Ông Trump xem thuế quan là liều thuốc lập lại trật tự thương mại

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết hôm Chủ Nhật (6/4) rằng các chính phủ nước ngoài sẽ phải trả 'rất nhiều tiền' để dỡ bỏ thuế quan toàn diện mà ông mô tả là 'thuốc'. Phát biểu này của ông đã gây ra thêm sự tàn phá trên thị trường tài chính toàn cầu.

"Liều thuốc" hay chiến thuật đàm phán?

Phát biểu với các phóng viên trên chuyên cơ khi trở về sau một tuần chơi golf ở Florida, ông Trump cho biết, ông không lo ngại về việc thuế quan đã khiến các thị trường chứng khoán thế giới bốc hơi hàng nghìn tỷ đôla giá trị trong mấy phiên gần đây. "Tôi không muốn bất cứ điều gì giảm xuống. Nhưng đôi khi bạn phải uống thuốc để chữa lành một điều gì đó", ông nói.

Ông cũng cho biết là ông đã nói chuyện với nhiều nhà lãnh đạo châu Âu và châu Á vào cuối về vấn đề thuế quan. “Họ đang đến bàn đàm phán. Họ muốn nói chuyện nhưng sẽ không có cuộc nói chuyện nào trừ khi họ trả cho chúng tôi một khoản tiền lớn hàng năm", ông nói.

Trong khi đó, các nhân viên hải quan Hoa Kỳ đã bắt đầu thu thuế quan đơn phương 10% của Trump đối với tất cả hàng nhập khẩu từ nhiều quốc gia từ thứ Bảy tuần trước (5/4). Mức thuế quan "có đi có lại" cao hơn từ 11% đến 50% đối với từng quốc gia sẽ có hiệu lực vào thứ Tư tới, vào lúc 12:01 sáng theo giờ miền Đông Hoa Kỳ (4:01 sáng theo giờ GMT).

Thông báo về thuế quan của Trump hôm 2/4 đã làm rung chuyển các nền kinh tế trên toàn thế giới, đẩy thị trường tài chính toàn cầu rơi vào tình trạng hỗn loạn.

Hiện các nhà chính trị, các chuyên gia kinh tế và cả giới đầu tư đang đau đầu để xác định liệu thuế quan của Trump có tồn tại lâu dài hay là một phần của chế độ mới vĩnh viễn hoặc một chiến thuật đàm phán để giành được sự nhượng bộ từ các quốc gia khác.

Trong các chương trình trò chuyện sáng Chủ Nhật, các cố vấn kinh tế hàng đầu của Trump đã tìm cách mô tả thuế quan như một sự định vị lại trật tự thương mại toàn cầu một cách khôn ngoan của Mỹ.

Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent cho biết, hơn 50 quốc gia đã bắt đầu đàm phán với Mỹ kể từ thông báo hôm thứ Tư tuần trước. "Ông ấy đã tạo ra đòn bẩy tối đa cho chính mình", Bessent nói trên Meet the Press của NBC News.

Trong khi Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick phát biểu trên chương trình Face the Nation của CBS News rằng thuế quan sẽ vẫn được áp dụng "trong nhiều ngày và nhiều tuần".

Còn Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Kevin Hassett đã tìm cách xoa dịu mối lo ngại rằng thuế quan là một phần của chiến lược gây sức ép buộc Fed hạ lãi suất khi nói rằng sẽ không có "sự ép buộc chính trị" nào đối với ngân hàng trung ương.

Trên thực tế, một số chính phủ đã ra tín hiệu sẵn sàng hợp tác với Mỹ để tránh thuế. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết ông sẽ tìm cách hoãn mức thuế 17% đối với hàng hóa của nước này trong cuộc họp đã lên kế hoạch với ông Trump trong ngày hôm nay. Tương tự, một quan chức chính phủ Ấn Độ nói với Reuters rằng nước này không có kế hoạch trả đũa mức thuế 26% và cho biết các cuộc đàm phán đang được tiến hành với Mỹ về một thỏa thuận có thể xảy ra...

"Mùa đông hạt nhân kinh tế"

Tuy nhiên cũng có không ít đối tác thương mại lớn của Mỹ đã và đang lên kế hoạch áp thuế quan trả đũa, từ đó làm dấy lên nỗi lo về một cuộc chiến thương mại và suy thoái toàn cầu.

Cổ phiếu châu Á tiếp tục lao dốc trong phiên giao dịch đầu ngày thứ Hai và thị trường chứng khoán tương lai của Mỹ cũng giảm mạnh khi mở cửa do các nhà đầu tư bày tỏ lo ngại rằng thuế quan của Trump có thể dẫn đến giá cao hơn, nhu cầu yếu hơn, niềm tin thấp hơn và có khả năng xảy ra suy thoái toàn cầu.

J.P.Morgan và hàng loạt các tổ chức tài chính lớn mới đây đã thay đổi các dự báo của họ về suy thoái tình trạng căng thẳng về thuế quan đe dọa làm giảm niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp.

J.P.Morgan cho biết họ hiện thấy có 60% khả năng nền kinh tế Mỹ và toàn cầu sẽ bước vào suy thoái vào cuối năm, tăng so với mức 40% chỉ trước đó ít ngày. "Hiệu ứng ... có khả năng sẽ được khuếch đại thông qua việc trả đũa (thuế quan), sự sụt giảm trong tâm lý kinh doanh của Mỹ và sự gián đoạn chuỗi cung ứng", tổ chức này cho biết.

Các nhà kinh tế của JPMorgan hiện ước tính rằng thuế quan sẽ khiến tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ trong cả năm giảm 0,3%, giảm so với ước tính trước đó là tăng trưởng 1,3% và tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng từ 4,2% lên 5,3%.

S&P Global cũng nâng xác suất về suy thoái kinh tế của Mỹ lên từ 30% đến 35%, từ mức 25% vào tháng 3.

Các tổ chức khác bao gồm Barclays, BofA Global Research, Deutsche Bank, RBC Capital Markets và UBS Global Wealth Management cũng cảnh báo, nền kinh tế Mỹ phải đối mặt với nguy cơ cao hơn rơi vào suy thoái trong năm nay nếu các khoản thuế mới của Trump vẫn được áp dụng.

Nhà quản lý quỹ tỷ phú Bill Ackman, người ủng hộ chiến dịch tranh cử tổng thống của Trump, cho biết Trump đang mất đi lòng tin của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và cảnh báo về một "mùa đông hạt nhân kinh tế" trừ khi ông ấy tuyên bố tạm dừng.

Hà Vy

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/ong-trump-xem-thue-quan-la-lieu-thuoc-lap-lai-trat-tu-thuong-mai-162391.html
Zalo