Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái: 'Điều cốt lõi là phải tạo ra một môi trường pháp lý minh bạch, ổn định'

Trao đổi với Báo PLVN về vấn đề phát triển doanh nghiệp dân tộc, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái Phạm Đình Đoàn khẳng định: 'Để doanh nghiệp dân tộc Việt Nam phát triển vươn tầm quốc tế, cần phải có những cơ chế, chính sách vượt trội, mang tính chiến lược dài hạn'

Cũng theo ông Phạm Đình Đoàn: "Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị không chỉ nhấn mạnh vai trò của DN và doanh nhân trong sự nghiệp phát triển kinh tế, mà còn đặt trọng tâm vào việc xây dựng những DN mang bản sắc dân tộc, có khả năng cạnh tranh và hội nhập quốc tế. Để DN dân tộc (DT) Việt Nam phát triển vươn tầm quốc tế, tôi nghĩ cần phải có những cơ chế, chính sách vượt trội, mang tính chiến lược dài hạn".

Bởi vậy, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái cho rằng: "Trước hết, điều cốt lõi là phải tạo ra một môi trường pháp lý minh bạch, ổn định. DN chỉ có thể đầu tư dài hạn nếu họ tin tưởng vào tính công bằng và đồng bộ của hệ thống pháp luật. Một môi trường như vậy không chỉ khuyến khích sự sáng tạo mà còn giúp họ tự tin mở rộng hoạt động ra ngoài biên giới quốc gia. Bên cạnh đó, thương hiệu là yếu tố sống còn khi bước chân ra thị trường quốc tế. DNDT Việt Nam mang trong mình câu chuyện văn hóa, lịch sử độc đáo, nhưng để những câu chuyện này được thế giới biết đến, cần có sự hỗ trợ trong việc xây dựng thương hiệu quốc gia. Những sản phẩm như gốm sứ, lụa tơ tằm, hay cà phê Việt Nam cần được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, đồng thời quảng bá rộng rãi thông qua các chương trình xúc tiến thương mại".

Cũng theo người đứng đầu Tập đoàn Phú Thái, một yếu tố vô cùng quan trọng nữa là tài chính và tín dụng. Nhiều DNDT ở vùng sâu, vùng xa gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn. Chính phủ cần thiết kế các gói hỗ trợ tài chính đặc thù, chẳng hạn như vay vốn ưu đãi hoặc giảm thuế cho những DN có sản phẩm gắn với giá trị văn hóa và bản sắc. Trong kỷ nguyên số, chỉ có bản sắc thôi là chưa đủ. DNDT cũng cần phải hiện đại hóa, từ ứng dụng công nghệ vào sản xuất đến chuyển đổi số trong quản lý và vận hành.

"Để làm được điều này, cần có các chương trình chuyển giao công nghệ và hỗ trợ DN áp dụng các công cụ kỹ thuật số một cách hiệu quả. Việc phát triển nguồn nhân lực cũng phải được chú trọng. Đặc biệt, cần đào tạo thế hệ trẻ không chỉ về kỹ năng sản xuất mà còn về quản trị và tư duy hội nhập. Đây sẽ là nguồn lực giúp DNDT không chỉ tồn tại mà còn vươn cao trên thị trường toàn cầu" - ông Phạm Đình Đoàn cho hay.

Theo hiến kế của Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái, một trong những rào cản lớn nhất của doanh nghiệp dân tộc là thiếu kết nối với thị trường quốc tế. "Doanh nghiệp dân tộc cần được hỗ trợ trong việc tiếp cận các thị trường quốc tế thông qua các hiệp định thương mại tự do và những sự kiện xúc tiến thương mại toàn cầu. Chính phủ nên đóng vai trò cầu nối, giúp DN nhỏ nhưng giàu tiềm năng này tiếp cận các đối tác chiến lược trên thế giới. Cuối cùng, chúng ta cần nhìn nhận doanh nghiệp như một phần của sự phát triển bền vững. Họ không chỉ tạo ra giá trị kinh tế mà còn là “người bảo vệ” di sản văn hóa và thiên nhiên. Và, các chính sách khuyến khích phát triển bền vững, hỗ trợ các dự án xanh hay các mô hình kinh tế tuần hoàn, cần được ưu tiên triển khai".

Tóm lại, doanh nghiệp dân tộc Việt Nam không chỉ là những chủ thể kinh tế mà còn là “đại sứ văn hóa”. Họ đại diện cho bản sắc và niềm tự hào dânn tộc. Với các chính sách phù hợp, DN có thể vừa bảo tồn giá trị văn hóa, vừa trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam hội nhập quốc tế, khẳng định vị thế của đất nước trong một thế giới đầy cạnh tranh”.

Quỳnh Chi (ghi)

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/ong-pham-dinh-doan-chu-tich-tap-doan-phu-thai-dieu-cot-loi-la-phai-tao-ra-mot-moi-truong-phap-ly-minh-bach-on-dinh-post536095.html
Zalo