Ông Phạm Nhật Vượng: Cổ đông đầu tư dài hạn cổ phiếu VIC sẽ có lợi ích mong muốn

Đó là chia sẻ của ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Tập đoàn Vingroup (HoSE: VIC) tại đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm nay.

Ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch HĐQT Vingroup. Ảnh: LN

Ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch HĐQT Vingroup. Ảnh: LN

Tại đại hội, một cổ đông trẻ đặt câu hỏi với Chủ tịch Phạm Nhật Vượng về quan điểm đầu tư tích sản. Anh cho biết các thế hệ trước đây thường chọn vàng là kênh tích sản dài hạn, nhưng người trẻ như anh tin tưởng vào tương lai của Vingroup nên lựa chọn mua cổ phiếu VIC.

“Giữa vàng và VIC thì chọn VIC là đúng rồi, chắc chắn với nỗ lực của cả tập thể, làm việc ngày đêm quyết liệt, mạnh mẽ sáng tạo thì từng bước giá trị tạo ra, đẳng cấp được công nhận. Tương lai chắc chắn sẽ có. Nhưng như đi tàu, có lúc sóng gió, nếu vội nhảy xuống biển thì khó bơi tiếp. Tôi tin cổ đông trung thành, dài hạn sẽ có lợi ích mong muốn”, ông Vượng khẳng định.

Năm nay, Vingroup trình đại hội kế hoạch doanh thu 300.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 10.000 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 59% và 89% so với thực hiện năm trước. Đây là mức doanh thu – lợi nhuận kỷ lục, nếu đạt được. Trước đó, năm 2019, Vingroup lập đỉnh lợi nhuận 7.717 tỷ đồng.

Do vậy, cổ đông băn khoăn về cơ sở hiện thực hóa mục tiêu này. Bên cạnh đó, kế hoạch niêm yết Công ty CP Vinpearl, hoạt động kinh doanh của VinFast, kế hoạch vốn cho các đại dự án cũng được đa phần cổ đông quan tâm.

Chia sẻ với cổ đông, Chủ tịch Phạm Nhật Vượng đánh giá kế hoạch kinh doanh này “rất cao, rất thách thức” nhưng với tinh thần “cày ngày cày đêm, chúng tôi sẽ quyết tâm làm bằng được, không chỉ đạt mà còn vượt”.

Cơ sở là năm nay thị trường bất động sản phục hồi rõ nét nên doanh thu bất động sản sẽ tăng vọt. Bên cạnh đó, VinFast dự kiến bán được 200.000 xe, tương đương 40% thị phần.

“Đây là thị phần cao nhất của một hãng xe tại Việt Nam từ trước đến nay. Nếu đạt được doanh số này thì đạt được điểm hòa vốn”, ông nói.

Về việc niêm yết Vinpearl, ông Vượng cho biết tháng 4 sẽ xong thủ tục và lên sàn vào tháng 5. Hoạt động cốt lõi là kinh doanh du lịch nghỉ dưỡng, vận hành các khách sạn, vui chơi giải trí, sân golf đều đang có lãi và tăng trưởng tốt.

 Một cổ đông đặt câu hỏi cho Chủ tịch Phạm Nhật Vượng. Ảnh: LN

Một cổ đông đặt câu hỏi cho Chủ tịch Phạm Nhật Vượng. Ảnh: LN

Khi được hỏi về cân đối nguồn vốn cho việc phát triển các đại dự án, Chủ tịch Phạm Nhật Vượng cho biết tập đoàn đang nghiên cứu và khả năng cao là mở thêm 2 trụ cột là hạ tầng và năng lượng, bên cạnh các trụ cột chính công nghiệp – công nghệ, thương mại – dịch vụ và thiện nguyện xã hội.

