Ông Trump - bà Harris: Chính sách đối nội tương phản đến đâu?

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024 mang đến cho cử tri lựa chọn giữa hai ứng viên có những quan điểm chính sách tương phản, nhất là về đối nội.

Về chính sách kinh tế, cả Phó Tổng thống Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump đều đưa ra nhiều lời hứa. Một số là các cam kết mơ hồ, còn một số khác được hỗ trợ bởi các chính sách chi tiết với mức chi phí khổng lồ.

Một phân tích mới của Ủy ban Trách nhiệm ngân sách liên bang (CRFB) chỉ ra rằng các đề xuất của cả ông Trump và bà Harris đều sẽ khiến nợ quốc gia tăng trong thập kỷ tới. Tuy nhiên, mức tăng từ đề xuất của ông Trump cao hơn bà Harris.

Bài toán thâm hụt ngân sách

Báo cáo của CRFB, một tổ chức phi lợi nhuận tập trung vào các vấn đề tài chính, đã đưa ra một loạt ước tính do thiếu thông tin chi tiết về các đề xuất của mỗi ứng viên.

"Người nào thắng cử tổng thống năm 2024 sẽ phải đối mặt với tình hình tài chính chưa từng có khi nhậm chức" - CRFB cảnh báo.

CRFB đã đưa ra một loạt ước tính chi phí trong phân tích của mình do thiếu chi tiết. Họ nhận thấy các biện pháp của Harris có thể không tác động đáng kể đến nợ công hoặc có thể làm tăng nợ lên 8,1 ngàn tỉ USD. Trong khi đó, các đề xuất của Trump có thể làm tăng nợ công từ 1,5 đến 15,2 ngàn tỉ USD.

Màn hình chiếu cuộc tranh luận của hai ứng viên Donald Trump và Kamala Harris tại TP Fayetteville, bang Bắc Carolina hôm 10-9. Ảnh: Bloomberg

Màn hình chiếu cuộc tranh luận của hai ứng viên Donald Trump và Kamala Harris tại TP Fayetteville, bang Bắc Carolina hôm 10-9. Ảnh: Bloomberg

Kế hoạch của ông Trump

Phần lớn chi phí trong các đề xuất của ông Trump xuất phát từ kế hoạch gia hạn các khoản cắt giảm thuế trong Đạo luật Cắt giảm Thuế và Việc làm năm 2017.

CRFB ước tính kế hoạch này sẽ khiến nợ quốc gia, hiện ở mức gần 36 ngàn tỉ USD, tăng thêm hơn 5 ngàn tỉ USD trong vòng một thập kỷ. Ngoài ra, kế hoạch loại bỏ thuế đối với giờ làm thêm, tiền boa và phúc lợi an sinh xã hội sẽ tiêu tốn thêm 3,6 ngàn tỉ USD, theo ước tính của CRFB. Việc tiến hành trục xuất hàng loạt người nhập cư không có giấy tờ sẽ khiến nợ quốc gia tăng thêm 350 tỉ USD.

Ông Trump, ứng viên tổng thống Đảng Cộng hòa, lập luận rằng các khoản thuế quan đối với hàng nhập khẩu vào Mỹ sẽ bù đắp cho các khoản cắt giảm thuế.

CRFB ước tính rằng biện pháp thuế quan này sẽ mang lại từ 2-4,3 ngàn tỉ USD trong vòng 10 năm, không đủ để trang trải cho chương trình nghị sự của ông Trump.

Một tấm biển hiển thị nợ của Mỹ gần đây. Ảnh: pgpf.org

Một tấm biển hiển thị nợ của Mỹ gần đây. Ảnh: pgpf.org

Một số nhà kinh tế cũng cho rằng các khoản thuế quan ông Trump đề xuất đối với hàng hóa từ Trung Quốc và các đối tác thương mại khác sẽ làm tăng giá đối với người tiêu dùng. "Thuế quan là thuế đánh vào hàng nhập khẩu, vì vậy thay vì giảm lạm phát, chúng có thể làm tình hình tồi tệ hơn" - ông David Ortega, chuyên gia tại Đại học bang Michigan, nhận định với đài CBS News.

Kế hoạch của bà Harris

Trong khi đó, đề xuất của bà Harris sẽ tăng nợ quốc gia thêm 3 ngàn tỉ USD bằng cách gia hạn cắt giảm thuế cho người có thu nhập dưới 400.000 USD mỗi năm và thêm 1,4 ngàn tỉ USD bằng cách mở rộng tín dụng thuế trẻ em và tín dụng thuế thu nhập, theo CRFB.

Chiến dịch tranh cử của ứng viên tổng thống Đảng Dân chủ cho biết các kế hoạch này sẽ tốn ít hơn nhiều.

Ngoài ra, bà Harris còn đưa ra một loạt đề xuất về hỗ trợ nhà ở giá rẻ, các nhà sản xuất và doanh nghiệp nhỏ; loại bỏ thuế đối với tiền bo; cải thiện an ninh biên giới; tăng cường giáo dục cũng như nền kinh tế chăm sóc. Theo CRFB, những đề xuất này sẽ tiêu tốn tổng cộng 2,3 ngàn tỉ USD.

