Ông Trump bị đạn hay mảnh đạn bắn trúng tai?

Trong khi phe Cộng hòa Mỹ khẳng định một viên đạn đã bắn trúng tai ông Trump trong vụ ám sát hụt hôm 13/7, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cho rằng cần điều tra thêm.

 Các quan chức điều tra vẫn chưa đưa ra kết luận về cách thức cựu Tổng thống Donald J. Trump bị thương trong vụ xả súng tại sự kiện vận động tranh cử ở Butler, Pennsylvania, hồi đầu tháng này. Ảnh: New York Times.

Các quan chức điều tra vẫn chưa đưa ra kết luận về cách thức cựu Tổng thống Donald J. Trump bị thương trong vụ xả súng tại sự kiện vận động tranh cử ở Butler, Pennsylvania, hồi đầu tháng này. Ảnh: New York Times.

Sau khi thoát chết trong vụ ám sát hụt tại Butler, bang Pennsylvania (Mỹ) hôm 13/7, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump - người bị thương ở tai - khẳng định ông đã bị một viên đạn bắn trúng.

Tuy nhiên, FBI không chắc chắn như vậy. Theo cơ quan điều tra liên bang Mỹ, họ sẽ cần phân tích các bằng chứng để có thể đưa ra kết luận.

New York Times dẫn nguồn tin từ FBI và một quan chức thực thi pháp luật liên bagn Mỹ cho biết FBI đang khám nghiệm hàng loạt mảnh kim loại vỡ gần hiện trường để xác định liệu có phải một viên đạn đã bắn trúng tai ông Trump hay không, hay vết thương đến từ nguyên nhân khác như mảnh kim loại.

FBI đã đề nghị được trao đổi với ông Trump trong quá trình điều tra nhằm hiểu thêm về vụ việc nói chung và vết thương của vị cựu tổng thống nói riêng, nguồn tin cho biết thêm.

Các nhân viên FBI “tiếp tục xem xét các chứng cử từ hiện trường, bao gồm mảnh đạn”, FBI tuyên bố. “Cuộc điều tra vẫn đang diễn ra”.

Vấn đề chính trị

Trong mắt các quan chức FBI, việc xác định đường đạn là điều quan trọng nhưng không phải ưu tiên hàng đầu lúc này. Họ quan tâm hơn tới động cơ của nghi phạm Thomas Crooks và khả năng người này có đồng phạm.

“Ưu tiên của FBI là điều tra liệu có ai giúp đỡ kẻ nổ súng hay không và loại bỏ tất cả mối nguy vẫn còn tồn tại”, ông Michael Harrigan, người từng phụ trách một đơn vị huấn luyện vũ khí của FBI tại bang Virginia, nói.

“Từ góc độ điều tra, việc biết được rằng điều gì đã xảy ra với tai của tổng thống không phải vấn đề quá quan trọng”, ông Harrigan nhận xét thêm.

Dù vậy, các chính trị gia có thể không đồng ý với thứ tự ưu tiên này. Sau khi tuyên bố chưa thể xác định thứ bắn trúng tai ông Trump là đạn hay mảnh đạn vào hôm 24/7, Giám đốc FBI Christopher Wray phải đối mặt với sự phản đối dữ dội của phe Cộng hòa.

“Thật sốc khi Christopher Wray không biết sự thật là gì. Đây có thể là chỉ dấu rõ ràng nhất về màn thể hiện của ông ấy trong công việc”, ông Steven Cheung, một người phát ngôn cho đội ngũ của ông Trump, tuyên bố.

“Chúng ta đều đã xem các video, chúng ta đều đã theo dõi phân tích, chúng ta đã nghe từ nhiều nguồn, từ nhiều góc độ rằng một viên đạn xuyên qua tai ông ấy”, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson nhận xét.

Trong một bài đăng trên mạng xã hội đêm 25/7, ông Trump cũng đích thân chỉ trích ông Wray. “Không có gì lạ khi tổ chức một thời lừng danh FBI đánh mất niềm tin của nước Mỹ”, ông Trump viết.

Theo ông Trump, hoàn toàn không có mảnh thủy tinh hay đạn mảnh. “Đáng tiếc là không có. Một viên đạn đã trúng tai tôi”.

Trong một tuyên bố, FBI khẳng định cơ quan trên có quan điểm “kiên định và rõ ràng rằng vụ nổ sung là nỗ lực ám sát cựu Tổng thống Donald Trump, khiến ông bị thương, khiến một người cha dũng cảm qua đời và nhiều nạn nhân khác bị thương”.

 Ông Trump và các nhân viên Mật vụ Mỹ ngay sau vụ ám sát hụt. Ảnh: New York Times.

Ông Trump và các nhân viên Mật vụ Mỹ ngay sau vụ ám sát hụt. Ảnh: New York Times.

Câu hỏi kỹ thuật phức tạp

Đạn của súng AR-15 - loại súng được sử dụng trong vụ ám sát hụt - tương đối dễ vỡ ra sau khi đâm vào một vật cứng, dù vật này có kích thước nhỏ. Các chuyên gia về súng cho rằng hoàn toàn có khả năng một mảnh đạn đã va vào một cây cọc cứng.

Dù vậy, các điều tra viên cũng không loại trừ khả năng một viên đạn đâm trúng tai ông Trump. FBI phát hiện tổng cộng 8 vỏ đạn trên mái nhà nơi nghi phạm nổ súng.

Chưa rõ các điều tra viên đã loại bỏ các nguồn gây sát thương khác hay chưa. Tuy nhiên, theo New York Times, các nhà phân tích của FBI dường như nghiêng về khả năng mảnh kim loại gây ra vết thương - thay vì thủy tinh vỡ bắn ra từ máy nhắc chữ cạnh đó. Các hình ảnh từ hiện trường cho thấy chiếc máy nhắc chữ dường như vẫn còn nguyên vẹn sau loạt đạn.

FBI cũng đang nghiên cứu các hình ảnh và bằng chứng khác để tìm kiếm manh mối. Theo các chuyên gia súng đạn, FBI cũng có thể dựa vào phân tích quỹ đạo đạn - xem xét mối tương quan giữa các viên đạn và vết thương của ông Trump.

Nếu may mắn, FBI cũng có thể tìm thấy ADN của ông Trump trong một mảnh đạn. Tuy vậy, kể cả khi đó, FBI vẫn chưa thể chắc chắn rằng thứ đâm vào tai ông Trump là cả viên đạn hay chỉ mảnh đạn.

Một kịch bản khác mà các điều tra viên có thể xem xét là chính tai của ông Trump đã khiến viên đạn vỡ mảnh.

“Đối với một viên đạn bay với vận tốc 3.200 foot/giây (khoảng 975 m/s) là nó rất dễ vỡ khi va vào một bề mặt trước khi tới mục tiêu”, ông Harrigan chỉ ra. “Do đạn đã vỡ mảnh, khó có thể chắc chắn rằng điều gì đã xảy ra”.

Video hiện trường vụ tiêu diệt nghi phạm ám sát hụt ông Trump Video từ camera bodycam mới được công bố hôm 23/7 cho thấy cảnh sát địa phương và nhân viên mật vụ Mỹ đứng trên mái nhà, hiện trường vụ tiêu diệt tay súng ám sát hụt ông Trump.

Việt Hà

Nguồn Znews: https://znews.vn/ong-trump-bi-dan-hay-manh-dan-ban-trung-tai-post1488502.html
Zalo