Ông Phùng Anh Tuấn đang sở hữu bao nhiêu cổ phần tại chuỗi tài chính cầm đồ F88?

Từ một nhân vật nổi danh trong giới CNTT đầu những năm 2000, ông Phùng Anh Tuấn đã trở thành một trong những doanh nhân tiên phong trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng. Việc F88 trở thành công ty đại chúng là dấu ấn mới trên hành trình tái định nghĩa ngành cầm đồ mà ông Tuấn theo đuổi hơn một thập kỷ.

Chân dung ông Phùng Anh Tuấn

Người đứng sau chuỗi cầm đồ nổi tiếng F88 là ông Phùng Anh Tuấn (SN 1984) - biệt danh “Tuấn Pat” – là cái tên từng được cộng đồng công nghệ biết đến như một trong những hacker nổi bật tại Việt Nam đầu những năm 2000. Ngay từ thời phổ thông, ông đã là thủ lĩnh của nhóm “Việt Hacker”, góp phần phát triển các giải pháp bảo mật và được đánh giá là người tiên phong trong lĩnh vực an ninh mạng thời kỳ sơ khai tại Việt Nam.

Ông Phùng Anh Tuấn

Ông Phùng Anh Tuấn

Tuấn theo học tại Trường THPT Chuyên Hùng Vương và sau đó là sinh viên xuất sắc của Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Tốt nghiệp đại học, ông từng làm việc tại nhiều tập đoàn công nghệ lớn như VASC, Viettel và Hipt trước khi khởi nghiệp với Công ty An ninh mạng VSEC vào năm 2003. VSEC nhanh chóng trở thành một trong những công ty đầu tiên trong ngành bảo mật thông tin ở Việt Nam và lọt vào danh sách những doanh nghiệp B2B hàng đầu châu Á vào năm 2018.

Năm 2013, một bước ngoặt lớn trong hành trình khởi nghiệp của Phùng Anh Tuấn bắt đầu khi ông cùng cộng sự thành lập Công ty Cổ phần Kinh doanh F88 – doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cho vay cầm cố tài sản. Ý tưởng ra đời F88 xuất phát từ chính trải nghiệm cá nhân: khi khởi nghiệp, ông từng phải mang tài sản cá nhân đi cầm cố để trả lương cho nhân viên. Chính trải nghiệm đó đã khiến ông nhìn nhận lại toàn bộ thị trường dịch vụ cầm đồ truyền thống tại Việt Nam – vốn còn nhiều định kiến, thiếu chuyên nghiệp và thiếu minh bạch.

F88 ra đời với mục tiêu "định chuẩn lại ngành cầm đồ", ứng dụng công nghệ hiện đại để xây dựng một chuỗi hệ thống dịch vụ tài chính nhanh chóng, minh bạch, thân thiện. Đối tượng khách hàng mà F88 hướng đến là những người khó tiếp cận tín dụng ngân hàng, bao gồm nhân viên văn phòng, tiểu thương, lao động phổ thông...

Trải qua 12 năm hoạt động kể từ khi thành lập năm 2013, F88 đã xây dựng hệ thống gần 900 cửa hàng trên toàn quốc. Doanh nghiệp này cũng nhận được sự đồng hành từ các cổ đông lớn như Mekong Capital, Vietnam Oman Investment (VOI) – liên doanh giữa Ủy ban Đầu tư Vương quốc Oman và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) và Granite Oak.

Vai trò của ông Tuấn trong G-Group được ví như một “kỹ sư trưởng”, hoạch định chiến lược và định hình tư duy đổi mới sáng tạo cho toàn bộ hệ thống.

Trong nhiều cuộc phỏng vấn, Phùng Anh Tuấn nhấn mạnh tầm nhìn xuyên suốt của ông là xây dựng những sản phẩm tài chính nhân văn, góp phần giải quyết các vấn đề thực tế của xã hội, đặc biệt là bài toán tiếp cận vốn cho người lao động thu nhập thấp.

“F88 không chỉ là một chuỗi cầm đồ, chúng tôi đang xây dựng một dịch vụ tài chính toàn diện, minh bạch và dễ tiếp cận cho hàng triệu người Việt Nam,” ông nói.

F88 mới đây cũng chính thức trở thành công ty đại chúng sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xác nhận đáp ứng đầy đủ điều kiện theo quy định của Luật Chứng khoán.

Theo quy định pháp luật, sau khi được xác nhận là công ty đại chúng, F88 có thời hạn 30 ngày để đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn UPCoM. Với bước tiến này, F88 trở thành doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính thay thế đầu tiên tại Việt Nam đủ điều kiện niêm yết trên sàn chứng khoán, đánh dấu cột mốc quan trọng trong hành trình phát triển và minh bạch hóa hoạt động.

Ông Phùng Anh Tuấn – Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Hội đồng Quản trị F88 cho biết, việc trở thành công ty đại chúng là cột mốc có ý nghĩa đặc biệt, thể hiện nỗ lực lâu dài của công ty trong việc nâng cao tính minh bạch, chuẩn hóa quản trị theo các tiêu chuẩn quốc tế. “Đây là nền tảng vững chắc để F88 hiện thực hóa mục tiêu niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) trong tương lai, đồng thời mang lại giá trị bền vững cho khách hàng bình dân và cổ đông”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Ai đang sở hữu F88?

