Ông Trump và bà Harris đặt cược vào podcast để thu hút cử tri mới

Ngày 25/10, ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump đã tham gia một trong những cuộc phỏng vấn có thể coi quan trọng nhất trong cuộc bầu cử năm nay. Nhưng ông không trả lời phỏng vấn tờ The New York Times hay Washington Post, mà là với Joe Rogan, người dẫn chương trình podcast nổi danh.

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris (trái) và cựu Tổng thống Donald Trump. Ảnh: AP/TTXVN

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris (trái) và cựu Tổng thống Donald Trump. Ảnh: AP/TTXVN

Hãng thông tấn AFP (Pháp) đánh giá, để theo đuổi đối tượng khán giả mới, cả cựu Tổng thống Donald Trump và đối thủ đảng Dân chủ Kamala Harris phần lớn tránh xa các phương tiện truyền thông truyền thống. Các chuyên gia đánh giá điều này phản ánh bức tranh truyền thông Mỹ đang thay đổi.

Podcast trở thành kênh hiệu quả để các ứng cử nhắm mục tiêu đến những đối tượng khán giả khó tiếp cận. Lượng khán giả lắng nghe podcast ngày càng tăng, nhiều trong số họ là những người trẻ tuổi và có khả năng là những cử tri bỏ phiếu lần đầu. Do đó, sức hấp dẫn của podcast là rõ ràng.

Đơn cử, podcast của người dẫn chương trình Rogan có tới 17,5 triệu người đăng ký chỉ riêng trên YouTube và 14 triệu người trên Spotify. Theo Media Monitors, độ tuổi trung bình của những người lắng nghe podcast của Rogan chỉ là 24.

Trong thập niên qua, báo in và tin tức trên truyền hình phải đối mặt với tình trạng suy giảm độc giả, khán giả. Theo dữ liệu của Pew, trong cùng khoảng thời gian này, phạm vi tiếp cận của podcast tăng theo cấp số nhân, bao gồm cả đối với những khán thính giả coi chúng là nguồn tin tức. Pew phát hiện ra rằng khoảng 1/3 người trưởng thành Mỹ dưới 30 tuổi cho biết họ nghe podcast ít nhất một vài lần trong tuần.

Giáo sư dự bị Megan Duncan tại Đại học Bách khoa Virginia (Mỹ) phân tích: “Hệ sinh thái truyền thông Mỹ luôn thay đổi, vì vậy các chiến dịch cũng phải thay đổi. Trong một chiến dịch như thế này, khi cử tri đã quá quen thuộc với những người được đề cử, bởi vậy việc tiếp cận những cử tri mới là điều hợp lý”.

Lựa chọn của bà Harris và ông Trump trên đường đua đã phản ánh sự thay đổi này. Kể từ tháng 7, phó Tổng thống Harris đã tham gia 6 podcast, với kế hoạch sẽ tiếp tục “góp giọng” trong thời gian tới. Trong khi đó, ứng cử viên đảng Cộng hòa Trump đã nhiệt tình tham gia tới 16 podcast, nói chuyện với những người dẫn chương trình từ các ngôi sao thể thao đến những nhân vật thích chơi khăm trên YouTube - hầu hết đều có lượng khán giả là nam giới áp đảo. Vậy, các ứng cử viên sẽ đạt được điều gì qua thay đổi này?

Theo các chuyên gia, những cuộc trò chuyện dài trên podcast được thực hiện trong bầu không khí thoải mái hơn so với trả lời phỏng vấn với các nhà báo chuyên nghiệp. Giảng viên Lea Redfern tại Đại học Sydney (Australia) đánh giá: "Podcast rất phù hợp với ông Trump. Những cuộc trò chuyện một kèm một này giống như thảo luận hơn là phỏng vấn truyền thống và ông Trump có vẻ rất thoải mái".

Cô Redfern bổ sung rằng podcast khiến người nghe cảm thấy như họ đang tìm hiểu về ứng cử viên. Ví dụ, trong một lần xuất hiện gần đây trên podcast nổi tiếng This Past Weekend của diễn viên hài Theo Von, ứng cử viên Trump đã nói rất nhiều về cuộc đấu tranh của anh trai ông với chứng nghiện rượu và tác động của điều đó đã giúp hình thành con người ông như thế nào. Ông cũng bày tỏ đồng cảm với cuộc chiến chống lại chứng nghiện của chính người dẫn chương trình Theo Von. Điều đó hoàn toàn khác xa với lời lẽ hùng hồn thường thấy của ông trong chiến dịch vận động tranh cử.

Trong khi đó, tại chương trình podcast Call Her Daddy nổi tiếng, phó Tổng thống Harris đã chia sẻ một cách thoải mái về quá trình trưởng thành của bản thân và những thách thức mà bà phải đối mặt với vai trò là một người phụ nữ làm việc trong dịch vụ công.

Một sức hút khác là sức ảnh hưởng lớn mà những người dẫn chương trình podcast nổi tiếng có thể tạo ra đối với khán thính giả của họ. Cô Redfern đánh giá: "Khán thính giả podcast là những người trung thành. Người dẫn chương trình podcast tạo kết nối thông qua tai nghe, trực tiếp vào tai người nghe. Điều này tạo ra cảm giác giống như một mối quan hệ thân mật".

Giáo sư dự bị Duncan bổ sung rằng sự quen thuộc khi lắng nghe những người dẫn chương trình nói chuyện cởi mở về cuộc sống của họ nhiều lần một tuần cũng có thể tạo ra mối quan hệ "bán xã hội" cho khán thính giả. Điều đó có thể mang lại cho người dẫn chương trình sức mạnh đáng kể để định hình quan điểm của người nghe.

Trong một cuộc bầu cử có thể được quyết định bởi biên độ rất mong manh, cả ông Trump và bà Harris đều hy vọng rằng việc tác động đến đúng đối tượng khán giả thích hợp có thể tạo nên khác biệt.

Hà Linh/Báo Tin tức (Theo Straits Times)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/ong-trump-va-ba-harris-dat-cuoc-vao-podcast-de-thu-hut-cu-tri-moi-20241027105124620.htm
Zalo