Ông Putin yêu cầu chính phủ Nga và ngân hàng lớn nhất nước mở rộng hợp tác AI với Trung Quốc
Tổng thống Vladimir Putin đã yêu cầu chính phủ Nga và ngân hàng lớn nhất nước này là Sberbank mở rộng hợp tác với Trung Quốc trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI).
Chỉ thị từ Tổng thống Putin được công bố trên trang web của Điện Kremlin hôm 1.1.2025, ba tuần sau khi ông tuyên bố rằng Nga sẽ hợp tác với các đối tác BRICS và các quốc gia khác để phát triển AI.
BRICS gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, được hình thành như một liên minh kinh tế và chính trị nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các nền kinh tế mới nổi và tạo đối trọng với các tổ chức cùng quốc gia phương Tây. Họ hợp tác trong nhiều lĩnh vực như kinh tế, tài chính, công nghệ và phát triển bền vững. Một trong những sáng kiến nổi bật của BRICS là việc thành lập Ngân hàng Phát triển Mới để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng và phát triển ở các nước thành viên.
Tổng thống Putin nói với chính phủ và Sberbank, đơn vị tiên phong trong nỗ lực AI của Nga, rằng "phải đảm bảo hợp tác hơn nữa với Trung Quốc trong nghiên cứu và phát triển công nghệ trong lĩnh vực AI”.
Các lệnh trừng phạt của phương Tây đã hạn chế Nga tiếp cận công nghệ cần thiết để duy trì cuộc chiến với Ukraine. Điều đó khiến các nhà sản xuất chip lớn trên thế giới ngừng xuất khẩu sản phẩm sang Nga, làm hạn chế nghiêm trọng tham vọng AI của nước này.
German Gref, Giám đốc điều hành Sberbank, thừa nhận vào năm 2023 rằng các bộ xử lý đồ họa (GPU), chip hỗ trợ cho quá trình phát triển AI, là phần cứng khó thay thế nhất với Nga.
Bằng cách hợp tác với các quốc gia không thuộc phương Tây, Nga đang tìm cách thách thức sự thống trị của Mỹ trong một trong những công nghệ đầy hứa hẹn và quan trọng nhất thế kỷ 21.
Vào tháng 12.2024, ông Putin tuyên bố rằng Mạng lưới Liên minh AI mới sẽ tập hợp các chuyên gia từ BRICS và những quốc gia quan tâm khác như Serbia, Indonesia. Mạng lưới này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu chung về công nghệ và quy định về AI, đồng thời tạo cơ hội để các sản phẩm AI được bán tại thị trường của các quốc gia thành viên.
Theo Chỉ số AI toàn cầu của tổ chức báo chí Tortoise Media (Anh), Nga hiện xếp thứ 31 trong số 83 quốc gia về triển khai, đổi mới và đầu tư vào AI, không chỉ kém xa Mỹ và Trung Quốc mà còn thua cả các thành viên BRICS khác là Ấn Độ và Brazil.
Tại hội nghị Hành trình đến thế giới AI diễn ra hôm 12.12.2024 ở Moscow (thủ đô Nga), Tổng thống Putin cho biết các lệnh trừng phạt từ phương Tây đã hạn chế đáng kể khả năng tiếp cận các công nghệ quan trọng của Nga, gồm cả các chip tiên tiến quan trọng cho sự phát triển AI. Song bất chấp điều đó, Nga đã phát triển các giải pháp AI của riêng mình, theo ông Putin.
"Các công nghệ AI được dự định trở thành nguồn lực quan trọng nhất để đạt những mục tiêu phát triển quốc gia, tăng cường năng lực quốc phòng của đất nước, phát triển nền kinh tế và các lĩnh vực xã hội, quản lý công và tăng cường các sáng kiến. Để đạt thành công bất chấp những thách thức này, Nga phải trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới không chỉ về thiết kế mà còn về quy mô triển khai và tích hợp AI vào mọi lĩnh vực của cuộc sống mà không có ngoại lệ", ông Putin tuyên bố.
