Ông Trump tung chiêu 'cây gậy và củ cà rốt' buộc Nga đàm phán với Ukraine

Tổng thống Mỹ Trump dường như đang tích cực sử dụng chiến thuật 'cây gậy và củ cà rốt' nhằm kéo Nga tới gần một lệnh ngừng bắn với Ukraine, thông qua việc áp dụng các lệnh trừng phạt kinh tế với Nga và gây sức ép quân sự với Ukraine.

Theo các nhà phân tích, Washington nắm trong tay không ít đòn bẩy để tạo áp lực với Điện Kremlin - từ việc gia tăng viện trợ quân sự cho Ukraine, siết chặt các lệnh trừng phạt hiện hành, cho đến áp thuế bổ sung đối với các nước đang mua dầu của Nga. Tuy nhiên, trên thực tế, Mỹ không thực sự vung “cây gậy” sắt về phía Điện Kremlin, khi những biện pháp trừng phạt của Washington chủ yếu nhắm vào một số doanh nghiệp Nga và không tạo ra sức ép đáng kể.

Trong khi đó, ông Trump lại tập trung nhiều hơn vào việc đưa cho Nga một “củ cà rốt” bằng cách gây sức ép lớn lên Ukraine, nhằm đẩy Moscow tiến nhanh hơn về phía một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài giữa hai bên tham chiến.

Ông Trump. Ảnh: Reuters

Ông Trump. Ảnh: Reuters

Sự kiên nhẫn của ông Trump đến giới hạn?

Mỹ và Ukraine đã đạt được thỏa thuận về một lệnh ngừng bắn toàn diện vào ngày 11/ 3, tuy nhiên, Nga nhanh chóng bác bỏ sáng kiến này.

Thay vào đó, ngày 25/3, Nga và Ukraine đã đạt được một thỏa thuận hạn chế hơn dưới sự dẫn dắt của Mỹ nhằm chấm dứt các cuộc tấn công nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng và ngưng giao tranh trên Biển Đen.

Tuy vậy, Moscow tuyên bố rằng lệnh ngừng bắn ở Biển Đen sẽ chỉ có hiệu lực sau khi một số lệnh trừng phạt kinh tế chống lại Nga được dỡ bỏ. Đồng thời, cả Nga và Ukraine đều liên tục cáo buộc đối phương vi phạm cam kết ngừng tấn công các mục tiêu năng lượng.

Moscow tiếp tục đưa ra thêm các yêu sách. Trong một cuộc phỏng vấn với NBC News ngày 30/3, Tổng thống Trump bày tỏ sự “tức giận” trước loạt yêu cầu mới từ phía Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong đó có đề xuất thành lập một "chính phủ chuyển tiếp" ở Ukraine thay cho chính phủ hiện tại.

“Nếu tôi và Nga không thể đạt được thỏa thuận để chấm dứt xung đột tại Ukraine, và nếu tôi cho rằng lỗi thuộc về Nga- tôi không nói chắc là vậy, nhưng nếu tôi nghĩ thế - tôi sẽ áp đặt thuế quan thứ cấp đối với dầu mỏ. Tất cả dầu xuất phát từ Nga”, ông Trump tuyên bố. “Điều đó có nghĩa là nếu bạn mua dầu từ Nga, bạn sẽ không được phép kinh doanh tại Mỹ. Sẽ có mức thuế từ 25% đến 50% đánh vào toàn bộ nguồn dầu”.

Đến ngày 1/4, một nhóm 50 thượng nghị sĩ Mỹ đã đệ trình dự luật nhằm áp đặt các biện pháp trừng phạt mạnh tay đối với hoạt động mua bán dầu mỏ từ Nga nếu Moscow từ chối đàm phán với Kiev. Dự luật này đề xuất mức thuế lên đến 500% đối với hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia mua dầu, khí đốt, uranium và các sản phẩm khác của Nga.

Lời đe dọa áp đặt trừng phạt từ ông Trump cho thấy sự bất mãn ngày càng lớn của ông trước việc Nga kiên quyết bác bỏ lệnh ngừng bắn. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu những tuyên bố cứng rắn này có thực sự được cụ thể hóa bằng hành động hay chỉ dừng lại ở lời nói.

