Ông Trump muốn đóng cửa 'ngay lập tức' Bộ Giáo dục: Lý do và tác động?

Chuyên gia cho rằng viễn cảnh đóng cửa Bộ Giáo dục Mỹ có thể gây khó khăn trong quá trình quản lý các khoản nợ của sinh viên, cũng như chức năng quản lý giáo dục của chính phủ Mỹ.

Đóng cửa Bộ Giáo dục là một trong những lời hứa tranh cử của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Do đó, ngay sau khi nhậm chức, ông Trump đã liên tục nhắc tới ý tưởng này.

Ngày 12-2, ông Trump nói rằng ông muốn Bộ Giáo dục đóng cửa ngay lập tức, theo hãng tin Reuters. Trước đó, tổng thống Mỹ cho biết ông sẽ ký một sắc lệnh giải thể cơ quan giáo liên bang này, nhưng thừa nhận rằng ông sẽ cần sự ủng hộ từ quốc hội và các công đoàn giáo viên để thực hiện.

Bà Linda McMahon - người được ông Trump chọn làm lãnh đạo Bộ Giáo dục - cũng lên tiếng bảo vệ ý tưởng của tổng thống.

Vậy vì sao ông Trump muốn đóng cửa cơ quan này và điều này sẽ ảnh hưởng ra sao?

 Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh hành pháp hôm 20-1. Ảnh: AFP

Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh hành pháp hôm 20-1. Ảnh: AFP

Vì sao ông Trump muốn đóng cửa Bộ Giáo dục Mỹ?

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với tạp chí Time, ông Trump nói rõ: "Chúng tôi muốn chuyển các trường học trở lại các tiểu bang". Khi được đề nghị làm rõ hơn về quan điểm này, ông Trump giải thích rằng đó sẽ là "việc đóng cửa" Bộ Giáo dục.

Về cơ bản, ông Trump cho rằng ý tưởng này là một động thái thông minh về mặt tài chính và sẽ mang lại lợi ích về mặt học thuật. "Chúng ta đứng cuối mọi bảng xếp hạng về giáo dục, và chúng ta đứng đầu danh sách về chi phí cho mỗi học sinh" – ông nói với Time.

Xét ở một góc độ nào đó, lập luận này của ông Trump cũng có một số căn cứ.

Luxembourg và Na Uy thường xếp hạng ở gần vị trí đầu trong bảng xếp hạng về chi tiêu cho giáo dục. Tuy nhiên, theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), tính theo trung bình, Mỹ chi tiêu nhiều hơn so với các quốc gia khác.

So với các cơ quan chính phủ khác, Bộ Giáo dục Mỹ là một cơ quan chính phủ tương đối nhỏ, chỉ có hơn 4.000 nhân viên và ngân sách hàng năm là 268 tỉ USD. Một phần lớn công việc của bộ này là giám sát 1.600 tỉ USD tiền vay liên bang cho sinh viên cũng như các khoản trợ cấp cho các trường trung học.

 Bà Linda McMahon – người được ông Trump đề cử làm Bộ trưởng Giáo dục Mỹ. Ảnh: GETTY IMAGES

Bà Linda McMahon – người được ông Trump đề cử làm Bộ trưởng Giáo dục Mỹ. Ảnh: GETTY IMAGES

Về kỹ năng học tập của học sinh, mặc dù Mỹ không nằm trong nhóm cuối bảng xếp hạng so với các quốc gia khác, nhưng gần đây, kết quả toán học từ Chương trình Đánh giá Học sinh Quốc tế (PISA) đã gây ra mối quan ngại đặc biệt cho nhiều người Mỹ.

Những học sinh 15 tuổi ở Mỹ tham gia bài kiểm tra PISA năm 2022 đạt điểm ở mức "trung bình", nhưng điểm số của các em lại thấp hơn so với các bạn cùng độ tuổi ở các quốc gia như Singapore, Trung Quốc, Canada, Úc và Anh.

