Ông tổ của hệ thống tình báo quốc tế
Trong thời đại chưa có điện tín và điện thoại, gia tộc Rothschild đã đi tiên phong trong việc sử dụng chim bồ câu để truyền dữ liệu trên thị trường tài chính cũng như các lệnh giao dịch.
Trên thực tế, gia tộc Rothschild chính là ông tổ của hệ thống tình báo quốc tế. Ngay từ Chiến tranh Napoléon, gia tộc Rothschild đã thu được lợi nhuận đáng kinh ngạc trên thị trường tài chính London nhờ có được thông tin về trận chiến Waterloo sớm hơn 24 giờ so với thị trường.
Đối với một gia tộc ngân hàng quốc tế tham gia vào hoạt động kinh doanh chênh lệch giá trên thị trường tài chính đa quốc gia, tính chính xác và tốc độ của thông tin tình báo chính là “cơ hội kiếm tiền hàng đầu”. Các phát minh công nghệ đã ảnh hưởng lớn đến phương hướng phát triển của các hệ thống tình báo.
Trong thời đại chưa có điện tín và điện thoại, gia tộc Rothschild đã đi tiên phong trong việc sử dụng chim bồ câu để truyền dữ liệu trên thị trường tài chính cũng như các lệnh giao dịch. Gia tộc Rothschild cũng tạo ra một bộ công nghệ mã hóa để ngăn chặn thông tin bị rò rỉ. Đối với gia tộc Rothschild, lĩnh vực tình báo có thể được coi là một bộ môn khoa học lâu đời.
Victor Rothschild, vị nam tước thế hệ thứ ba của gia tộc Rothschild, lớn lên trong bầu không khí như vậy.

Chân dung Victor Rothschild. Ảnh: Spy Culture.
Là người thừa kế của ngân hàng gia tộc chi nhánh London - Victor mang theo danh dự và sự kỳ vọng mãnh liệt của cả gia tộc. Gia tộc của Victor đã lập nên vô vàn chiến tích huyền thọa, kể từ thời ông tổ của ông, Meyer Rothschild, xây dựng nên sự nghiệp, cho đến thời cụ nội ông thống trị thị trường tài chính thành phố London nhờ cuộc Chiến tranh Napoléon.
Ông tằng tổ Lionel thì giành được Kênh đào Suez. Ông nội Natty thì huy động vốn cho gia tộc Rhodes tiến hành khai thác ở Nam Phi, độc quyền trong lĩnh vực kinh doanh kim cương toàn cầu và thiết lập Quỹ học bổng Rhodes - một quỹ học bổng có ảnh hưởng sâu sắc đến giới thượng lưu Anh-Mỹ. Chỉ có cha của ông - Charles - dường như là một mắt xích yếu của chuỗi di sản gia tộc. Ông mắc chứng trầm cảm nặng, và cuối cùng chọn cách tự tử vì không thể chịu đựng nỗi thống khổ mất ngủ tới 6 năm. Lúc đó, Victor chỉ mới 12 tuổi.
Nhưng với tư cách là một người kế thừa công việc kinh doanh của cả gia tộc, ông có trách nhiệm phải gánh chịu đủ mọi áp lực không thể tưởng tượng được.
Áp lực đầu tiên là vấn đề chủng tộc. Với tư cách là một người Do Thái, ông luôn rất nhạy cảm với việc bị phân biệt kỳ thị, nhưng cùng với đó, ông cũng có cảm giác ưu việt vô cùng mạnh mẽ. Mặc dù chịu đủ sự phân biệt và đối xử, nhưng người Do Thái luôn giữ niềm tin kiên định rằng chỉ có họ mới là những người được Chúa chọn.
Là những người thống trị của toàn thế giới, họ nắm quyền lực từ lúc sinh ra và không thể thay thế. Người Do Thái có lòng tự tôn vô cùng mạnh mẽ, pha trộn với tâm lý bị đè nén cực kỳ mãnh liệt. Với một tâm lý như vậy thường sẽ tạo ra động lực mạnh mẽ và khả năng linh hoạt đáng kinh ngạc.
