Ông Trump và hồi chuông báo động đối với Panama
Hơn 100 năm sau khi được xây dựng và 25 năm sau khi được Mỹ trả lại cho Panama, kênh đào Panama - tuyến đường thủy quan trọng, một 'kỳ quan' kỹ thuật nối liền Đại Tây Dương và Thái Bình Dương lại phải đối mặt với sự đe dọa mới từ một tổng thống Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong bài phát biểu nhậm chức vào ngày 20/1 đã tuyên bố sẽ giành lại kênh đào này. “Chúng ta đã bị đối xử rất tệ từ món quà ngu ngốc này mà lẽ ra không bao giờ được trao tặng và lời hứa của Panama với chúng ta đã bị phá vỡ”, ông Trump nói, đồng thời cho rằng Panama đã tính phí quá cao đối với Hải quân Mỹ để đi qua kênh đào.
“Trên hết, Trung Quốc đang điều hành kênh đào Panama. Và chúng ta không trao nó cho Trung Quốc, chúng ta đã trao nó cho Panama và chúng ta sẽ lấy lại nó!”, ông Trump nói. Đây là một tuyên bố mà ông thường xuyên nhắc đến nhưng không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào.
Các quan chức Panama đã chế giễu tuyên bố mới nhất của ông Trump về việc quốc gia này tính phí quá cao cho tàu thuyền đi qua kênh đào hoặc Trung Quốc đã bí mật kiểm soát tuyến đường thủy này. Tuy nhiên, Panama chắc chắn không hề xem nhẹ những lời đe dọa của tân tổng thống Mỹ khi họ luôn coi kênh đào này là trung tâm bản sắc dân tộc và phụ thuộc vào nguồn thu từ lưu lượng giao thông qua kênh đào.
Năm 2024, kênh đào Panama đã thu về tổng lợi nhuận gần 5 tỷ USD. Theo một nghiên cứu được IDB Invest công bố vào tháng 12/2024, 23,6% thu nhập hàng năm của Panama đến từ kênh đào và các công ty cung cấp dịch vụ liên quan đến hoạt động của kênh đào này. Panama cũng từng trải qua một số cuộc can thiệp quân sự của Mỹ trong những năm qua.
“Tất cả những gì ông ấy cần là đưa 10.000 quân vào và thế là xong”, Ovidio Diaz -Espino, một người sinh ra ở Panama và là tác giả của cuốn “Phố Wall đã tạo ra một quốc gia như thế nào: J.P. Morgan, Teddy Roosevelt và Kênh đào Panama” cho biết. Ông cũng nói thêm: “Chúng tôi không có quân đội”.
Duyên nợ hơn 100 năm
Vào năm 1903, Panama là một tỉnh bất ổn của Colombia, với nhiều người Panama công khai ủng hộ tách độc lập khỏi chính quyền trung ương. Tuy nhiên, Colombia không mấy quan tâm đến việc từ bỏ lãnh thổ có vị trí chiến lược này.
Trong nhiều thế hệ, eo đất hẹp này đã được coi là địa điểm hoàn hảo cho một kênh đào xuyên đại dương sẽ rút ngắn hành trình trên biển hàng nghìn dặm. Các con tàu sẽ không còn phải đi vòng quanh Nam Mỹ, vượt qua vùng nước nguy hiểm ngoài khơi Cape Horn nữa. Nhưng việc đào một chiếc “kênh lớn” như tên gọi của nó, thực sự khó khăn hơn nhiều so với bất kỳ nỗ lực nào trước đây.
Một nỗ lực của Pháp nhằm xây dựng một kênh đào vào những năm 1880 đã gặp phải thảm họa sau khi hàng chục công nhân chết vì sốt vàng da và sốt rét trong bối cảnh có những cáo buộc về quản lý tài chính yếu kém. Nỗ lực này do nhà phát triển kênh đào Suez nổi tiếng Ferdinand de Lesseps dẫn đầu đã khiến nước Pháp phá sản.
Không đạt được thỏa thuận với Colombia để xây dựng kênh đào, Tổng thống Mỹ Theodore Roosevelt đã gửi tàu chiến đến bờ biển Đại Tây Dương và Thái Bình Dương của Panama để ủng hộ lời kêu gọi độc lập của Panama. Nhưng niềm vui độc lập “ngắn chẳng tày gang” khi người dân Panama nhanh chóng được biết về một hiệp ước đã được quốc gia mới thành lập này ký với Mỹ, cho phép người Mỹ sử dụng kênh đào trong tương lai mà không bị hạn chế.
Người Panama cáo buộc phái viên của họ tại Mỹ Philippe-Jean Bunau-Varilla đã phản bội lợi ích quốc gia để kiếm lợi từ thỏa thuận mà ông đã ký với Mỹ. Sự phụ thuộc vào Mỹ để bảo vệ nền độc lập trước Colombia đã khiến Panama bị trói tay.
Mỹ đã tiếp nhận công nhân từ khắp vùng Caribe để xây dựng kênh đào. Một hệ thống khóa khéo léo do Quân đoàn Công binh Mỹ thiết kế đã nâng tàu từ mực nước biển lên hồ Gatun, hồ nhân tạo lớn nhất vào thời điểm đó, nơi họ có thể băng qua eo đất.
