Ông Putin muốn đạt điều gì từ ông Trump trong thỏa thuận hòa bình Ukraine?

'Đối với Nga, ưu tiên là duy trì quyền kiểm soát đối với hầu hết các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng ở Ukraine và Crimea để cho thấy đây là một chiến dịch xứng đáng', ông John Foreman, cựu tùy viên quốc phòng Anh tại Moscow và Kiev nói với Newsweek.

Mục tiêu tối đa của Nga và sự dịch chuyển của Ukraine

Ông Donald Trump từ lâu đã nói rằng ông có thể chấm dứt xung đột ở Ukraine trong 1 ngày nhưng các cuộc thảo luận diễn ra sớm như thế nào sau khi tổng thống đắc cử nhậm chức phụ thuộc vào việc liệu các điều khoản có làm hài lòng ông, cũng như những người đồng cấp Nga và Ukraine hay không.

Bất chấp những tuyên bố của ông Trump, hầu như rất ít người cho rằng sẽ có một bức ảnh gồm cả ba nhà lãnh đạo ngày 21/1/2025 giữa bối cảnh vẫn còn những điểm nghẽn về việc liệu tiền tuyến hiện tại mang đến lợi thế gì cho Nga và liệu Tổng thống Putin hoặc Tổng thống Volodymyr Zelensky có đồng ý đàm phán hay không.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và ông Donald Trump. Ảnh: Getty

Tổng thống Nga Vladimir Putin và ông Donald Trump. Ảnh: Getty

Theo cựu Đại sứ Mỹ tại NATO Kurt Volker nhận định với Newsweek, khó có thể xảy ra việc tất cả yêu cầu của Nga được thỏa mãn và ông cũng "không nghĩ rằng mong muốn của Tổng thống Zelensky rằng Ukraine sẽ lấy lại toàn bộ lãnh thổ được đáp ứng".

"Tôi nghĩ rằng vấn đề thực sự là chấm dứt xung đột ở nơi nó diễn ra", cựu Đại sứ Mỹ cho hay.

Theo một báo cáo ngày 20/11 của Reuters, Tổng thống Putin được cho là sẵn sàng thảo luận về một thỏa thuận ngừng bắn với ông Trump nhưng đã bác bỏ bất kỳ nhượng bộ lãnh thổ đáng kể nào và nhấn mạnh Kiev phải từ bỏ mong muốn gia nhập NATO mặc dù sau đó Điện Kremlin đã phủ nhận những thông tin từ bài báo này.

Tháng 9/2022, 7 tháng sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt, Tổng thống Putin tuyên bố sáp nhập Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia mặc dù hơn 2 năm sau, Moscow vẫn chưa kiểm soát hoàn toàn chúng. Cựu Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết hôm 2/12 rằng lệnh ngừng bắn vẫn để Nga kiểm soát các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng không có nghĩa là Kiev sẽ phải từ bỏ các vùng đất của mình "mãi mãi".

"Chúng ta cần một ranh giới ngừng bắn", ông Stoltenberg nói, đồng thời cho biết lý tưởng nhất là bao gồm tất cả các vùng lãnh thổ Nga sáp nhập nhưng "chúng tôi thấy rằng điều này không nhất thiết là thực tế trong tương lai gần".

Tuy nhiên, cũng có sự thay đổi trong tuyên bố của ông Zelensky về việc sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine là chìa khóa cho bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào. Ông nói với hãng thông tấn Kyodo hôm 1/12 rằng, quân đội Ukraine "thiếu sức mạnh" để giải phóng các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng" và "các giải pháp ngoại giao" có thể hiệu quả.

Trong khi đó, Tổng thống Putin có những mục tiêu tối đa và việc ngồi vào bàn đàm phán với ông Trump lúc này sẽ khiến nhà lãnh đạo Nga cảm thấy mình ở thế yếu vào thời điểm các lực lượng của Moscow đang giành được lợi thế và Kiev đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân sự nghiêm trọng.

