Ông Phan Văn Mãi: Áp dụng mức thuế 10% cho tất cả loại hình báo chí
So với dự thảo trình tại kỳ họp thứ 8, dự thảo luật lần này đã giảm mức thuế thu nhập doanh nghiệp cho loại hình báo điện tử, truyền hình, phát thanh.
Để thể hiện sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước đối với hoạt động của các cơ quan báo chí, trên cơ sở nhất trí với đề xuất của cơ quan soạn thảo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng áp dụng thống nhất mức thuế suất ưu đãi 10% đối với tất cả các loại hình báo chí, tương tự như chính sách ưu đãi đang áp dụng cho báo in.
Đây là thông tin được Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi cho biết khi trình bày báo cáo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) trước Quốc hội vào sáng 12-5.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi trình bày báo cáo trước Quốc hội. Ảnh: Phạm Thắng
Ông Phan Văn Mãi cho biết theo cơ quan soạn thảo, quy định của luật hiện hành, thu nhập của cơ quan báo chí từ hoạt động báo in, kể cả quảng cáo trên báo in theo quy định của Luật Báo chí áp dụng thuế suất 10% trong suốt thời gian hoạt động; đối với các hoạt động báo chí khác áp dụng mức thuế suất phổ thông là 20%.
Trong bối cảnh các cơ quan báo chí đang phải thực hiện việc sắp xếp, tổ chức lại theo chủ trương của Đảng và Nhà nước và là đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự chủ hoàn toàn, nguồn thu của báo chí chủ yếu dựa vào quảng cáo nhưng cùng với sự phát triển của công nghệ, nhất là truyền thông xã hội, dẫn đến nguồn thu từ quảng cáo của báo chí có xu hướng sụt giảm. Do đó, UBTVQH thống nhất áp dụng một mức thuế suất 10% đối với tất cả các loại hình báo chí.
Tại dự thảo luật trình Quốc hội ở kỳ họp thứ 8 (tháng 11-2024), Chính phủ đề xuất ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho báo điện tử, truyền hình, phát thanh về mức 15% (giảm 5% so với hiện hành). Riêng loại hình báo in vẫn áp dụng mức ưu đãi 10% như quy định hiện nay.
Khi cho ý kiến về nội dung này ở kỳ họp thứ 8, nhiều ý kiến đề nghị cần có chính sách ưu đãi về thuế nhiều hơn đối với lĩnh vực văn hóa và báo chí, nên áp dụng mức thuế suất 10%. Ý kiến khác đề nghị có chính sách ưu đãi nhiều hơn là 5% hoặc 0%.
Đại biểu Trần Anh Tuấn (đoàn TP HCM) cho rằng cần giảm thuế thu nhập doanh nghiệp sâu hơn, về mức 0% hoặc 5% với lĩnh vực báo chí, thay vì 10% như trong dự thảo luật.
Nhấn mạnh báo chí là lĩnh vực quan trọng, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP HCM) cho rằng thuế thu nhập doanh nghiệp hiện đang quá cao với lĩnh vực này. Do đó, ông đề nghị xem xét ưu đãi thuế mạnh hơn cho báo chí.
Theo quan điểm của đại biểu Trần Hoàng Ngân, có thể áp dụng một mức thuế chung cho báo in, báo điện tử là 10%, thậm chí nên giảm nhiều hơn nữa. Vị đại biểu cũng đề xuất phương án xem xét miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho báo chí trong 5 năm, hoặc áp thuế ở mức tối thiểu để lĩnh vực này vượt qua khó khăn.
Sở dĩ có đề xuất trên, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho biết báo chí có đóng góp lớn trong quá trình xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trên mặt trận thông tin, tư tưởng, báo chí góp phần đấu tranh chống lại thông tin xấu độc, phòng, chống tham nhũng, lãng phí...
Vị đại biểu là chuyên gia kinh tế cũng nêu thực tế thời gian qua, với sự cạnh tranh gay gắt từ mạng xã hội, nguồn thu của các cơ quan báo chí sụt giảm mạnh. Trong khi đó, các yêu cầu về chuyển đổi số, đầu tư cho công nghệ tại các cơ quan báo chí đòi hỏi nguồn lực lớn.
Đại biểu Thạch Phước Bình, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh, tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách vào tháng 3-2025 cũng kiến nghị áp dụng mức thuế suất 10% cho toàn bộ cơ quan báo chí, không phân biệt báo in hay báo điện tử.
Theo đại biểu Bình, việc này nhằm hỗ trợ cơ quan báo chí vượt qua khó khăn tài chính, duy trì hoạt động và bảo đảm chất lượng nội dung thông tin cũng như tạo sự công bằng giữa các loại hình báo chí, phù hợp với xu hướng chuyển đổi số.