Ông Trần Thăng Long: Nhóm ngành tiềm năng nào đón đầu… 'nâng hạng'

Với dự báo Việt Nam có thể được nâng hạng lên thị trường mới nổi vào năm 2025, các nhóm ngành chủ chốt như chứng khoán, ngân hàng, công nghệ, tiêu dùng và logistics đang chuẩn bị đón sóng đầu tư mạnh mẽ. Đây được đánh giá là thời điểm 'vàng' cho các nhà đầu tư tận dụng các cơ hội bứt phá trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam ngày càng sôi động và phát triển.

Ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích Công ty CP Chứng khoán BIDV (BSC)

Ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích Công ty CP Chứng khoán BIDV (BSC)

Theo số liệu từ Bộ Tài chính, chỉ số VN-Index đã tăng 13,9% trong 9 tháng đầu năm 2024, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu cũng tăng 19% so với cuối năm 2023. Những con số này cho thấy sự hồi phục mạnh mẽ của thị trường sau một giai đoạn trầm lắng do ảnh hưởng của dịch bệnh. Đặc biệt, trong kỳ đánh giá vừa qua của FTSE Russell, Việt Nam tiếp tục được ghi nhận trong danh sách theo dõi nâng hạng với triển vọng đạt được tiêu chí nâng hạng vào năm 2025 nếu duy trì tốc độ cải cách hiện tại. Việc này đồng nghĩa với việc gia tăng sức hút đầu tư và đẩy mạnh thanh khoản của thị trường, hứa hẹn một “thời điểm vàng” cho các nhà đầu tư đón đầu sóng nâng hạng.

Ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích Công ty CP Chứng khoán BIDV (BSC), đánh giá đây là cơ hội lớn cho thị trường Việt Nam. Ông nhận định: “Những kỳ review gần nhất vào tháng 3/2025 và quan trọng hơn là vào tháng 9/2025 sẽ là cơ hội lớn đối với thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng thành thị trường mới nổi theo tiêu chí của FTSE”. Các nhà đầu tư kỳ vọng vào những sự thay đổi và phát triển tích cực của thị trường trong thời gian tới.

Về đặc điểm thị trường trước và sau khi công bố nâng hạng, BSC đã tiến hành phân tích các thị trường khác như Trung Quốc, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống nhất, và Qatar – những quốc gia đã được FTSE Russell nâng hạng trước đây. Thực tế cho thấy, thị trường chứng khoán thường sôi động trước thời điểm công bố chính thức, khi thanh khoản tăng cao và xu hướng mua ròng từ các nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu từ rất sớm.

“Không phải đến khi FTSE Russell công bố quyết định, thị trường chứng khoán mới có sự thay đổi, mà thường thị trường sẽ sôi động từ trước đó, thậm chí là cả năm”, ông Trần Thăng Long chia sẻ.

Đối với Việt Nam, quá trình nâng hạng đã được theo dõi từ năm 2018 nên nhiều nhà đầu tư cũng đã nắm bắt được thông tin này. Do vậy, thời gian tới, đặc biệt là cuối năm 2024 và đầu 2025, thanh khoản của thị trường có thể tăng trưởng mạnh, phản ánh sự lạc quan về khả năng nâng hạng. Điều này tạo cơ hội lớn cho các nhà đầu tư, nhất là khi nền kinh tế Việt Nam đã dần phục hồi sau giai đoạn khó khăn.

Về tác động của bối cảnh kinh tế và chính sách hỗ trợ, ông Long cho biết, trong bối cảnh kinh tế hiện nay, Việt Nam đang có những dấu hiệu phục hồi tích cực. GDP tăng trưởng đáng kể trong các quý gần đây, và các ngành bán lẻ, du lịch, xuất khẩu đều có mức tăng trưởng ấn tượng. Chính phủ cũng đang áp dụng các chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Ông Trần Thăng Long nhận định, các chính sách tài khóa và tiền tệ của Việt Nam hiện vẫn theo hướng hỗ trợ tăng trưởng, phù hợp với bối cảnh chuẩn bị nâng hạng lên thị trường mới nổi.