Tổng thống Putin muốn đạt điều gì?

"Đối với Nga, ưu tiên là duy trì quyền kiểm soát đối với hầu hết các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng và Crimea để cho thấy đây là một chiến dịch xứng đáng", ông John Foreman, cựu tùy viên quốc phòng Anh tại Moscow và Kiev nói với Newsweek.

Tổng thống Zelensky đã nhấn mạnh rằng Ukraine cần nhận được các đảm bảo an ninh từ NATO và có nhiều vũ khí hơn để tự vệ trước khi bất kỳ cuộc đàm phán nào với Nga diễn ra.

"Tổng thống Putin muốn có sự đảm bảo về tình trạng trung lập của Ukraine. Nga cũng muốn có lời hứa về việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của phương Tây do thiệt hại mà cuộc xung đột gây ra cho nền kinh tế nước này", ông Foreman nói, đồng thời cho rằng Nga muốn gạt Ukraine sang một bên và nói chuyện trực tiếp với Mỹ.

Người được ông Trump đề cử làm đặc phái viên hòa bình về Ukraine - Trung tướng đã nghỉ hưu Keith Kellogg, nói rằng bất kỳ chính sách nào của Mỹ nhằm chấm dứt xung đột đều phải bao gồm yêu cầu ngừng bắn và giải quyết xung đột thông qua đàm phán.

Hiện không rõ liệu ông Trump có thực hiện kế hoạch của ông Kellogg - theo đó kêu gọi Mỹ dừng viện trợ cho Ukraine trừ khi có các cuộc đàm phán với ông Putin hay không. Kế hoạch này cũng cho rằng cuộc xung đột nên bị đóng băng trên tiền tuyến hiện tại nhưng Mỹ cần hỗ trợ Ukraine để ngăn những bước tiến xa hơn của Nga.

Ông Foreman cho biết, sự nghi ngờ về việc tiếp tục hỗ trợ Ukraine từ chính quyền ông Trump và trên trường quốc tế, kết hợp với những thành quả trên chiến trường của Nga và sự ủng hộ ngày càng gia tăng ở Ukraine đối với một thỏa thuận, đang đè nặng lên ông Zelensky khi ông tìm cách chấm dứt "giai đoạn nóng" của cuộc xung đột.

"Nếu không có sự đảm bảo an ninh vững chắc, sẽ không có gì ngăn cản Nga tấn công trở lại. Có thể thấy được những nét chính của một thỏa thuận tiềm năng nhưng có nhiều rào cản để đạt được nó. Ông Putin nghĩ rằng ông ấy đang chiến thắng và khó có thể thấy ông ấy thỏa hiệp nếu không có những biện pháp trừng phạt mạnh mẽ của Mỹ như trong kế hoạch của ông Kellog", ông Foreman nhận định.

Ông Trump nhậm chức vài tuần sau khi Tổng thống Joe Biden bật đèn xanh cho Kiev sử dụng tên lửa ATACMS tầm xa bên trong lãnh thổ Nga. Ông Biden cũng áp đặt các lệnh trừng phạt cứng rắn lên Nga trong gần 3 năm xung đột, tất cả đều sẽ tác động đến quyết định của ông Trump.

Chuyên gia Volker tin rằng ông Trump có thể tận dụng việc Mỹ tăng cường sản xuất và xuất khẩu năng lượng để gây tổn thất cho Nga.

"Điều đó cho phép ông ấy thu hẹp khoảng cách về các lệnh trừng phạt", chuyên gia Volker cho biết. Theo ông: "Việc thiếu quyết liệt trong thực hiện các lệnh trừng phạt xuất phát từ thực tế là chính quyền ông Biden không muốn mạo hiểm tăng giá xăng. Nhưng ông Trump thì không cần điều đó".

Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo: Newsweek

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/ong-putin-muon-dat-dieu-gi-tu-ong-trump-trong-thoa-thuan-hoa-binh-ukraine-post1139848.vov
Zalo