Tại Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2024, vốn điều lệ của Đầu tư F88 là 82,6 tỷ đồng, với 334 cổ đông.

Chỉ 6 cổ đông lớn đã nắm giữ 84,04% bao gồm Skydom (đơn vị của quỹ đầu tư Mekong Capital) nắm giữ 31,3%; Winter Flame (của Mekong Capital) nắm 5,6%; Granite Oak (Bronze Blade Limited) sở hữu 9,8%; Oman Investment Authority sở hữu 8,1% vốn điều lệ.

Các cá nhân là ông Phùng Anh Tuấn - Chủ tịch HĐQT và ông Ngô Quang Hưng - Thành viên HĐQT không điều hành lần lượt nắm 15,2% và 13,6% vốn điều lệ.

Báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán của F88 năm 2024, cho thấy chi phí dành cho lương và thưởng nhân viên đạt hơn 991,3 tỷ đồng – tăng 15,6% so với năm trước. Khoản chi này hiện là hạng mục tốn kém nhất trong cơ cấu chi phí của F88, vượt cả phần trích lập dự phòng cho các khoản phải thu và cho vay khó đòi.

Tính theo tỷ trọng, lương và thưởng đang chiếm khoảng 40% tổng chi phí hoạt động của doanh nghiệp. Nếu so với doanh thu năm 2024, con số này tương đương gần 43,5%, tức là trung bình cứ mỗi 10 đồng doanh thu, F88 chi hơn 4 đồng để trả cho người lao động.

Tính đến cuối năm, lực lượng lao động tại F88 gồm 4.030 người, giảm nhẹ 101 người so với năm 2023. Dựa trên tổng chi phí nhân sự và số lượng nhân viên hiện hữu, mức thu nhập bình quân hàng tháng của mỗi nhân sự đạt khoảng 20,5 triệu đồng – tăng 18,5% so với năm trước đó.

Với mức thu nhập này, nhân viên F88 hiện có lương cao hơn một số ngân hàng thương mại cổ phần như VietABank, SaigonBank hay KienlongBank. Khoảng cách thu nhập giữa nhân sự tại F88 và các ngân hàng có quy mô lớn hơn như BVBank, Eximbank hay LPBank cũng chỉ dao động trong mức 1–2 triệu đồng/tháng.

Việc cải thiện chế độ đãi ngộ nhân sự đến trong bối cảnh tình hình kinh doanh của F88 có nhiều chuyển biến tích cực. Năm 2024, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu vượt 2.280,5 tỷ đồng, tăng gần 10% so với năm 2023. Đáng chú ý, giá vốn hàng bán giảm mạnh tới 29%, chủ yếu nhờ tiết giảm đáng kể chi phí dự phòng cho các khoản cho vay có rủi ro. Điều này đã giúp công ty đảo chiều lợi nhuận gộp, đạt gần 627 tỷ đồng so với mức âm hơn 241 tỷ đồng của năm trước đó.

Song song với đó, doanh thu từ hoạt động tài chính cũng tăng trưởng mạnh mẽ, đạt gần 448 tỷ đồng – cao gấp 1,5 lần so với cùng kỳ. Phần lớn trong số này đến từ nguồn thu lãi vay, vốn là hoạt động cốt lõi trong mô hình kinh doanh cầm đồ của F88.

Dù vậy, một số khoản chi thường xuyên như chi phí quản lý doanh nghiệp vẫn tiếp tục tăng, khiến công ty báo lỗ thuần hơn 155 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh chính. Tuy nhiên, nhờ phát sinh khoản thu nhập khác lên tới gần 613 tỷ đồng – bao gồm thu hồi từ các khoản vay đã xử lý rủi ro và các khoản phạt hợp đồng – F88 vẫn khép lại năm tài chính 2024 với lợi nhuận sau thuế gần 351,3 tỷ đồng. Đây là bước ngoặt quan trọng nếu so với khoản lỗ hơn 545,4 tỷ đồng của năm trước. Kết quả này cũng giúp doanh nghiệp xóa sạch phần lỗ lũy kế và ghi nhận hơn 4,3 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối vào cuối năm.

Hoạt động cho vay cầm cố tiếp tục là nguồn thu chủ lực của F88. Tính đến cuối năm 2024, công ty đã thực hiện tổng cộng gần 2,15 triệu lượt cầm cố tài sản, bao gồm khoảng 1,7 triệu xe máy và 159.000 ôtô. Ngoài lĩnh vực cốt lõi, F88 cũng đang khai thác thêm doanh thu từ các dịch vụ liên quan như đại lý bảo hiểm.

An Vũ

Nguồn Thị Trường Tài Chính: https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/tai-chinh/ong-phung-anh-tuan-dang-so-huu-bao-nhieu-co-phan-tai-chuoi-tai-chinh-cam-do-f88-142513.html
Zalo