Với đà phát triển của nền kinh tế, việc nâng hạng không chỉ là một tín hiệu tích cực về mặt tâm lý mà còn có ý nghĩa lớn về mặt đầu tư khi quy mô và thanh khoản của thị trường Việt Nam được cải thiện đáng kể, tiệm cận với các tiêu chuẩn của thị trường mới nổi.

Để tận dụng cơ hội nâng hạng, các thành viên trên thị trường cần có những bước chuẩn bị cụ thể. Ông Trần Thăng Long nhấn cho rằng, đây là giai đoạn quan trọng cho các cơ quan quản lý và các doanh nghiệp. Đối với cơ quan quản lý, đây là thời điểm để rà soát và cân nhắc lại những chính sách hỗ trợ nhà đầu tư nước ngoài, minh bạch hóa thị trường và tạo điều kiện bình đẳng trong tiếp cận thông tin.

Đối với các công ty chứng khoán và quản lý quỹ, đây là cơ hội để nâng cấp nền tảng kỹ thuật và đảm bảo khả năng cung cấp dịch vụ trong bối cảnh quy mô thị trường có thể bùng nổ. Các doanh nghiệp lớn cũng cần chuẩn bị sẵn sàng đón nhận các cổ đông chiến lược và nâng cao khả năng huy động vốn, vì việc nâng hạng có thể mang đến các cơ hội huy động vốn quy mô lớn hơn từ các quỹ đầu tư nước ngoài.

Cũng theo ông Long, với triển vọng nâng hạng, các nhóm ngành như chứng khoán, ngân hàng, công nghệ, tiêu dùng và logistics sẽ là những điểm sáng tiềm năng cho các nhà đầu tư.

“Việc nâng hạng là một “gia vị” giúp gia tăng sự hấp dẫn của thị trường, nhưng yếu tố quyết định vẫn là sự phát triển của các ngành kinh tế có tiềm năng tăng trưởng dài hạn”, ông Long nhận định và cho rằng, các quỹ đầu tư nước ngoài thường ưu tiên các cổ phiếu có vốn hóa lớn và thanh khoản cao, trong đó các cổ phiếu thuộc VN30 là những lựa chọn phổ biến. Ngoài ra, các ngành tăng trưởng dài hạn tại Việt Nam như chứng khoán, ngân hàng, công nghệ thông tin, tiêu dùng bán lẻ và logistics sẽ tiếp tục là các điểm đến hấp dẫn cho dòng vốn quốc tế.

“Các ngành này không chỉ có tiềm năng phát triển bền vững mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng của thị trường Việt Nam. Việc cải thiện chất lượng quản trị doanh nghiệp, đa dạng hóa sản phẩm tài chính, và tạo điều kiện tiếp cận thông tin minh bạch là những yếu tố cần thiết để đảm bảo sự ổn định và phát triển của thị trường sau khi nâng hạng”, ông Long nhấn mạnh.

Về các thách thức và cơ hội trong việc duy trì vị thế sau nâng hạng, ông Long cho rằng, việc nâng hạng là bước khởi đầu cho những cơ hội lớn, nhưng cũng đòi hỏi sự nỗ lực liên tục từ các thành viên thị trường. Ông Trần Thăng Long lưu ý rằng: “Có những trường hợp quốc gia sau khi nâng hạng một thời gian không đáp ứng được các tiêu chí và bị chuyển xuống thị trường cận biên, gây tác động tiêu cực đến thị trường đó. Vì vậy, Việt Nam cần duy trì các tiêu chuẩn thị trường và đảm bảo sự phát triển bền vững để giữ vững vị thế”.

Các chuyên gia chứng khoán cũng cho rằng, nâng hạng không chỉ là bước tiến về mặt danh nghĩa mà còn là động lực thúc đẩy Việt Nam tiếp tục cải thiện hệ thống tài chính, củng cố chất lượng thị trường và hấp dẫn nhiều dòng vốn hơn từ các quỹ đầu tư quốc tế. Đây là cơ hội để thị trường Việt Nam bứt phá, không chỉ trên phương diện quy mô mà còn về chất lượng quản trị, phát triển bền vững và khả năng cạnh tranh quốc tế.

Trần Hương

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/ong-tran-thang-long-nhom-nganh-tiem-nang-nao-don-dau-nang-hang-156719.html
Zalo