Ông Trump dỡ trừng phạt Syria: Người mừng, kẻ lo
Việc Tổng thống Trump thông báo dỡ trừng phạt Syria đã tạo ra một cơ hội lớn cho Saudi Arabia, trong khi có thể mang lại thách thức tới Israel.
Ngày 13-5, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố dỡ các lệnh trừng phạt lâu năm của Mỹ đối với Syria “nhằm tạo cơ hội để Syria vươn tới sự vĩ đại”.
Sang ngày 14-5 tại Saudi Arabia diễn ra cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Tổng thống lâm thời Syria Ahmed al-Sharaa - cuộc gặp lịch sử giữa hai lãnh đạo Mỹ và Syria sau 25 năm.
Các chuyên gia cho rằng thái độ của ông Trump với Syria đã gửi thông điệp không chỉ đến Damascus mà còn các đồng minh của Mỹ trong khu vực.
Sự lạc quan cho Syria
Pháo hoa đã thắp sáng bầu trời tại một số TP lớn nhất của Syria sau khi ông Trump công bố việc dỡ trừng phạt Syria. Các bảng quảng cáo được dựng lên để cảm ơn ông Trump và Thái tử Saudi Arabia - ông Mohammed bin Salman.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) bắt tay Tổng thống lâm thời Syria Ahmed al-Sharaa tại Saudi Arabia ngày 14-5. Ảnh: AFP
“Tôi không biết cuộc sống sẽ thế nào nếu không có trừng phạt nữa” - bà Ranim Sakhal, một người dân Syria nói với đài CNN, cho biết bà đã sống dưới các lệnh trừng phạt từ khi sinh ra vào những năm 1970.
“Người dân đang rất lạc quan, và giấc mơ của chúng tôi là được các nước Ả Rập giúp đỡ – điều mà chúng tôi chưa thấy trong nhiều năm vì sự đối đầu giữa các chính quyền trước đây và các lãnh đạo Ả Rập” - bà Sakhal nói thêm.
Nền kinh tế Syria đã bị tê liệt trong nhiều năm do lệnh trừng phạt của phương Tây. Trong số những lệnh trừng phạt khắc nghiệt nhất là Đạo luật Caesar năm 2019 của Mỹ, áp đặt các lệnh trừng phạt rộng rãi hạn chế các cá nhân, công ty hoặc chính phủ Syria khỏi các hoạt động kinh tế. Đạo luật này khiến toàn bộ nền kinh tế Syria bị cô lập. Theo Ngân hàng Thế giới, nền kinh tế của Syria đã suy giảm hơn một nửa trong giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2020.
Các quốc gia vùng Vịnh rất muốn đầu tư vào Syria và hỗ trợ nền kinh tế của nước này nhưng lại cảnh giác với việc vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ. Động thái mới đây của ông Trump có khả năng sẽ xóa bỏ những rào cản như vậy, mở đường cho các khoản đầu tư có thể lên tới hàng tỉ USD.
Đồng tiền của Syria – đồng Lira – đã tăng giá nhanh chóng ngay sau khi ông Trump thông báo dỡ trừng phạt. Bộ trưởng Kinh tế và Thương mại Syria - ông Mohammad Nidal al-Shaar đã bật khóc khi phát biểu trực tiếp trên kênh Al Arabiya của Saudi Arabia, nhấn mạnh rằng Syria “giờ đây đang bước vào một giai đoạn mới”.
Cơ hội cho Saudi Arabia
Trong nhiều thập niên, các quốc gia Ả Rập vùng Vịnh đã bị gạt ra ngoài lề tại Syria, trong khi đối thủ của họ là Iran đã mở rộng ảnh hưởng tại Syria thông qua liên minh với chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.
Cuộc nội chiến kéo dài suốt hơn 10 năm ở Syria đã làm rạn nứt nghiêm trọng quan hệ giữa Damascus và hầu hết các nước Ả Rập, cuối cùng dẫn đến việc Syria bị trục xuất khỏi Liên đoàn Ả Rập.
Trong vài năm trở lại đây, các quốc gia vùng Vịnh bắt đầu hàn gắn quan hệ với chính quyền ông al-Assad và từng dẫn đầu nỗ lực phục hồi vị thế của ông, cho đến khi nhà lãnh đạo này bất ngờ bị lật đổ vào tháng 12-2024. Kể từ đó, Saudi Arabia và Qatar đã tăng cường thúc đẩy việc chính quyền mới của Syria tái hòa nhập vào cộng đồng quốc tế.