Áp lực thứ hai là danh tiếng của gia tộc. Vì gia tộc Rothschild đã ở trong giới tài chính quốc tế hàng trăm năm, họ có tác động rất lớn đến lịch sử thế giới hiện đại và áp lực từ danh dự gia tộc vốn dĩ không hề nhẹ nhàng.
Trong các trường học quý tộc mà cậu bé Victor theo học, đại đa số các bạn học đều xuất thân từ những dòng dõi danh giá. Nhưng khi cậu bé Victor nói tên gia tộc của mình, tất cả các bạn cùng lớp vẫn tỏ thái độ kính nể và sợ hãi. Tuy nhiên, danh tiếng và địa vị quá đỗi nổi trội này cũng đã đem lại cho cậu rất nhiều áp lực. Victor không được phép tỏ ra hớ hênh hay kém cỏi hơn người khác; cậu bắt buộc và chỉ có thể mãi mãi đứng ở vị trí số một.
Áp lực thứ ba là khao khát muốn khiêu chiến với giới hạn trí tuệ bản thân. Victor là một người rất thông minh với chỉ số IQ là 184. Đây là một đánh giá của các chuyên gia Đức Quốc xã dựa trên hiệu suất của ông về mọi mặt. Victor thực sự là một người rất đa tài đa nghệ. Ông vừa là một chủ ngân hàng xuất chúng, vừa là một chuyên gia phản gián trứ danh.
Bên cạnh đó, ông cũng là một nhà sinh vật học. Ông tương đối tinh thông vật lý hạt nhân và cũng có hiểu biết sâu sắc về hội họa, nghệ thuật và âm nhạc. Victor không ngừng học hỏi tất cả các loại kiến thức mới, và không có nhiều thời gian rảnh rỗi cho cuộc sống của mình.
Chàng trai trẻ năng động Victor bước vào Học viện Trinity thuộc Đại học Cambridge với sở thích phiêu lưu mạo hiểm. Thời điểm đó, ông đăng ký vào một loạt các ngành học, bao gồm vật lý, sinh học và tâm lý học. Ông luôn có hứng thú mạnh mẽ với các ngành khoa học tự nhiên và đặc biệt rất thích tiếng Pháp. Khi đang học tiếng Pháp, ông tìm được một đàn anh lớn hơn mình 3 tuổi để dạy kèm ngoại khóa. Người này chính là Sir Anthony Blunt nổi tiếng, thành viên thứ tư trong nhóm Cambridge Five.
Mối quan hệ giữa Blunt và Victor phát triển nhanh chóng. Blunt thường dạy Victor cách phát âm tiếng Pháp theo kiểu một kèm một.
Tháng 5 năm 1928, khi lên năm thứ hai đại học, Blunt đã gia nhập Cambridge Apostles - một tổ chức bí mật nổi tiếng của Học viện Trinity. Đây là một tổ chức bí mật được khởi xướng bởi 12 người, tự xưng là các “tông đồ” vào năm 1820. Các thành viên là 12 sinh viên đại học thông minh nhất trong trường.
Không chỉ vậy, 12 người này phải được sinh ra trong giới quý tộc và có một mạng lưới quan hệ rộng rãi trong giới thượng lưu Anh. Hai yêu cầu này sẽ đảm bảo các thành viên của “Hội Tông đồ” gần như chắc chắn sẽ trở thành những nhân tố của giới cầm quyền Anh trong tương lai. Blunt sau này đã trở thành người giới thiệu Victor vào Hội Tông đồ.
Ngoài việc giới thiệu Victor với Hội Tông đồ, Blunt còn dẫn dắt một nhân vật quan trọng khác “nhập môn”, đó chính là Burgess, người thứ ba bị công khai danh tính trong nhóm Cambridge Five. Ngày 12 tháng 11 năm 1932, Burgess và Victor đã cùng tham gia Hội Tông đồ, thành lập một nhóm nhỏ với Blunt, Victor, Burgess và những người khác làm nòng cốt.