Ông Trump phủ bóng G20, dù không có mặt

Dù chưa nhậm chức, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã bắt đầu tạo ra xáo trộn chốn hậu trường ngoại giao quốc tế, với ví dụ mới nhất là tại hội nghị thượng đỉnh G20 gần đây.

 Dù chưa nhậm chức, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã bắt đầu tạo ra xáo trộn trên trường quốc tế. Ảnh: New York Times.

Dù chưa nhậm chức, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã bắt đầu tạo ra xáo trộn trên trường quốc tế. Ảnh: New York Times.

Bất ngờ đã xảy ra tại tại thượng đỉnh G20 diễn ra từ tuần này ở Brazil.

Theo hai nhà ngoại giao ẩn danh, Tổng thống Argentina Javier Milei, nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên gặp trực tiếp ông Trump kể từ sau ngày bầu cử, đe dọa sẽ chặn ra tuyên bố chung do bất đồng về các cụm từ liên quan đến việc đánh thuế giới siêu giàu và các vấn đề bình đẳng giới.

Động thái này khiến nhiều nhà ngoại giao bất ngờ vì Argentina từ trước đã đồng ý với tuyên bố kêu gọi đánh thuế giới siêu giàu vào mùa hè, nhưng lại thay đổi lập trường sau khi ông Trump đắc cử.

“Hiệu ứng Trump đã bắt đầu được thể hiện”, một nhà ngoại giao phương Tây nhận xét. “Các lãnh đạo bảo thủ như ông Milei đang tìm cách kết liên minh với ông Trump trước khi chính quyền mới bắt đầu nhiệm kỳ”.

Ông Trump phủ bóng lên các hội nghị quốc tế

Dù ông Trump không được nhắc đến trực tiếp trong lúc Tổng thống Joe Biden gặp mặt lãnh đạo Nhật Bản, Hàn Quốc và Peru, ảnh hưởng của ông vẫn được cảm nhận rõ. Chẳng hạn, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã mở đầu cuộc hội đàm với ông Biden bằng lời tuyên bố ý nhị:

“Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với chính quyền mới của Mỹ để duy trì liên lạc, mở rộng hợp tác và kiểm soát khác biệt”, ông Tập nói.

Không chỉ G20, hội nghị APEC tại Peru cũng chứng kiến tác động của cái tên Donald Trump. Các cuộc trò chuyện hành lang giữa phái đoàn các mước xoay quanh những lựa chọn nhân sự bất ngờ của ông Trump, đặc biệt là việc đề cử cựu Hạ nghị sĩ Tulsi Gabbard làm giám đốc cơ quan tình báo Mỹ và người dẫn chương trình đài Fox News Pete Hegseth vào Lầu Năm Góc.

“Mọi người đều bàn tán về những nhân sự mới này”, một nhà ngoại giao châu Á chia sẻ.

 Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc hội đàm với Tổng thống Joe Biden bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20. Ảnh: New York Times.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc hội đàm với Tổng thống Joe Biden bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20. Ảnh: New York Times.

Dường như ai cũng tò mò về đường lối chính sách của Mỹ sẽ ra sao trong nhiệm kỳ hai của ông Trump. Ngay chính ông Biden, người từng có cuộc trao đổi kéo dài hai tiếng với ông Trump trước khi đến thủ đô Lima của Peru, cũng phải thừa nhận không thể dự đoán chính sách của chính quyền mới.

Tại Rio, ông Biden đã lên lịch tham dự sự kiện về cuộc chiến chống đói nghèo. Tại đây, ông dự kiến đại diện nước Mỹ đưa ra những cam kết mới về khí hậu và phát triển. Nhưng nhiều nhà lãnh đạo đồng cấp lúc này coi đó là chỉ những động thái mang tính biểu tượng, sẽ nhanh chóng bị chính quyền mới đảo ngược.

“Chính quyền sắp tới không có nghĩa vụ phải hứa hẹn với chúng tôi điều gì”, Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan cho biết sau cuộc gặp giữa ông Biden và ông Tập.

Bức phác họa cho 4 năm tiếp theo

Quay trở lại hội nghị G20 ở Rio de Janeiro, quan chức tin rằng ông Milei có hành động như trên vì cảm thấy như được khích lệ sau chiến thắng của ông Trump, nhằm tạo ra trung tâm quyền lực mới trong tay những nhà lãnh đạo cùng chí hướng.

Quan chức phía Brazil đã và đang cố gắng đàm phán giải quyết bất đồng, nhưng bản tuyên bố cuối cùng của G20 lần này vẫn có thể sẽ đề cập đến sự phản đối của Argentina ở một số phần nhất định.

 Ông Biden lên máy bay Không lực Một khởi hành tới Brazil dự thượng đỉnh G20. Ảnh: New York Times.

Ông Biden lên máy bay Không lực Một khởi hành tới Brazil dự thượng đỉnh G20. Ảnh: New York Times.

Đối với nhiều người tham gia vào cuộc thảo luận tại G20, câu chuyện của Argentina là tín hiệu cho thấy tình trạng căng thẳng từng phủ bóng lên các hội nghị thượng đỉnh quốc tế trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump có thể sẽ quay trở lại.

"Những người theo đường lối bảo thủ như ông Milei đang tìm cách tạo liên minh với ông Trump trước thời điểm nhậm chức. Chuyện lần này chỉ là bức tranh phác họa cho bốn năm tới", một nhà ngoại giao phuơng Tây nhận xét.

Một nhà ngoại giao khác ở Rio de Janeiro đồng tình và lo ngại việc ông Trump dự kiến rút khỏi các hiệp định quốc tế như Hiệp định Khí hậu Paris có thể khuyến khích lãnh đạo các nước khác như ông Milei theo chân.

“(Xung đột Ukraine) vốn dĩ đã khiến các nước bất đồng”, vị quan chức này nói. Nga cũng là thành viên của G20 và nhiều quốc gia trong khối này, đặc biệt là những nước ở Nam Bán cầu, đã không hưởng ứng lệnh trừng phạt Moscow của phương Tây.

“Ông Trump sẽ chỉ tạo ra sự chia rẽ lớn hơn”, vị quan chức này nói.

Lạc Chi

Nguồn Znews: https://znews.vn/ong-trump-phu-bong-g20-du-khong-co-mat-post1512022.html
Zalo