"Nga phải tham gia cuộc đua toàn cầu tạo ra AI mạnh mẽ. Đó chính xác là những giải pháp tiên tiến mà các nhà khoa học Nga đang nghiên cứu. Chúng tôi mời các nhà khoa học từ khắp nơi trên thế giới tham gia hợp tác", Tổng thống Nga nói thêm.
Ông Putin cho biết Nga sẽ chia sẻ các công nghệ mới của mình với các quốc gia ở Nam và Đông Bán cầu cũng như hợp tác chặt chẽ với thành viên BRICS và những đối tác toàn cầu khác để thúc đẩy AI nhằm chống lại sự thống trị của Mỹ và các nước phương Tây trong lĩnh vực này.
"Tôi chắc chắn rằng một liên minh quốc tế gồm các hiệp hội quốc gia và tổ chức phát triển trong lĩnh vực AI của các nước BRICS và các quốc gia quan tâm khác sẽ tạo động lực nghiêm túc cho sự hợp tác như vậy. Theo tôi hiểu, chúng ta sẽ bắt đầu công việc của một liên minh như vậy ngày hôm nay tại hội nghị Hành trình đến thế giới AI", ông Putin nhấn mạnh.
Nga xác định AI là một lĩnh vực tăng trưởng chính, dự kiến việc sử dụng công nghệ này trên nhiều lĩnh vực có thể đóng góp hơn 11.000 tỉ rúp (hơn 109 tỉ USD) vào GDP của đất nước trong năm 2030.
Hôm 31.12.2024, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gửi lời chúc mừng năm mới tới Tổng thống Vladimir Putin, trong đó khẳng định mối quan hệ đối tác sâu rộng và bền vững giữa hai quốc gia.
Trong lời chúc, ông Tập Cận Bình nêu rõ quan hệ Trung Quốc và Nga luôn đồng hành cùng nhau trên con đường đúng đắn, không liên minh, không đối đầu và không nhắm vào nước thứ ba. Ông Tập Cận Bình cũng cho biết dưới sự chỉ đạo chiến lược của cả hai nhà lãnh đạo, sự tin cậy chính trị và phối hợp chiến lược giữa hai nước không ngừng được củng cố và phát triển lên một tầm cao mới.
Ngoài ra, Chủ tịch Tập Cận Bình còn đề cập đến sự hợp tác chặt chẽ giữa Trung Quốc và Nga trong vai trò chủ tịch các cơ chế BRICS và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, đóng góp thiết thực vào sự đoàn kết và hợp tác giữa các quốc gia ở Nam bán cầu (gồm các nước châu Phi, Mỹ Latinh và các nước đang phát triển tại châu Á). Ông đồng thời bày tỏ mong muốn duy trì các cuộc trao đổi thường xuyên với Tổng thống Putin và tiếp tục giữ vững định hướng hợp tác toàn diện giữa hai quốc gia, nhằm không ngừng củng cố và phát triển mối quan hệ chiến lược sâu rộng, tình hữu nghị lâu dài giữa hai nước.
Về phần mình, Tổng thống Putin cũng gửi lời chúc mừng tới Chủ tịch Tập Cận Bình nhân dịp năm mới. Trong lời chúc, nhà lãnh đạo Nga chúc người dân Trung Quốc đón một năm mới hạnh phúc và thịnh vượng.
Trước đó, bên lề Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 16 diễn ra tại thành phố Kazan (Nga) ngày 22.10, Tổng thống Putin đã có cuộc hội đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình, trong đó khẳng định mối quan hệ hợp tác thương mại - kinh tế giữa hai nước đang phát triển mạnh mẽ, bất chấp những biến động phức tạp của tình hình thế giới.
Tại cuộc gặp, ông Putin khẳng định Nga mong muốn tăng cường quan hệ với Trung Quốc để thúc đẩy sự ổn định toàn cầu. Ông nhấn mạnh: "Sự hợp tác Nga-Trung trong các vấn đề thế giới đóng vai trò là một trong những yếu tố ổn định trên trường quốc tế".