“Về hạ tầng, chúng tôi đang đăng ký với Chính phủ để tự đầu tư đường sắt cao tốc từ Phú Mỹ Hưng ra Cần Giờ (TP.HCM) và từ Hà Nội xuống Quảng Ninh. Ngoài ra, chúng tôi đăng ký nghiên cứu một số cảng biển. Đối với năng lượng, chúng tôi đăng ký tới năm 2030 sẽ phát triển khoảng 22,5GW điện tái tạo và LNG. Việc tham gia mạnh mẽ vào mảng năng lượng vì Việt Nam đang thiếu năng lượng, nhất là năng lượng xanh”, ông Vượng thông tin tới cổ đông.

Nói thêm về việc làm năng lượng xanh, ông Vượng đưa ra ba lý do. Một là nhiều người nói rằng Vingroup làm xe điện nhưng chưa xanh, vì nguồn điện để sạc xe đến từ cả nhiệt điện, vậy ta làm điện xanh để xanh từ đầu đến cuối. Hai là nhiều người nói Việt Nam đang thiếu điện, càng làm xe điện thì Việt Nam càng thiếu điện, vậy chúng ta làm để thoải mái luôn.

Lý do thứ ba, ông chia sẻ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đang kêu gọi doanh nghiệp Việt Nam làm những dự án lớn, chung tay xây dựng đất nước.

“Vingroup là doanh nghiệp lớn, cần chung tay vào đó. Chúng tôi đăng kí làm những dự án lớn với tư duy đã làm thì phải làm lớn”, ông nhấn mạnh.

Về vấn đề vốn với 2 lĩnh vực trên, ông Vượng cho biết tập đoàn sẽ tạm phân bổ, còn phải xem xét phương án chi phí vốn nào tốt hơn sẽ làm. Ví dụ với LNG, tổng thầu có thể bỏ ra tới 90% vốn, nhưng chúng tôi định hướng chỉ cho họ bỏ 50% thôi, 35% còn lại là vốn ngân hàng và 15% là vốn tự có.

Về huy động vốn, năm nay Vingroup có kế hoạch niêm yết trái phiếu phát hành ra công chúng. Trong năm 2024, tập đoàn đã phát hành 4 trái phiếu riêng lẻ có tổng giá trị 8.000 tỷ đồng nhằm cơ cấu các khoản nợ của tập đoàn, đều có kỳ hạn 24 tháng.

Năm qua, Vingroup đạt doanh thu cao nhất lịch sử với 189.068 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2023. Lợi nhuận sau thuế đạt 5.276 tỷ đồng, tăng 157% so với năm trước. Lãi cơ bản trên cổ phiếu là 3.045 đồng.

Tổng tài sản tính đến cuối năm 2024 đạt 836.604 tỷ đồng, tăng 25% so với đầu năm. Nợ phải trả đạt 682.769 tỷ đồng, tăng 31%; trong đó tổng nợ vay của tập đoàn đạt 227.920 tỷ đồng. Cơ cấu nợ vay chủ yếu bao gồm các khoản vay hợp vốn (23,5%), vay ngân hàng (31,4%) và trái phiếu trong nước (27,5%). Vốn chủ sở hữu đạt 153.834 tỷ đồng, tăng thêm 5.613 tỷ đồng so với ngày 31/12/2023, tương đương tăng 4%, chủ yếu do đóng góp từ tăng lợi nhuận sau thuế trong năm là 5.276 tỷ đồng. Tính tới cuối năm 2024, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên báo cáo tài chính riêng đạt 10.126 tỷ đồng.

Theo báo cáo quản trị năm 2024, Chủ tịch Phạm Nhật Vượng nắm giữ 17,82% vốn Vingroup cùng đơn vị liên quan là Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam nắm 32,49% vốn; và vợ là bà Phạm Thu Hương – Phó Chủ tịch, nắm 4,4%.

Ngoài ra, Công ty CP Quản lý và Đầu tư Bất động sản VMI sở hữu 6,28% vốn và SK Investment Vina II pte. LTd nắm 5,97% vốn điều lệ.

Hải Thu

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/chu-tich-pham-nhat-vuong-giua-vang-va-vic-thi-nen-chon-vic-post184918.html?utm_source=web_vt&utm_medium=home_noibat_vt&utm_campaign=noibat
Zalo