Ông Trump tuyên bố áp thuế với Mexico, Canada và Trung Quốc
Tổng thống đắc cử Donald Trump hôm 25/11 cho biết sẽ áp thuế toàn diện đối với hàng hóa từ Mexico, Canada và Trung Quốc để ứng phó với nạn buôn bán ma túy và nhập cư bất hợp pháp.
Đánh thuế với cả đồng minh
Trong loạt bài đăng trên tài khoản Truth Social của mình, ông Trump thề sẽ đánh thuế tất cả hàng hóa nhập khẩu vào nước này đối với một số đối tác thương mại lớn nhất của Hoa Kỳ.
“Vào ngày 20/1, như một trong nhiều sắc lệnh hành pháp đầu tiên của tôi, tôi sẽ ký tất cả các tài liệu cần thiết để áp mức thuế 25% đối với Mexico và Canada đối với tất cả các sản phẩm nhập khẩu vào Hoa Kỳ và Chính sách biên giới mở vô lý của nước này", ông viết.
Trong một bài đăng khác, Donald Trump cho biết ông cũng sẽ áp thuế 10% lên Trung Quốc "trên bất kỳ mức thuế bổ sung nào", đối với tất cả các sản phẩm của nước này nhập khẩu vào Hoa Kỳ để đáp trả việc ông cho là Trung Quốc không giải quyết được tình trạng buôn lậu fentanyl.
Thuế quan là một phần quan trọng trong chương trình nghị sự kinh tế của ông Trump. Với việc tuyên bố áp dụng nhiều loại thuế đối với cả đồng minh và đối thủ trong suốt quá trình vận động tranh cử trước chiến thắng vào ngày 5/11.
Nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump tại Nhà Trắng được đánh dấu bằng chương trình nghị sự thương mại mang tính bảo hộ và hung hăng, nhắm vào cả Trung Quốc, Mexico và Canada, cũng như châu Âu. Khi còn ở Nhà Trắng, ông Trump đã phát động một cuộc chiến thương mại toàn diện với Trung Quốc, áp đặt mức thuế quan đáng kể đối với hàng trăm tỷ đô la hàng hóa của Trung Quốc.
Vào thời điểm đó, ông đã viện dẫn các hoạt động thương mại không công bằng, hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ và thâm hụt thương mại để biện minh.
Trung Quốc đáp trả bằng cách áp thuế trả đũa lên các sản phẩm của Mỹ, đặc biệt ảnh hưởng đến nông dân Mỹ.
Hoa Kỳ, Mexico và Canada đang tham gia vào một hiệp định thương mại tự do đã có từ ba thập kỷ trước, hiện được gọi là USMCA, được đàm phán lại dưới thời Trump sau khi ông phàn nàn rằng các doanh nghiệp Hoa Kỳ, đặc biệt là các nhà sản xuất ô tô, đang chịu thiệt thòi.
Wendy Cutler, Phó chủ tịch Viện Chính sách xã hội châu Á và cựu quan chức thương mại Hoa Kỳ nói với AFP rằng: "Mexico và Canada vẫn phụ thuộc rất nhiều vào thị trường Hoa Kỳ nên khả năng họ thoát khỏi những lời đe dọa của Tổng thống đắc cử Trump vẫn còn hạn chế".
Bằng cách trích dẫn cuộc khủng hoảng fentanyl và nhập cư bất hợp pháp, ông Trump dường như đang viện dẫn những lo ngại về an ninh quốc gia như một phương tiện để phá vỡ thỏa thuận đó, điều thường được cho phép theo các quy tắc do Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đặt ra hoặc trong các thỏa thuận thương mại.
Nhưng hầu hết các quốc gia và WTO coi các ngoại lệ về an ninh quốc gia là thứ có thể sử dụng một cách hạn chế chứ không phải là một công cụ thường xuyên của chính sách thương mại.
Năm 2018, ông Trump đã viện dẫn lý do an ninh quốc gia để áp thuế nhập khẩu thép và nhôm, nhắm vào các đồng minh thân cận như Canada, Mexico và Liên minh châu Âu. Điều này dẫn tới các biện pháp trả đũa từ các đối tác thương mại.
'Đặt cược' vào thuế quan Trung Quốc
Nhiều nhà kinh tế đã cảnh báo rằng thuế quan sẽ gây tổn hại đến tăng trưởng và đẩy lạm phát lên cao, vì thuế quan chủ yếu được trả bởi những nhà nhập khẩu đưa hàng hóa vào Hoa Kỳ, những người thường chuyển chi phí đó cho người tiêu dùng.
Nhưng những người thân cận với Trump lại khăng khăng rằng thuế quan là con bài mặc cả hữu ích để Hoa Kỳ thúc đẩy các đối tác thương mại của mình đồng ý với các điều khoản có lợi hơn và đưa việc làm sản xuất từ nước ngoài trở về nước.
Ông Trump đã tuyên bố sẽ giao cho Bộ trưởng Thương mại được chỉ định là Howard Lutnick, một người có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc, phụ trách chính sách thương mại. Lutnick đã bày tỏ sự ủng hộ đối với mức thuế quan 60% đối với hàng hóa Trung Quốc cùng với mức thuế quan 10% đối với tất cả các mặt hàng nhập khẩu khác.
William Reinsch, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế, cho biết động thái đó là phong cách điển hình của ông Trump: "Đe dọa, rồi mới đàm phán". "Về những gì thực sự có thể xảy ra, tôi cược rằng một số mức thuế của Trung Quốc sẽ có hiệu lực.
Về mặt pháp lý thì dễ dàng hơn và về mặt chính trị thì dễ chấp nhận hơn", ông nói. “Về phía Canada và Mexico, dù sao thì thỏa thuận thương mại của họ (USMCA) cũng sẽ được đàm phán lại vào năm 2026".