Ông Trần Đình Long mất 2.000 tỷ trong ngày cổ phiếu HPG lao dốc
Cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát giảm 4,7%, mức thiệt hại cao nhất 6 tháng, xuống 25.400 đồng/đơn vị. Đà điều chỉnh khiến tài sản của Chủ tịch Trần Đình Long giảm 2.000 tỷ đồng.
![Tài sản của Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long giảm hơn 2.000 tỷ đồng. Ảnh: Việt Hùng.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_119_51441358/c3fe05573119d8478108.jpg)
Tài sản của Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long giảm hơn 2.000 tỷ đồng. Ảnh: Việt Hùng.
Sau tuần giao dịch đầy hứng khởi với 4 phiên tăng liên tiếp, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng VN-Index có thể thử thách mốc kháng cự mạnh 1.300 điểm trong tuần này. Tuy nhiên, kịch bản diễn ra theo cách ít người ngờ tới nhất.
Trước một số tin tức không mấy có lợi cho ngành thép và doanh nghiệp xuất khẩu, nhiều cổ phiếu lớn bị bán mạnh và khiến VN-Index lao dốc dữ dội. Bất chấp sự hỗ trợ ở một số cổ phiếu tài chính - ngân hàng, chỉ số chính vẫn không thể “gượng dậy” trước áp lực nguồn cung và thậm chí giảm sâu hơn vào ca chiều.
Kết phiên, VN-Index giảm 11,94 điểm (-0,94%) xuống 1.263,26 điểm; HNX-Index giảm 1,52 điểm (-0,66%) xuống 227,97 điểm; UPCoM-Index giảm 0,6 điểm (-0,62%) xuống 96,63 điểm.
Thanh khoản trên cả 3 sàn tăng vọt lên hơn 21.000 tỷ đồng, chủ yếu nhờ sự thúc đẩy của cả phe bán lẫn dòng tiền “bắt đáy”.
Dẫu vậy, bảng điện tử vẫn thấm đẫm sắc đỏ với 502 mã giảm (gồm 13 mã giảm sàn), 791 mã đứng giá và 314 mã tăng (gồm 44 mã tăng trần).
Sắc đỏ cũng áp đảo ở rổ cổ phiếu vốn hóa lớn VN30. Chứng kiến 16 mã tăng, 5 mã giữ tham chiếu và 9 mã tăng, chỉ số đại diện rổ này giảm gần 10 điểm xuống mốc 1.330 điểm.
![Nhịp điều chỉnh đã xóa đi thành quả của VN-Index vào tuần trước. Ảnh: TradingView.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_119_51441358/2844efeddba332fd6bb2.jpg)
Nhịp điều chỉnh đã xóa đi thành quả của VN-Index vào tuần trước. Ảnh: TradingView.
Với biên độ giảm 4,7%, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát dẫn đầu nhóm kéo chỉ số bên cạnh FPT (-2,8%), VCB (-0,9%), VHM (-2,5%), CTG (-1,2%), VIC (-1,6%), GVR (-2%), MWG (-2,6%), HVN (-3,1%) và DGC (-3,2%).
Đối với HPG, đây là phiên điều chỉnh mạnh nhất trong vòng 6 tháng qua. Việc rơi xuống mốc 25.400 đồng/đơn vị cũng đưa thị giá HPG xuống vùng thấp nhất kể từ cuối tháng 10/2024, “thổi bay” khoảng 8.000 tỷ đồng giá trị vốn hóa.
Với hơn 1,65 tỷ cổ phiếu HPG sở hữu trực tiếp, giá trị tài sản của Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long đã giảm hơn 2.000 tỷ đồng xuống gần 42.000 tỷ đồng sau phiên hôm nay.
Trong khi đó, bà Vũ Thị Hiền, vợ ông Long, cũng chịu thiệt hại 550 tỷ đồng. Tổng giá trị lượng cổ phiếu mà bà nắm giữ qua đó thu hẹp xuống 11.180 tỷ đồng.
Diễn biến tiêu cực của cổ phiếu HPG xuất hiện sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế mới 25% đối với tất cả mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu vào quốc gia này hôm 9/2.
Trước đó 2 ngày, Tổng thống Trump cũng tuyên bố sẽ áp thuế quan "có qua có lại" với nhiều nước, tức áp thuế hàng nhập khẩu vào Mỹ ngang bằng mức thuế mà các đối tác thương mại đang áp dụng với hàng hóa Mỹ.
Ông không nêu tên các quốc gia, nhưng khẳng định rằng các khoản thuế sẽ được áp dụng để Mỹ "được đối xử bình đẳng với các quốc gia khác".
Tương tự HPG, nhiều cổ phiếu ngành thép nói riêng và nguyên vật liệu nói chung cũng lao dốc sau phát biểu của ông Trump, điển hình như HSG (-4,5%), NKG (-3,6%), VGS (-4,2%), SMC (-6,8%), GDA (-4,7%).
Cổ phiếu của nhóm vận tải hàng hóa cũng diễn biến không mấy tích cực, chẳng hạn như VTP (giảm sàn), HAH (-3,5%), VSC (-3%), SCS (-2,9%), HVN (-3%), GMD (-1,4%), PHP (-9%).
Ngược lại, chỉ số ít cổ phiếu trụ giữ được nhịp tăng, bao gồm STB (+2,7%), MSN (+1,6%), BCM (+1,3%), MBB (+0,7%), PLX (+1,4%), BVH (+1,5%), TPB (+1,2%), ACB (+0,4%), NAB (+1,5%) hay PGI (tăng trần)...
Điểm tích cực là khối ngoại thu hẹp quy mô bán ròng xuống 425 tỷ đồng, chủ yếu bán HPG (-194 tỷ đồng), MWG (-117 tỷ đồng), VCB (-74 tỷ đồng), CTG (-55 tỷ đồng).
Chiều ngược lại, tiền ngoại đẩy mạnh giải ngân vào STB (+111 tỷ đồng), MSN (+83 tỷ đồng), OCB (+58 tỷ đồng).