Bà Harris sẽ bù đắp một phần chi phí của chương trình nghị sự của mình bằng cách tăng thuế doanh nghiệp và thuế lợi nhuận vốn lên 28%, cũng như tăng các loại thuế khác đối với người giàu và các tập đoàn lớn.

Cứng rắn hơn về chính sách nhập cư

Khung cảnh tại biên giới quốc tế phân cách TP El Paso, bang Texas - Mỹ và TP Ciudad Juarez, bang Chihuahua - Mexico. Ảnh Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ

Khung cảnh tại biên giới quốc tế phân cách TP El Paso, bang Texas - Mỹ và TP Ciudad Juarez, bang Chihuahua - Mexico. Ảnh Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ

Bên cạnh kinh tế, vấn đề nhập cư và an ninh biên giới tiếp tục là một trong những vấn đề được cử tri Mỹ quan tâm nhiều nhất.

Cũng như 2 lần tranh cử trước, ông Trump tiếp tục xem nội dung này là trọng tâm trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay. Khi còn là tổng thống, ông Trump đã thực hiện các chính sách quy mô lớn nhằm chống lại tình trạng nhập cư bất hợp pháp và giảm bớt nhập cư hợp pháp. Ông sử dụng quyền lực rộng lớn của chính phủ liên bang, bao gồm áp lực ngoại giao và cưỡng chế, để theo đuổi chương trình nghị sự này.

Nếu tái đắc cử, ứng viên này hứa sẽ "chấm dứt mọi chính sách biên giới mở của chính quyền Tổng thống Biden. Ông Trump cũng cam kết sẽ "khôi phục tất cả các chính sách trước đây của mình" và có một số bước đi bổ sung.

Cũng như chính quyền Tổng thống Biden trong năm nay, bà Harris cũng chuyển hướng sang lập trưởng cứng rắn hơn đối với vấn đề nhập cư, chấp nhận các hạn chế đối với việc xin tị nạn và ủng hộ tăng cường an ninh biên giới.

Số lượng người di cư đến Mỹ đạt mức cao kỷ lục vào cuối năm 2023. Dù vậy, với các chính sách mới được ban hành theo sắc lệnh hành pháp hồi tháng 6-2024, số lượng người di cư đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi ông Biden nhậm chức.

Trong cuộc tranh luận tổng thống hồi tháng 9, bà Harris nêu bật kinh nghiệm của mình khi còn là Tổng Chưởng lý bang California trong việc truy tố tội phạm xuyên biên giới, như buôn bán ma túy và buôn người, để cho thấy sự khác biệt so với đối thủ.

Trong các phát biểu về vấn đề nhập cư, Phó Tổng thống Harris chủ yếu nhấn mạnh cam kết ký ban hành dự luật về thỏa thuận an ninh biên giới được một số thượng nghị sĩ nhất trí hồi đầu năm nay. Nếu được thông qua, dự luật này sẽ là sự thay đổi lớn nhất trong luật nhập cư của Mỹ trong nhiều năm qua.

Cụ thể, dự luật sẽ cho phép tuyển thêm hàng ngàn nhân viên tuần tra biên giới và nhân viên xét duyệt tị nạn, cho phép tổng thống đóng cửa biên giới nếu số lượng người vượt biên bất hợp pháp đạt đến một ngưỡng nhất định, và nâng cao tiêu chuẩn để có thể xin tị nạn...

Tuy nhiên, thỏa thuận này chưa được thông qua tại Thượng viện. Sau khi ông Trump tỏ thái độ không hài lòng, các thành viên Đảng Cộng hòa tại Hạ viện đã rút lại sự ủng hộ đối với dự luật và phe Cộng hòa tại Thượng viện cũng làm theo.

Nguồn: CNN - Việt hóa: Phương Võ - Thanh Long

Nguồn: CNN - Việt hóa: Phương Võ - Thanh Long

Dù người nào chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng, chính quyền tiếp theo sẽ phải đối mặt với số phận của Chương trình Hành động Hoãn thi hành đối với Trẻ em nhập cư trái phép (DACA), bảo vệ hơn nửa triệu người nhập cư không có giấy tờ hợp pháp được đưa vào Mỹ khi còn nhỏ.

Một thách thức pháp lý từ bang Texas đang đe dọa tính hợp pháp của chương trình này, và vụ việc có thể sẽ được đưa lên Tòa án Tối cao.

Viện nghiên cứu Hoàng gia Elcano (Tây Ban Nha) nhận định hai ứng viên dù có nhiều khác biệt nhưng đều có quan điểm cứng rắn hơn so với trước đối với dòng người di cư đến Mỹ, cũng như chia sẻ quan điểm cần phải tăng cường an ninh biên giới và cải cách hệ thống tị nạn.

Hoàng Phương

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ong-trump-ba-harris-chinh-sach-doi-noi-tuong-phan-den-dau-196241012095245727.htm
Zalo