Ngoại trưởng Saudi Arabia - ông Faisal bin Farhan hôm 14-5 nói rằng Riyadh sẽ “đi đầu” trong công cuộc phục hồi kinh tế của Syria. Những nỗ lực này có thể giúp Saudi Arabia trở thành một nhân tố quan trọng tại Syria và mở rộng tầm ảnh hưởng tại đây lần đầu tiên.
“Syria sẽ không đơn độc. Saudi Arabia sẽ đi đầu trong hàng ngũ các quốc gia hỗ trợ sự thức tỉnh kinh tế đó. Syria cần một cú hích, và cú hích đó sẽ đến từ những người anh em trong khu vực” - ông bin Farhan nói.
Ông Hasan Alhasan - chuyên gia cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) - cho rằng Saudi Arabia đang theo đuổi “các lợi ích địa chiến lược ở Trung Đông” có thể đạt được thông qua việc ủng hộ chính quyền Syria hiện tại.
“Saudi Arabia muốn Syria ổn định. Họ nhận thấy rằng con đường duy nhất để đạt được sự ổn định là cung cấp cho chính quyền hiện tại các nguồn lực và công cụ kinh tế để đạt được một cái gọi là ‘chiến thắng’” - ông Alhasan nhận định.
Thách thức đối với Israel
Dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden, Mỹ và Saudi Arabia đã tiến rất gần đến một thỏa thuận toàn diện về an ninh và kinh tế, điều có thể dẫn đến việc bình thường hóa quan hệ giữa vương quốc Vùng Vịnh này và Israel.

Binh lính Israel hoạt động trên Núi Hermon, trên biên giới giữa Israel và Syria vào tháng 12-2024. Ảnh: LỰC LƯỢNG PHÒNG VỆ ISRAEL
Dù Tổng thống Trump bày tỏ mong muốn Saudi Arabia công nhận Israel, nhưng trong chuyến thăm Riyadh lần này, không có bất kỳ bước tiến nào hướng tới việc bình thường hóa quan hệ giữa hai bên.
Thay vào đó, tổng thống Mỹ tuyên bố sẽ thiết lập quan hệ với ông al-Sharaa. Động thái này đi ngược lại lập trường của Israel - quốc gia nhiều lần ném bom Syria và chiếm giữ thêm lãnh thổ của Syria kể từ khi chính quyền ông al-Assad sụp đổ.
Một quan chức Israel nói với CNN rằng khi Thủ tướng Israel - ông Benjamin Netanyahu gặp Tổng thống Trump tại Mỹ hồi tháng 4, ông Netanyahu đã yêu cầu ông Trump không dỡ bỏ các lệnh trừng phạt với Syria vì lo ngại điều đó sẽ dẫn đến một kịch bản tương tự như vụ tấn công ngày 7-10-2023 của nhóm vũ trang Hamas vào Israel.
Thủ tướng Netanyahu đã có lập trường cứng rắn với Tổng thống al-Sharaa và chính quyền mới ở Syria. Trong những ngày sau khi ông al-Assad bị lật đổ, ông Netanyahu ra lệnh cho lực lượng mặt đất tiến sâu vào Syria, mở một chiến dịch chưa từng có tiền lệ đẩy quân đội Israel tiến xa hơn bao giờ hết và chấm dứt tình trạng “hòa hoãn ngầm” kéo dài 50 năm với gia tộc ông al-Assad.
Sự leo thang nhanh chóng khiến lời cam kết ban đầu của Thủ tướng Netanyahu về việc sẽ “láng giềng thân thiện” với Syria mới trở nên vô nghĩa.
Hàng trăm cuộc không kích được tiến hành nhằm tiêu diệt tàn dư vũ khí của chính quyền ông al-Assad, đặc biệt là vũ khí hóa học, nhằm ngăn chúng rơi vào tay các nhóm vũ trang. Lực lượng Phòng vệ Israel cũng đã chiếm núi Hermon – đỉnh núi cao nhất Syria và là vị trí chiến lược trọng yếu nhìn ra Israel, Lebanon và Syria.