“Có vẻ như thái độ trì hoãn từ phía Moscow đang dần khiến Nhà Trắng mất kiên nhẫn”, bà Liana Fix, chuyên gia về châu Âu và Nga tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR), nhận định với Kiev Independent.

“Tuy nhiên, tôi không nghĩ chúng ta nên diễn giải quá mức điều đó thành một sự rạn nứt rõ rệt giữa Nhà Trắng và Điện Kremlin. Ông Trump hoàn toàn có thể thay đổi lập trường trong cuộc trao đổi tiếp theo giữa hai lãnh đạo hoặc đây đơn giản là một chiến lược của Nga nhằm đổ lỗi cho Ukraine về sự trì hoãn”, bà Fix nhấn mạnh

“Cây gậy” của Mỹ có đủ sức nặng với Nga?

Chính quyền Trump đã ban hành một số biện pháp trừng phạt đối với Nga, song các lệnh này bị đánh giá là chưa đủ mạnh để tạo ra sức ép thực sự.

Ngày 13/3, Mỹ siết chặt các hạn chế đối với ngành năng lượng Nga bằng cách không gia hạn lệnh miễn trừ vốn cho phép các ngân hàng Nga tiếp cận hệ thống thanh toán của Mỹ để thực hiện giao dịch năng lượng. Đây là một lệnh miễn trừ được ban hành dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Joe Biden nhưng không được ông Trump tiếp tục. Việc chấm dứt lệnh này được cho là sẽ khiến các quốc gia khác gặp khó khăn khi mua dầu từ Nga.

Tới ngày 2/4, chính quyền Trump tiếp tục công bố các biện pháp trừng phạt nhắm vào một mạng lưới cung cấp vũ khí của Nga và hoạt động vận chuyển ngũ cốc bị đánh cắp từ các vùng lãnh thổ chiếm đóng ở Ukraine cho lực lượng Houthis ở Yemen. Một số công ty Nga nằm trong mạng lưới này.

Giới quan sát cho rằng, bên cạnh công cụ "thuế quan thứ cấp", Tổng thống Trump vẫn còn nhiều đòn bẩy khác có thể sử dụng để gây áp lực lên Nga – nếu ông chủ Nhà Trắng thực sự muốn làm điều đó.

Bà Jenny Mathers và ông Stefan Wolff, Giáo sư giảng dạy về an ninh quốc tế tại Đại học Birmingham, lập luận rằng ông Trump hoàn toàn có thể kết hợp giữa các biện pháp trừng phạt kinh tế và việc tăng cường viện trợ quân sự cho Ukraine để tạo sức ép trực tiếp với Moscow. Trong khi đó, bà Yulia Pavytska, Giám đốc Chương trình Trừng phạt tại Viện KSE (một tổ chức tư vấn thuộc Trường Kinh tế Kiev) cho biết Mỹ cũng có thể gây tổn thất lớn cho Nga nếu siết chặt hơn nữa các lệnh trừng phạt đối với lĩnh vực dầu mỏ – nguồn thu quan trọng của Điện Kremlin.

Theo bà Pavytska, mức trần giá 60 USD/thùng dầu hiện tại là không hiệu quả, bởi con số này dựa vào mức giá do chính các cảng của Nga công bố, vốn thường thiếu minh bạch. Bà Pavytska đề xuất rằng Washington nên áp đặt lệnh trừng phạt toàn diện đối với toàn bộ đội tàu này và thiết lập mức trần giá mới tại các điểm đến như cảng Trung Quốc và Ấn Độ – nơi phần lớn dầu mỏ Nga đang được tiêu thụ – thay vì tiếp tục dựa vào dữ liệu do Nga công bố.

Nếu Tổng thống Trump thực sự áp thuế đối với các quốc gia mua dầu của Nga, động thái này có thể trở thành một đòn giáng mạnh vào nền kinh tế Nga. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tỏ ra hoài nghi về tính khả thi của kế hoạch này.

“Các biện pháp trừng phạt bổ sung nhằm vào những quốc gia tiếp tục nhập khẩu dầu từ Nga có thể trở thành một công cụ cực kỳ hiệu quả, bởi chúng gần như có thể cắt đứt hoàn toàn dòng chảy xuất khẩu dầu của Moscow”, ông Oleksandr Parashchiy, nhà phân tích tại ngân hàng đầu tư Concorde Capital (Ukraine) cho biết.

