Ông Trịnh Văn Quyết lôi kéo hàng loạt người thân cùng phạm tội
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định ông Trịnh Văn Quyết, cựu chủ tịch Tập đoàn FLC, đã lôi kéo, tác động những người thân trong gia đình, bạn bè thực hiện hành vi phạm tội.
Liên quan vụ thao túng chứng khoán FLC, CQĐT đề nghị truy tố ông Quyết về tội thao túng thị trường chứng khoán và tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cùng bị đề nghị truy tố về hai tội này còn có hai em gái ông Quyết là bà Trịnh Thị Minh Huế, cựu kế toán Tập đoàn FLC và bà Trịnh Thị Thúy Nga, cựu phó tổng giám đốc Công ty chứng khoán BOS.
Công an khám xét nơi làm việc của ông Trịnh Văn Quyết vào tháng 3-2022. Ảnh: MINH TRÚC
Theo kết luận điều tra, bà Huế là kế toán tổng hợp của Tập đoàn FLC, có trình độ hiểu biết về lĩnh vực tài chính kế toán, chứng khoán. Bà Huế đã thực hiện chỉ đạo trái pháp luật của ông Quyết như nâng khống vốn điều lệ để bán cổ phần Công ty Xây dựng Faros, thao túng giá chứng khoán để thu lời bất chính.
Ở hành vi thao túng chứng khoán, bà Huế mượn chứng minh nhân dân của 45 cá nhân, thành lập đứng tên 20 doanh nghiệp, mở 500 tài khoản chứng khoán.
Để thao túng giá cổ phiếu, bà Huế sử dụng các tài khoản chứng khoán này để đặt lệnh mua bán, khớp chéo, hủy lệnh có khối lượng lớn với 5 mã chứng khoán AMD, HAI, GAB, ART, FLC trong 562 phiên giao dịch.
Khi giá cổ phiếu tăng, theo chỉ đạo của ông Quyết, bà Huế bán ra giúp ông Quyết thu lời bất chính 723 tỉ đồng.
Ở hành vi lừa đảo, bà Huế nhờ người thân, nhân viên FLC đứng tên cổ đông ở Công ty Faros, ký khống các chứng từ để bà Huế làm thủ tục nộp tiền vào, rút tiền ra rồi nộp lại… nhiều lần quay vòng dòng tiền. Từ đó, giúp tăng vốn điều lệ Công ty Faros từ 1,5 tỉ đồng lên 4.300 tỉ đồng.
Tại CQĐT, ban đầu bà Huế khai nhận hành vi phạm tội là thực hiện theo chỉ đạo ông Quyết nhưng đến nay bà Huế chỉ nhận bản thân tự thực hiện hành vi phạm tội.
Bị can Trịnh Thị Thúy Nga là thành viên HĐQT, phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán BOS, đã cấp hạn mức khống trái quy định cho nhóm tài khoản bà Huế mở theo chỉ đạo của ông Quyết. Bà Nga đã chỉ đạo cấp dưới cấp hạn mức 1.568 lần cho nhóm 79 tài khoản này tạo điều kiện để bà Huế thực hiện các lệnh mua bán thao túng giá chứng khoán.
Khi Công ty Faros nâng khống vốn điều lệ, bà Nga đứng đến đại diện pháp luật Công ty Huy Hoàng ký 6 hợp đồng nhận ủy thác đầu tư khống để che giấu việc rút tiền. Bà Nga còn nhờ nhân dân dưới quyền ký khống các hợp đồng nhận tiền ủy thác đầu tư.
Ngoài hai người em gái, trong vụ án này, nhiều bị can khác cũng là người thân của ông Quyết. Họ bị đề nghị truy tố tội thao túng thị trường chứng khoán.
Đó là các bị cáo Trịnh Văn Đại (anh họ ông Quyết), Nguyễn Văn Mạnh (em rể), Trịnh Văn Nam (cháu họ, con trai ông Đại, nhân viên Công ty Hàng không Tre Việt), Trịnh Thị Thanh Huyền (chị họ, nhân viên Công ty Đầu tư và phát triển FLC), Nguyễn Thị Hồng Dung (họ hàng với ông Quyết), Trịnh Tuân (cháu họ, trưởng phòng Vật tư Công ty TNHH FLC Land), Nguyễn Thị Nga (cháu họ, nhân viên kế toán Tập đoàn FLC), Hoàng Thị Huệ (cháu họ, chuyên viên Công ty Thương mại và dịch vụ số FLC), Đỗ Thị Huyền Trang (cháu họ, nhân viên kế toán Tập đoàn FLC).
Những người này đã cho bà Huế mượn giấy tờ cá nhân, ký các giấy tờ, tài liệu liên quan để thành lập hoặc đứng tên người đại diện các công ty; ký các thủ tục đăng ký mở và quản lý sử dụng các tài khoản chứng khoán, tài khoản ngân hàng liên kết với tài khoản chứng khoán để bà Huế dùng để thao túng thị trường chứng khoán với các mã chứng khoán thuộc nhóm FLC, thu lợi bất chính.
Hành vi của các bị can trên được xác định là đồng phạm với bà Huế và ông Trịnh Văn Quyết ở tội thao túng thị trường chứng khoán.
Theo Kết luận điều tra, các bị can này thành khẩn khai báo về một phần hành vi phạm tội của mình; chưa thành khẩn khai báo hết về hành vi phạm tội của đồng phạm, gây khó khăn cho công tác điều tra. Nguyên nhân vi phạm do họ là người thân trong gia đình ông Trịnh Văn Quyết. Họ không được hưởng lợi từ hành vi trái pháp luật, chỉ được hưởng lương.