Ông Trump chọn Ảrập Xêút làm nơi đàm phán với Nga về Ukraine: Bước đi chiến lược
Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump chọn Ảrập Xêút làm địa điểm cho các cuộc đàm phán quan trọng với Nga về Ukraine được coi là bước đi chiến lược.
Các cuộc đàm phán song phương giữa Mỹ và Nga đã bắt đầu tại Ảrập Xêút vào ngày 18/2. Ngoại trưởng Marco Rubio cùng với các quan chức cấp cao khác của Mỹ đối thoại với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và các đại diện khác của Moscow tại Riyadh. Trọng tâm là chấm dứt cuộc xung đột Nga - Ukraine kéo dài gần 3 năm qua.

Các phái đoàn đàm phán của Mỹ (trái) và Nga gặp Ngoại trưởng Faisal bin Farhan Al Saud và cố vấn an ninh quốc gia Mosaad bin Mohammad Al-Aiban của Ảrập Xêút (giữa) tại Cung điện Diriyah ở Riyadh ngày 18/2. Ảnh: Pool/New York Times
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 17/2 cho biết, Ảrập Xêút được chọn làm điểm đến cho các cuộc đàm phán hòa bình về Ukraine vì "nhìn chung phù hợp" với cả Nga và Mỹ. Ông Peskov cũng ám chỉ đến khả năng diễn ra một hội nghị thượng đỉnh sau đó giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Mỹ tại Ảrập Xêút, nước có giao hảo với cả Moscow và Washington.
Tạp chí The Week cho biết, Tổng thống Mỹ Trump là người đầu tiên đề xuất chọn Ảrập Xêút. Ông đã nêu ý tưởng này với người đồng cấp Nga Vladimir Putin trong cuộc điện đàm giữa họ vào tuần trước.
Giới quan sát tin, việc ông Trump chọn Riyadh là một bước đi hợp lý và mang tính chiến lược. Một trong những yếu tố chính là cả ông Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin đều có mối quan hệ tốt đẹp với Thái tử Mohammed Bin Salman, nhà lãnh đạo trên thực tế của Ảrập Xêút. Một lí do quan trọng khác là mối quan hệ kinh doanh của Mỹ với Ảrập Xêút.
Chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của ông Trump trong nhiệm kỳ tổng thống Mỹ đầu tiên là tới Ảrập Xêút và bản chất giao dịch trong chính sách đối ngoại của ông có lợi hơn cho giới lãnh đạo hiện tại của quốc gia Trung Đông này.
Sau khi tuyên thệ nhậm chức tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 2 hồi tháng trước, cuộc gọi đầu tiên của ông Trump cho một nhà lãnh đạo nước ngoài là với ông Salman. Theo chính phủ Ảrập Xêút, thái tử đã cam kết đầu tư 600 tỷ USD vào Mỹ trong 4 năm.
Một số nhà phân tích lưu ý, việc chính quyền của ông Trump muốn tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình với Nga ở Trung Đông, thay vì châu Âu, đã khiến Anh và Liên minh châu Âu (EU) lo lắng. Họ e ngại bị gạt ra bên lề hoặc không có mấy vai trò trong những quyết định liên quan đến an ninh của Ukraine nói riêng và cả châu lục nói chung. Song, điều này lại thống nhất với các phát biểu gần đây của người đứng đầu Nhà Trắng và các quan chức hàng đầu Mỹ về việc các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ không tham gia quá trình thương lượng giữa Washington - Moscow.
Ngoài ra, việc Ảrập Xêút giành quyền đăng cai đàm phán Mỹ - Nga còn nhấn mạnh nước này đã tiến xa như thế nào về mặt ngoại giao. Theo BBC, chính quyền Riyadh đã tuyên bố sẽ theo đuổi những gì họ coi là vì lợi ích trước tiên và quan trọng nhất của mình - xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với các quốc gia được coi là đối thủ chính của Mỹ như Nga và Trung Quốc, dù vẫn duy trì vai trò là đồng minh then chốt của Washington ở Trung Đông.
Việc nhà báo lưu vong Khashoggi, cây bút bình luận của tờ Washington Post, bị giết dã man bên trong lãnh sự quán Ảrập Xêút ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ năm 2018 từng phủ bóng lên Ảrập Xêút và Thái tử Salman, người bị Mỹ cáo buộc đã ra lệnh thực hiện vụ ám sát này. Tuy nhiên, các tác động tiêu cực của vụ việc này trong quan hệ giữa Riyadh và Washington dường như đã tan biến.
Các chuyên gia nhận định, một trong những thành tựu đối ngoại ông Trump có thể muốn đạt được nhất là thỏa thuận hòa bình giữa Ảrập Xêút và Israel, đỉnh cao của Hiệp định Abraham do ông khởi xướng trong nhiệm kỳ đầu tiên. Tuy nhiên, cuộc xung đột Israel - Hamas ở Dải Gaza đã cản trở và có thể sẽ làm tăng cái giá phía Ảrập Xêút yêu cầu cho một thỏa thuận hòa bình như vậy.
Chính quyền Riyadh đã rất nhanh chóng bác bỏ hoàn toàn kế hoạch mới của ông Trump đối với Dải Gaza, vốn bao gồm việc di dời toàn bộ người Palestine và tái xây dựng vùng đất này thành một địa điểm nghỉ dưỡng. Ảrập Xêút cùng các quốc gia Ảrập khác cố gắng đưa ra một kế hoạch thay thế khả thi, trong đó người dân Gaza sẽ vẫn ở lại trong quá trình tái thiết vùng đất này và cuối cùng sẽ dẫn đến giải pháp 2 nhà nước Israel và Palestine cùng tồn tại cạnh nhau để chấm dứt cuộc xung đột.
Do đó, việc thuyết phục Ảrập Xêút ủng hộ kế hoạch của mình có thể cũng là ưu tiên trong các hoạt động đối ngoại của ông Trump hiện nay.