Ông Trump đưa kênh đào Panama vào tầm ngắm
Tổng thống đắc cử Donald Trump không có cơ sở pháp lý quốc tế nào làm cơ sở cho ý định giành lại quyền kiểm soát kênh đào Panama
Tổng thống Panama Jose Raul Mulino hôm 22-12 phản ứng mạnh mẽ trước lời đe dọa của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump về ý định giành lại quyền kiểm soát kênh đào Panama.
Kênh đào Panama là tuyến đường thủy quan trọng đóng góp hàng tỉ USD cho nền kinh tế Panama hằng năm.
Với khoảng 14.000 tàu qua lại mỗi năm, chiếm 2,5% hoạt động giao thương đường biển toàn cầu, tuyến đường biển này còn đóng vai trò quan trọng đối với việc nhập khẩu ô tô, hàng hóa thương mại bằng tàu container từ châu Á vào Mỹ, cũng như xuất khẩu các mặt hàng từ Mỹ, bao gồm cả khí tự nhiên hóa lỏng.
Theo ông Donald Trump, đây cũng là con đường triển khai Hải quân Mỹ nhanh chóng từ Đại Tây Dương đến tận Thái Bình Dương.
Trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Jose Raul Mulino nhấn mạnh chủ quyền và độc lập của nước này là không thể thương lượng, đồng thời khẳng định tầm quan trọng của kênh đào Panama trong lịch sử đấu tranh của đất nước và là thành quả không thể đảo ngược.
Tổng thống Mulino khẳng định: "Mỗi mét vuông kênh đào Panama và các khu vực lân cận đều thuộc về Panama và sẽ tiếp tục như thế".
Kênh đào Panama nối Đại Tây Dương với Thái Bình Dương, phần lớn được Mỹ xây dựng từ đầu thế kỷ XX và giữ quyền kiểm soát nhiều thập kỷ sau đó.
Theo Reuters, đến năm 1977, Mỹ và Panama ký Hiệp ước Torrijos-Carter, mở đường cho kênh đào dần trở về với Panama. Năm 1999, Mỹ trao trả hoàn toàn quyền kiểm soát cho Panama sau một thời gian hai bên cùng quản lý kênh đào.
Cuối tuần rồi, ông Trump bày tỏ sự phẫn nộ trên mạng xã hội Truth Social và trong bài phát biểu tại Hội nghị AmericaFest về điều mà ông gọi là "chi phí cắt cổ" áp đặt lên tàu thuyền Mỹ đi qua kênh đào này, đồng thời cáo buộc Panama lợi dụng Mỹ.
Ông cũng tuyên bố sẽ không bao giờ để kênh đào Panama "rơi vào nhầm tay" khi cho rằng Trung Quốc đang kiểm soát tuyến đường này. Tổng thống đắc cử Mỹ tuyên bố kênh đào đã được trao cho Panama nhưng kèm theo các điều khoản.
"Nếu những nguyên tắc của cử chỉ hào hiệp này, về cả mặt đạo đức và pháp lý, không được tuân thủ thì Mỹ sẽ yêu cầu trả lại kênh đào Panama toàn bộ, nhanh chóng và không có gì phải thắc mắc" - ông Trump nói.
Đáp lại, Tổng thống Mulino tuyên bố chi phí qua lại kênh đào được ấn định công khai và minh bạch, có tính đến các điều kiện thị trường, cạnh tranh quốc tế, chi phí vận hành và nhu cầu bảo trì.
Ông nhấn mạnh kể từ khi kênh đào được Mỹ chuyển giao cho Panama vào ngày 31-12-1999, không có bất kỳ phản đối hay khiếu nại nào liên quan quyền kiểm soát của Panama. Ông nói Hiệp ước Torrijos-Carter cũng thiết lập tính trung lập vĩnh viễn của kênh đào, bảo đảm tất cả các quốc gia qua lại an toàn.
Ông Mulino đồng thời bác bỏ chuyện Trung Quốc, Liên minh châu Âu hoặc bất kỳ nước nào khác có quyền kiểm soát trực tiếp hoặc gián tiếp đối với kênh đào.
Theo Reuters, Trung Quốc không kiểm soát hay quản lý kênh đào Panama. Tuy nhiên, một công ty con của CK Hutchison Holdings có trụ sở tại Hồng Kông (Trung Quốc) từ lâu quản lý 2 cảng nằm ở lối vào Caribe và Thái Bình Dương của kênh đào này.
Reuters nhận định ông Trump không hề có cơ sở pháp lý quốc tế nào trong việc đòi lại kênh đào Panama.
Đây cũng không phải là lần đầu tiên ông Trump công khai nói đến việc mở rộng lãnh thổ. Trong những tuần gần đây, ông bị phía Canada phản ứng gay gắt khi nhiều lần gọi Canada là một bang của Mỹ. Trong nhiệm kỳ tổng thống 2017-2021, ông Trump bày tỏ ý định mua Greenland - vùng lãnh thổ tự trị thuộc Đan Mạch - và bị chính quyền Đan Mạch công khai từ chối.