Ông Trump sẽ trở thành tổng thống quyền lực nhất lịch sử Mỹ?
Ông Donald Trump sẽ bước vào nhiệm kỳ tổng thống Mỹ thứ hai với những lợi thế to lớn.
Chỉ còn một ngày nữa, ông Donald Trump sẽ tuyên thệ nhậm chức tổng thống Mỹ thứ 47, đánh dấu sự khởi đầu nhiệm kỳ thứ hai của ông và mở ra một kỷ nguyên mới về quyền lực của tổng thống.
Theo đánh giá của kênh Channel News Asia, ông Trump trở lại Nhà Trắng lần này với tư cách là một trong những tổng thống không thuộc thời chiến quyền lực nhất trong lịch sử Mỹ, thống trị Washington và các vấn đề quốc tế.
Những lần mở rộng quyền lực của tổng thống Mỹ
Hệ thống “Cân bằng và kiểm soát” (Check and balance) phân phối quyền lực giữa tổng thống Mỹ, quốc hội và tòa án.
Quyền lực của tổng thống Mỹ đã phát triển theo thời gian từ sự cân bằng mong manh giữa ba nhánh (hành pháp, lập pháp và tư pháp) do những người lập quốc Mỹ thiết lập thành một nhánh hành pháp mạnh hơn nhưng vẫn hoạt động trong một hệ thống “Cân bằng và kiểm soát”.
Những rào cản chống lại việc tổng thống Mỹ lạm dụng quyền lực vượt quá hiến pháp vẫn tiếp tục tồn tại trong tay cơ quan lập pháp và tư pháp. Tuy nhiên, quyền lực của tổng thống Mỹ hiện đại đã được tăng cường để đối phó với các thách thức, bao gồm chiến tranh. Các ví dụ điển hình bao gồm việc mở rộng thẩm quyền được Tổng thống Abraham Lincoln cấp hoặc thực hiện trong Nội chiến Mỹ và Tổng thống Franklin D Roosevelt trong Thế chiến II.
Ngay cả trước đó, Tổng thống Roosevelt đã tích lũy quyền lực đáng kể để thúc đẩy sáng kiến New Deal (chương trình kinh tế mới) và các chương trình liên quan nhằm đưa Mỹ ra khỏi cuộc Đại suy thoái. Tổng thống Roosevelt đã tổ chức lại Nhà Trắng và nhánh hành pháp với mục đích đó, tạo ra văn phòng hành chính của tổng thống vào năm 1939, tăng cường đáng kể nguồn lực và nhân sự để thực hiện chương trình toàn diện của mình.
Các tổng thống sau này đã tận dụng tối đa điều đó. Tổng thống George W. Bush đã thực thi quyền lực mở rộng để phản ứng với các cuộc tấn công khủng bố vào ngày 11-9-2001. Tổng thống Barack Obama đã tiếp tục xu hướng đó thông qua các hành động hành pháp trong việc theo đuổi chương trình của mình mà không cần có sự đồng ý của quốc hội.
Ông Trump sẽ phá vỡ các giới hạn?
Ông Trump đã có quyền tiếp cận mọi quyền lực mà những người tiền nhiệm của ông mở rộng và trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông đã thử nghiệm những giới hạn đó. Dự kiến, trong nhiệm kỳ mới này, không loại trừ khả năng ông Trump sẽ tiếp bước các người tiền nhiệm để mở rộng quyền lực vượt các chuẩn mực hiện có.
Quốc hội hiện do đảng Cộng hòa kiểm soát, trong đó nhiều đảng viên Cộng hòa được bầu vào cơ quan lập pháp nhờ sự ủng hộ của ông Trump. Do đó, có thể các nhà lập pháp đó sẽ nhượng bộ ông Trump trong thời gian ông cầm quyền, ngoại trừ một số trường hợp quá đáng.