“Tuy nhiên, cái giá phải trả cho cả nền kinh tế toàn cầu, cũng như nước Mỹ, có thể vô cùng lớn. Dầu mỏ Nga vẫn chiếm khoảng 7–8% nguồn cung toàn cầu và một lệnh cấm vận ở quy mô này chắc chắn sẽ gây xáo trộn thị trường năng lượng quốc tế. Đó là lý do vì sao, ở thời điểm hiện tại, rất khó để tin rằng ông Trump sẽ thực sự dám thực hiện bước đi như vậy”, ông Parashchiy cho biết.

Mỹ nghiêng hơn về biện pháp “củ cà rốt”

Cho đến thời điểm này, dường như ông Trump vẫn có xu hướng sử dụng “củ cà rốt” thay vì “cây gậy” trong cách tiếp cận với Nga.

Ngày 1/4, nhà báo Jacqui Heinrich của Fox News dẫn lời một nguồn tin ẩn danh trên nền tảng X, cho biết chính quyền Trump đang xem xét “thực thi các lệnh trừng phạt mạnh tay hơn”, trong đó có cả phương án trừng phạt trực tiếp hạm đội tàu ngầm chở dầu của Nga. Tuy nhiên, chưa có dấu hiệu nào cho thấy Nhà Trắng sẽ tiến hành các lệnh trừng phạt này.

Mới đây, ông Trump đã công bố gói thuế quan mới nhắm vào 180 quốc gia, vùng lãnh thổ và tổ chức, bao gồm cả Liên minh châu Âu, Trung Quốc và Ukraine. Nga không nằm trong danh sách này.

Ông Zelensky. Ảnh: Reuters

Ông Zelensky. Ảnh: Reuters

Cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraine John Herbst đánh giá rằng các lệnh trừng phạt của ông Trump đến nay đều không tạo ra nhiều tác động, bởi chúng đi kèm với loạt động thái mềm mỏng khác đối với Điện Kremlin. Cụ thể Mỹ đã tạm ngừng viện trợ quân sự và chia sẻ tình báo cho Kiev sau cuộc tranh cãi gay gắt giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Nhà Trắng vào ngày 28/2.

Theo thỏa thuận ngừng bắn một phần được ký kết ngày 25/3, Washington cam kết hỗ trợ khôi phục khả năng tiếp cận thị trường toàn cầu cho Nga trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản và phân bón, giảm chi phí bảo hiểm hàng hải, đồng thời tạo điều kiện tiếp cận các cảng và hệ thống thanh toán cho các giao dịch này.

Điện Kremlin tuyên bố rằng lệnh ngừng bắn sẽ chỉ có hiệu lực nếu phương Tây dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt. Cùng ngày, ông Trump cho biết Mỹ đang “xem xét” khả năng dỡ bỏ một số biện pháp trừng phạt nhằm đảm bảo thỏa thuận ngừng bắn tại Biển Đen.

Ông Mathers cho rằng chiến lược nhượng bộ của Nhà Trắng “có thể hiệu quả với ông Putin, nhưng cho đến nay, ông Trump vẫn chưa đạt được điều mình mong muốn – một lệnh ngừng bắn thực sự, chứ chưa nói đến một thỏa thuận hòa bình dài hạn”.

Còn theo bà Pavytska, để đạt được một thỏa thuận hòa bình lâu dài, đòn bẩy mạnh mẽ nhất mà Mỹ có thể sử dụng là tuyên bố chấm dứt đàm phán với Nga nếu nước này tiếp tục từ chối một lệnh ngừng bắn toàn diện, đồng thời gia tăng đáng kể viện trợ quân sự cho Kiev cho đến khi Moscow dừng hoàn toàn các hành động quân sự tại Ukraine.

Diệp Thảo/VOV.VN Theo The Kyiv Independent, The Guardian

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/ong-trump-tung-chieu-cay-gay-va-cu-ca-rot-buoc-nga-dam-phan-voi-ukraine-post1190224.vov
Zalo