Vụ nổ cuối cùng làm ngập kênh đào vào năm 1913 được kích hoạt bởi Tổng thống khi đó là Woodrow Wilson, từ Nhà Trắng qua điện tín. “Kênh đào được mở bằng ngón tay của Wilson”, tiêu đề trên tờ New York Times ngày hôm sau viết.
Kênh đào do Mỹ kiểm soát đã nhanh chóng trở thành tài sản quan trọng đối với thương mại và Hải quân Mỹ. Panama nhận được khoản thanh toán ban đầu là 10 triệu USD từ Mỹ cho lãnh thổ này, sau đó là 250.000 USD mỗi năm. Nhiều người Panama phẫn nộ vì kênh đào vốn chia đôi đất nước lại nằm ngoài tầm với của họ.
“Đó là chủ nghĩa thực dân. Đất nước bị chia đôi và bạn thậm chí không thể vào bên trong. Họ có mọi thứ: họ có sân golf, họ có trung tâm giải trí và bên kia hàng rào là Panama”, tác giả Diaz-Espino của Canal Zone cho biết.
Căng thẳng liên tục gia tăng cho đến tháng 1/1964 và các cuộc bạo loạn nổ ra sau khi những người biểu tình tiến vào khu vực kênh đào nằm ngoài tầm kiểm soát và cố gắng kéo cờ Panama tại đây. 22 sinh viên Panama và 4 lính thủy đánh bộ Mỹ đã thiệt mạng trong cuộc giao tranh xảy ra sau đó.
Trong 13 năm, các quan chức Mỹ và Panama đã thảo luận về một kế hoạch trả lại kênh đào cho Panama trong cả hai chính quyền Dân chủ và Cộng hòa. Cuối cùng, vào năm 1977, Tổng thống Mỹ khi đó Jimmy Carter đã đạt được một thỏa thuận với Tổng thống Panama Omar Torrijos để Mỹ và Panama cùng quản lý tuyến đường thủy quan trọng này, với việc kênh đào được chuyển giao hoàn toàn cho Panama vào nửa đêm ngày 31/12/1999.
“Công bằng chứ không phải vũ lực phải là trọng tâm trong các giao dịch của chúng ta với các quốc gia trên thế giới”, ông Carter phát biểu tại lễ ký kết các thỏa thuận. Nhưng thỏa thuận cuối cùng vẫn trao cho Mỹ quyền can thiệp quân sự để duy trì hoạt động của kênh đào. Điều kiện này có khả năng sẽ được ông Trump sử dụng trong nỗ lực chiếm lại kênh đào bằng vũ lực, nhưng thiếu cơ sở pháp lý vì kênh đào vẫn đang chứng kiến lưu lượng giao thông kỷ lục.
Kênh đào Panama - nguồn lợi khổng lồ
Năm 2007, Panama bắt đầu tiến hành dự án mở rộng kênh đào lớn nhất trong gần một thế kỷ, một hệ thống âu thuyền mới cho phép các tàu lớn hơn gấp rưỡi so với trước đây đi qua kênh đào. Các âu thuyền mới này có giá hơn 5 tỷ USD và đi vào hoạt động vào năm 2016. Chúng cũng giúp tăng gấp đôi lưu lượng hàng hải mà kênh đào có thể xử lý.
“Chúng tôi đã trả tiền, chúng tôi đã xây dựng nó và hiện tại, hơn 55% doanh thu của kênh đào Panama đến từ khoản đầu tư đó, không phải từ khoản đầu tư của Mỹ mà họ đã thực hiện từ rất lâu trước đây”, cựu Quản trị viên kênh đào Panama Jorge Luis Quijano nói với CNN.
Kênh đào được mở rộng đã thu về hàng tỷ USD cho Panama và giúp quốc gia này trở thành thành trì ổn định hiếm hoi ở Trung Mỹ, trong khi các quốc gia khác đang phải đối mặt với đói nghèo và bạo lực xuất phát từ nạn buôn bán ma túy, hai nguyên nhân thúc đẩy làn sóng di cư sang Mỹ.
Và thành công của dự án đã được ghi nhận. “Panama đang làm rất tốt với kênh đào, có rất nhiều công nhân, có rất nhiều việc làm. Mỹ đã ngu ngốc khi cho không kênh đào này”, ông Trump đã nói.
Các quan chức Panama đã nói rõ rằng, họ sẽ không đứng nhìn bất kỳ nỗ lực nào nhằm chiếm giữ tuyến đường thủy sinh lợi này, nơi có khoảng 5% tổng lượng giao thông hàng hải toàn cầu đi qua. “Tôi hoàn toàn bác bỏ những lời bóng gió của Tổng thống Donald Trump trong bài phát biểu nhậm chức liên quan đến Panama và kênh đào của nước này. Kênh đào này đã và sẽ vẫn là của Panama”, Tổng thống Panama José Rául Mulino đã viết trên X ngày 20/1.
Nhưng bóng ma về một cuộc can thiệp khác của Mỹ đã gióng lên hồi chuông cảnh báo từ một quốc gia phụ thuộc vào cả tuyến đường thủy cùng tên và mối quan hệ tốt đẹp với Washington.
“Kênh đào Panama là dầu mỏ của chúng tôi và điều này giống như thể bạn đang đe dọa lấy dầu từ Saudi Arabia, để lấy đi các giếng dầu. Điều này sẽ tàn phá đất nước. Chúng tôi sẽ phải gánh chịu khoản nợ và không có thu nhập”, ông Diaz-Espino nói.