Tháng 7-2024, Tòa Tối cao Mỹ đã loại bỏ một yếu tố kiểm soát quan trọng đối với quyền lực của ông Trump. Khi đó, Tòa đã phán quyết rằng các tổng thống Mỹ có quyền miễn trừ "tuyệt đối" đối với các hành động được thực hiện với tư cách tổng thống trong phạm vi "quyền lực hiến pháp cốt lõi" của họ.
Vì vậy, ông Trump bước vào nhiệm kỳ tổng thống Mỹ lần này với nhận thức rằng ông có quyền tự do trong việc ra quyết định mà không phải chịu trách nhiệm hình sự cơ bản nào cho đến khi rời khỏi Nhà Trắng.
Tuy nhiên, hệ thống “Cân bằng và kiểm soát” vẫn hoạt động. Phán quyết gần đây của Tòa Tối cao là một ví dụ. Tòa đã bác đề nghị khẩn cấp của Tổng thống đắc cử Trump về việc hoãn phiên tòa xét xử ông chi tiền "bịt miệng" ngôi sao khiêu dâm Stormy Daniels, với tỉ lệ 5-4.
Cần tư duy mới để thích ứng với chính quyền nhiệm kỳ 2 của ông Trump
Chính phủ các nước và doanh nghiệp sẽ cần phải điều chỉnh cho phù hợp theo cách làm của ông Trump, vì ông sẽ thúc đẩy một chương trình nghị sự thậm chí còn quyết liệt hơn so với nhiệm kỳ đầu tiên - chương trình mà ông đã đạt được những thành tựu đáng kể về nhập cư, thuế, cùng nhiều vấn đề khác.
Trong nhiệm kỳ thứ hai, ông Trump sẽ thực hiện các chương trình trên thông qua việc kết hợp sử dụng quyền lực một cách mạnh mẽ. Những điều này bao gồm lời hứa ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để tiến hành trục xuất hàng loạt người nhập cư bất hợp pháp, bổ nhiệm những người trung thành trong bộ máy chính phủ và tận dụng ảnh hưởng của ông trong đảng Cộng hòa hiện đang kiểm soát đa số ở cả hai viện của quốc hội Mỹ.
Truyền thông Mỹ cũng có thể sẽ không buộc ông Trump phải chịu trách nhiệm như đã từng làm trong quá khứ, bằng chứng là nhiều trường hợp tờ Washington Post, LA Times và ABC News đều nhượng bộ ông Trump.
Cộng đồng doanh nghiệp Mỹ hiện đang phải thích nghi với ảnh hưởng của ông Trump. Điều đó có thể là mở rộng mối quan hệ với các quan chức sẽ đảm nhiệm các vị trí trong chính quyền mới của ông Trump hoặc quyên góp cho ủy ban nhậm chức của ông Trump.
Tuy nhiên, với một tổng thống có cách tiếp cận theo lối giao dịch, các doanh nghiệp sẽ đưa điều này lên một tầm cao mới. Meta, Google, Apple, Microsoft và Amazon đều đã tài trợ 1 triệu USD cho lễ nhậm chức của ông Trump, và các hội đồng quản trị và CEO có thể sẽ quyên nhiều tiền hơn cho các quỹ của ông Trump.
Các công ty Mỹ cũng đang xóa bỏ các chính sách tuyển dụng bị coi là lời nguyền đối với phong trào “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại", thu hẹp các chương trình đa dạng, công bằng và hòa nhập, cũng như xóa bỏ nội dung kiểm tra thực tế trên nền tảng của họ.
Các chính phủ và doanh nghiệp đều cần phải xây dựng các lập luận ủng hộ hoặc phản đối chính sách của ông Trump theo cách mà chúng có thể ảnh hưởng đến thị trường.
Các chính phủ, doanh nghiệp và nhà đầu tư phải tập trung vào những lập trường mà họ có thể cung cấp bằng chứng thực nghiệm về cách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và việc làm vào Mỹ có thể diễn ra thông qua mối liên kết giữa kinh tế và chính sách đối ngoại.