nỗ lực đạt hòa bình lâu dài và đảm bảo an ninh cho Ukraine.