Viễn cảnh không còn Bộ Giáo dục Mỹ

Dù đề xuất đóng cửa Bộ Giáo dục Mỹ vẫn còn trên mặt ý tưởng nhưng những tác động của ý tưởng này đã rõ ràng.

Viện Khoa học Giáo dục – bộ phận nghiên cứu của Bộ Giáo dục Mỹ – đã bị Bộ Hiệu suất Chính phủ Mỹ thu hẹp chức năng đáng kể.

Ngày 12-2, Hiệp hội Nghiên cứu Giáo dục Mỹ và Hội đồng Hiệp hội chuyên gia về Thống kê Liên bang cho biết 169 hợp đồng đã bị hủy, bao gồm một số hợp đồng liên quan đến việc thu thập và báo cáo số liệu thống kê về giáo dục.

Ông Sameer Gadkaree – Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của tổ chức phi lợi nhuận Viện Tiếp cận và Thành công Đại học – cho biết: "Chính sách công hợp lý đối với giáo dục phụ thuộc vào nghiên cứu mạnh mẽ và thu thập, cung cấp cơ bản dữ liệu về hiệu suất của tổ chức, kết quả học tập của sinh viên. Nếu không có những điều này, người Mỹ sẽ không biết gì về sự thay đổi trong nợ sinh viên, thành công của sinh viên và cách đầu tư tiền công quỹ để tăng hiệu quả".

Một số chuyên gia cho rằng việc giải thể Bộ Giáo dục có thể gây ra hậu quả kinh tế nghiêm trọng, theo đài CNBC.

“Hầu hết ngân sách của Bộ Giáo dục là tài trợ liên bang dành cho sinh viên đại học, trợ cấp cho các trường tiểu học, trung học có nhiều học sinh từ các gia đình thu nhập thấp và các chương trình giáo dục đặc biệt dành cho trẻ em có nhu cầu đặc biệt” – ông Brett House, GS kinh tế tại Trường Kinh doanh Columbia (Mỹ), cho biết.

“Mặc dù một số chương trình tài trợ của Bộ Giáo dục có thể được chuyển cho các cơ quan khác, nhưng không có gì đảm bảo rằng chúng sẽ được tiếp tục ở cùng quy mô hoặc tác động” – bà House cho biết.

Các chuyên gia cho biết ngay cả khi Bộ Giáo dục Mỹ không còn tồn tại nữa, một cơ quan khác của chính phủ có thể sẽ giữ nhiệm vụ phân phối quỹ hỗ trợ tài chính cho sinh viên.

 Tòa nhà Bộ Giáo dục Mỹ tại thủ đô Washington D.C. (Mỹ). Ảnh: GETTY IMAGES

Tòa nhà Bộ Giáo dục Mỹ tại thủ đô Washington D.C. (Mỹ). Ảnh: GETTY IMAGES

Một số chuyên gia suy đoán rằng Bộ Tài chính sẽ là cơ quan hợp lý để quản lý nợ của sinh viên trong trường hợp Bộ Giáo dục bị giải thể. Tuy nhiên, cựu Thứ trưởng Bộ Giáo dục Mỹ James Kvaal cho biết vẫn chưa chắc Bộ Tài chính có tập trung hỗ trợ sinh viên như Bộ Giáo dục đã làm hay không.

Theo bà Karen McCarthy - phó Chủ tịch chính sách công và quan hệ liên bang tại Hiệp hội Quản lý Viện trợ Tài chính Sinh viên Quốc gia Mỹ, không có cơ quan nào khác ngoài Bộ Giáo dục Mỹ có đủ khả năng phục vụ chương trình cho vay sinh viên trị giá 1.600 tỉ USD.

Bà McCarthy cho biết quá trình chuyển đổi cơ quan quản lý có khả năng gây bất ổn cho hàng triệu sinh viên đại học, cũng như hơn 42 triệu người đi vay nợ liên bang cho sinh viên.

KHOA ĐIỀM

Nguồn PLO: https://plo.vn/ong-trump-muon-dong-cua-ngay-lap-tuc-bo-giao-duc-ly-do-va-tac-dong-post834400.html
Zalo